Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Suy thoái ở châu Âu: 'Ác mộng' chưa thực sự bắt đầu

(VTC News) -

Xung đột, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đang khiến các nước EU đối mặt mối lo suy thoái cận kề, tuy nhiên, ác mộng của khối sẽ chỉ bắt đầu khi mùa đông đến.

Giá năng lượng tăng cao kỷ lục ở châu Âu, đặc biệt là giá khí đốt, bên cạnh đó là sự mất giá của đồng tiền chung euro đang khiến các nước thuộc khối này vật lộn đối phó. Câu chuyện suy thoái sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi mùa đông sắp tới khi bên cạnh việc giá khí đốt tiếp tục tăng là khủng hoảng về an ninh năng lượng tới người dân và doanh nghiệp.

Các đồng tiền mạnh đồng loạt rớt giá

Đầu tháng 9/2022, đồng bảng Anh giao dịch ở mức 1,14 USD - mức thấp nhất kể từ năm 1985. 

Số liệu của Refinitiv cho thấy, lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm cũng tăng 0,08 điểm phần trăm trong ngày 5/9, lên mức 3% lần đầu tiên kể từ năm 2014.

Theo Deutsche Bank, chỉ số giá tiêu dùng lõi ở Anh, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhóm G10 gồm các nền kinh tế lớn.

Lo ngại lạm phát, các nhà đầu tư đang dần ái ngại với thị trường ở xứ sở sương mù. Điều này buộc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) phải tăng lãi suất mạnh, từ đó có thể ảnh hưởng triển vọng kinh tế dài hạn của Anh.

Các diễn biến ảm đạm này khiến BoE và nhiều nhà kinh tế lo ngại Anh sẽ rơi vào suy thoái cuối năm nay.

Đồng bảng Anh giảm xuống gần mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ hôm 7/9. (Ảnh: AP)

 

Giới quan sát nhận định một phần nguyên nhân khiến đồng bảng Anh rớt giá mạnh là do thông tin về việc Nga dừng hoạt động vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 hôm 2/9 với lý do phát hiện thấy một lỗ rò rỉ dầu trong tuabin. 

Không chỉ đồng bảng Anh, đồng euro cũng giảm giá mạnh, còn 1 euro đổi 0,99 USD ngày 5/9 - mức thấp nhất trong 20 năm. 

Đồng yên, won cũng chịu tình cảnh tương tự. Trong phiên giao dịch hôm 6/9, đồng tiền của Nhật Bản giảm giá xuống mức 143 yên/USD -  mức thấp nhất tính từ tháng 8/1998. 

Nguyên nhân là bởi lo ngại về khả năng lạm phát tăng cao đẩy cao lợi suất trái phiếu tại châu Âu và Mỹ tăng lên. Chênh lệch lợi suất lớn dần giữa trái phiếu chính phủ Mỹ và Nhật khiến nhà đầu tư bán đồng yên và mua mạnh đồng USD.

Tại Hàn Quốc, tỷ giá hối đoái giữa đồng won và USD ở phiên mở cửa tại thị trường ngoại hối Seoul ngày 7/9 lần đầu tiên sau 13 năm ở mức 1.387,30 won/USD trong bối cảnh thặng dư tài khoản vãng lai của nước này giảm mạnh. Trong phiên giao dịch buổi sáng cùng ngày, đồng won giảm xuống mức thấp nhất là 1.388,40 so với đồng USD.

Đây cũng lần đầu tiên đồng nội tệ Hàn Quốc giảm xuống dưới ngưỡng 1,380 won/USD so với đồng USD giao dịch trong ngày kể từ ngày 1/4/2009.

Việc các đồng tiền trong rổ tiền quốc tế đồng loạt giảm mạnh phần nào cho thấy nỗi lo suy thoái không chỉ trực chờ ở châu Âu mà đã lan sang châu Á và phần còn lại của thế giới.

Nỗi lo suy thoái 

Hơn 6 tháng sau khi xung đột Ukraine nổ ra, các chính phủ, doanh nghiệp, và hàng triệu hộ gia đình trên thế giới đang cảm nhận được nỗi đau từ chiến sự. 

Lạm phát tăng vọt, giá năng lượng tăng cao làm dấy lên nỗi lo về một mùa đông lạnh giá ở châu Âu, đồng thời đẩy lục địa già tới bờ vực suy thoái. Giá khí đốt tại châu Âu tăng 15 lần so với thời điểm tháng 3/2021, khi Nga đưa quân đội đến biên giới Ukraine.

Theo các chuyên gia, giá năng lượng tăng cao là yếu tố quan trọng nhất khiến lạm phát tại nhiều quốc gia châu Âu đang ở mức cao nhất trong 3-4 thập kỷ qua. Tại Anh, dự kiến lạm phát vào tháng 10/2022 lên tới 13%, trong khi ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), con số này dao động quanh mức 10%.

Hồi tháng 8, số liệu thống kê ở Đức cho thấy, khoảng 1/3 trong số hàng chục triệu doanh nghiệp nước này đã phải cắt giảm, thậm chí ngừng sản xuất, vì giá năng lượng quá cao.

Ngày 4/9, Chính phủ Đức công bố gói cứu trợ trị giá 65 tỷ euro để giúp các hộ gia đình và công ty đối phó lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng gói kích thích kinh tế này khó có thể giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu tránh khỏi cuộc suy thoái đang cận kề.

