Theo Bộ Tài chính, Bộ đã chủ động đề xuất nhiều chính sách mới, chưa có tiền lệ để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong bối cảnh nhiều thách thức và khó khăn sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Những chính sách này đã chứng minh được tính thực tiễn khi đưa kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt được những thành quả tích cực.
Cụ thể, tính đến ngày 15/12/2022, thu NSNN năm 2022 đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội; tỷ lệ động viên vào NSNN xấp xỉ 18% GDP (vượt mục tiêu 15,2% GDP). Trong đó, thu ngân sách Trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán.
Chi NSNN đảm bảo các nhiệm vụ trong dự toán và chi cho phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, chi cho an sinh xã hội, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và các nhiệm vụ cấp bách khác. Nhờ phấn đấu tăng thu, đã có nguồn để chi cho các khoản trong dự toán và nhiệm vụ cấp bách phát sinh.
Kinh tế Việt Nam 2022 gặt hái nhiều kết quả tích cực. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, năm 2022 ngành xuất nhập khẩu Việt Nam lập kỷ lục mới khi tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chạm mốc kỷ lục 700 tỷ USD. Kết quả ấn tượng này đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP năm 2022 và quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian đại dịch Covid-19.
Để đạt được kết quả kỷ lục đó, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh nhiều khó khăn mới nảy sinh: Thiết lập cơ chế cập nhật thông tin phục vụ công tác đánh giá tác động của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp; thành lập Tổ công tác hỗ trợ giải quyết vướng mắc về thủ tục hải quan để hỗ trợ doanh nghiệp trước tình trạng hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc do chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc, tăng thời gian làm việc của các đơn vị Hải quan liên quan từ 8 giờ lên 10 giờ, bố trí làm việc ngoài giờ hành chính, thực hiện thủ tục hải quan 24/7…
Theo Bộ Tài chính, năm 2022, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với việc tăng xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách và tín nhiệm quốc gia. Theo đó, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với các kỳ đánh giá trước, nâng mức xếp hạng của Việt Nam lên 68/120 nước, tăng 9 bậc so với năm 2019 và tăng 23 bậc so với năm 2017 (chu kỳ đánh giá 2 năm 1 lần).
Có thể nói, chưa lúc nào xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lại tốt như hiện nay. Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng “ổn định”; S&P nâng xếp hạng lên BB+ với triển vọng “ổn định”; Fitch xếp hạng BB với triển vọng “tích cực”... Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong số ít quốc gia trên toàn thế giới được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Trong bối cảnh nhiều nước bị hạ bậc tín nhiệm, hạ triển vọng, thì việc Việt Nam tiếp tục được các tổ chức liên tục nâng mức tín nhiệm quốc gia thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đưa nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành điểm sáng của khu vực. Điều này cũng cho thấy nền tảng về chính sách tài khóa được thực hiện chủ động, linh hoạt, hiệu quả, bội chi được giảm xuống, nợ công được kiểm soát chặt chẽ, tái cơ cấu nợ công hiệu quả. Việc được nâng xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp huy động được các nguồn vốn cả trực tiếp và gián tiếp từ khu vực bên ngoài vào trong nước sẽ tốt hơn.
Việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia đồng thời tác động tích cực đến tín nhiệm của các doanh nghiệp. Tiếp theo sự kiện nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tổ chức Moody’s đã nâng hạng tín nhiệm của 12 ngân hàng Việt Nam.
Năm 2022, bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp. Những tác động từ xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách “Zero-COVID-19” của Trung Quốc… đã khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt trên toàn cầu. Lạm phát trở thành câu chuyện chung của không ít các quốc gia và tại nhiều nền kinh tế lớn đã lạm phát mức cao nhất trong 40 năm qua. Việc các nền kinh tế phát triển tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát đã gây ra tình trạng “nhập khẩu lạm phát”, với lạm phát ở hầu hết các nước trong khu vực đều tăng.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, đồng bộ trong quản lý, điều hành để bình ổn giá nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần đảm bảo đời sống người dân.
Kết quả là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của Việt Nam năm 2022 tiếp tục đạt mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra là dưới 4%. Con số này thấp hơn so với nhiều nước, khu vực trên thế giới đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết quả đó đưa Việt Nam vào danh sách một trong số ít những quốc gia kiểm soát làm phát hiệu quả.
Tất cả những kết quả trên có thể đạt được là do Chính phủ và các Bộ, Ban ngành đã chủ động đề xuất nhiều chính sách mới, chưa có tiền lệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, để kịp thời ứng phó với các tác động do dịch bệnh, đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất và triển khai thực hiện ngay Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ. Trong đó, các chính sách tài khóa là chủ yếu, chiếm khoảng 83% tổng giá trị chương trình. Các chính sách thuế trong chương trình đã hỗ trợ cụ thể, như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng, góp phần kiểm soát lạm phát với số tiền hỗ trợ khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất quy mô 135 nghìn tỷ đồng…
Ngoài các chính sách ưu đãi thuế, tài khóa thuộc chương trình này, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách, như giảm lệ phí trước bạ; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí…
Đặc biệt, trong bối cảnh giá xăng, dầu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Bộ Tài chính 2 lần trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn; đề xuất giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu…
Các chính sách này đã có tác dụng tích cực kiềm chế lạm phát của Việt Nam ở dưới mức 4%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao.
Dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm khoảng 98,5 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 15/12/2022, đã thực hiện miễn giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí lớn nhất trong lịch sử ngành Tài chính.