Các hộ gia đình ở Đức và châu Âu, hơn ai hết, cảm nhận được sức nóng từ giá năng lượng tăng cao khi hoá đơn điện, khí đốt tăng từ vài chục % đến vài trăm %, giá cả hàng hoá tiêu dùng cũng tăng do lạm phát. 

Không chỉ ở lục địa già, tình trạng lương thực đắt đỏ và khan hiếm trở nên tồi tệ hơn khi các lô hàng phân bón, ngũ cốc từ Nga và Ukraine bị cắt giảm. 

Chiến sự ở Ukraine khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ thấp triển vọng kinh tế toàn cầu lần thứ tư trong vòng chưa đầy một năm. Theo dự đoán của IMF, GDP toàn cầu chỉ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, giảm so với 4,9% dự báo hồi tháng 7/2021 và thấp hơn nhiều so với mức tăng năm ngoái là 6,1%.

Thế giới có thể sớm rơi vào tình trạng suy thoái, chỉ 2 năm sau cuộc suy thoái trước đó”, ông Pierre-Olivier Gourinchas - cố vấn kinh tế trưởng của IMF - cho biết.

Từ trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt không ít sức ép sau một thời gian kiệt quệ vì COVID-19. Các nhà máy, cảng biển, bến bãi rơi vào tình trạng quá tải, dẫn đến việc chậm trễ, thiếu hụt hàng hóa và giá cả tăng cao. Trước bối cảnh này, ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia đồng loạt nâng trần lãi suất. 

"Biến động về lạm phát, tăng trưởng khiến các ngân hàng trung ương khó lèo lái nền kinh tế hơn", Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế phân tích. 

Biểu tình phản đối tăng giá năng lượng ở London, Anh, ngày 26/8. (Ảnh: Reuters).

Không chỉ nước giàu chịu ảnh hưởng

Chiến sự từ Ukraine xa xôi tưởng không liên quan nhưng cũng ảnh hưởng công việc kinh doanh của các cửa hàng tạp hóa bên ngoài thủ đô Kampala của Uganda (châu Phi).

Còn ở Đông Nam Á, giá thịt lợn, rau và dầu tăng buộc các tiểu thương Thái Lan phải tăng giá, cắt giảm nhân viên. Indonesia, giá mì ăn liền - mặt hàng chủ lực của nước này tăng mạnh do giá lúa mì tăng cao. Ở quốc gia láng giềng Malaysia, các nông dân than thở vì giá phân bón tăng 50% và họ phải trả nhiều tiền hơn cho các loại túi và bao tải.

Tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, tăng trưởng hoạt động tại các nhà máy đã chậm lại, xuống mức thấp nhất 19 tháng trong tháng này, do sản lượng và số đơn đặt hàng mới giảm sâu. Trong khi đó, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Australia giảm xuống dưới mốc 50, mức phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Người dân Pakistan thời gian qua cũng đau đầu khi đồng tiền của họ mất giá tới 30% so với USD và giá điện tăng 50%.

Các cuộc khảo sát của các nhà quản lý mua hàng được công bố hồi cuối tháng 8 từ châu Á sang châu Âu cho đến Mỹ, cho thấy hoạt động kinh doanh đang sụt giảm và rất ít khả năng cải thiện sớm.

Nói một cách đơn giản, tỷ lệ lạm phát tăng vọt dẫn đến việc các hộ gia đình phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ, đồng nghĩa với họ ít chi tiêu hơn cho các mặt hàng khác. Điều đó làm cho sản lượng kinh tế giảm, nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế. Lãi suất cao hơn cũng đóng một vai trò nhỏ nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là lạm phát tăng quá cao", chuyên gia Paul Dales tại công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital có trụ sở tại London (Anh), cho hay. 

Nỗi lo lạm phát bủa vây các nước châu Á. (Ảnh: Reuters).

Theo một cuộc thăm dò của Reuters, 45% khả năng xảy ra suy thoái của Mỹ trong vòng một năm tới và 50% khả năng đó diễn ra trong vòng hai năm tới. Tình cảnh tương tự được ghi nhận ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). 

Châu Âu vốn nhiều năm phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga nay trở mình không kịp khi Moskva hạn chế xuất khẩu năng lượng. 

EU gần đây công bố kế hoạch tăng tốc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và tránh phụ thuộc vào khí đốt Nga, muộn nhất là năm 2027. Dù vậy, đây vẫn là kế hoạch dài hạn và nỗi lo nhãn tiền với châu Âu là việc thiếu nguồn cung sẽ buộc khu vực này phải cắt giảm 15% khí đốt tiêu thụ trong năm nay.

Với người dân, điều đó đồng nghĩa mùa đông sẽ lạnh hơn và giá năng lượng tiếp tục tăng vọt. 

Tình hình ảm đạm là vậy, nhưng các chuyên gia lo ngại mọi việc có thể còn trở nên tồi tệ hơn nếu chiến sự tiếp tục kéo dài và cuộc khủng hoảng năng lượng chưa chấm dứt. Việc rơi vào suy thoái được đánh giá là điều không thể tránh khỏi với châu Âu vào lúc này. 

"Khủng hoảng giờ là trạng thái bình thường mới. Điều chúng ta quen thuộc suốt hàng thập kỷ qua - lạm phát thấp, ngoại thương sôi động - giờ đã biến mất", Alexandre Bompard - CEO hãng bán lẻ Carrefour, cho hay. 

Và câu chuyện suy thoái ở châu Âu vì năng lượng chỉ mới bắt đầu.

Song Hy

Tin mới