Dù đã quá quen với những đợt nắng nóng thiêu đốt, Ấn Độ vẫn phải vật lộn với nhiệt độ tăng lên đến mức ngày càng không thể chịu nổi – gây ra những hậu quả chết người.
Delhi ghi nhận nhiệt độ gần 50 độ C vào tháng 5, trong khi đợt nắng nóng quét qua các bang khác ở miền bắc Ấn Độ. Theo các chuyên gia, nhiệt độ mùa hè ở Ấn Độ vẫn sẽ tiếp tục tăng.
Miền Bắc Ấn Độ đang trải qua thời tiết nóng kỷ lục, trong khi đó báo cáo dự đoán các sự kiện tương tự sẽ có khả năng xảy ra cao hơn 45 lần trong tương lai.
Có tới 61 người đã chết do đợt nắng nóng hiện nay, trong đó có 33 người đang làm nhiệm vụ bầu cử và một cử tri ở Uttar Pradesh (UP), bang đông dân nhất Ấn Độ, cũng như 8 người đang làm nhiệm vụ bầu cử ở bang láng giềng Bihar.
Cục Khí tượng Ấn Độ đưa ra cảnh báo màu cam (cảnh báo mọi người “hãy chuẩn bị”) hôm 1/6, ngày cuối cùng của cuộc bỏ phiếu. Đợt gió nóng mùa hè làm giảm tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu xuống 61,63%, thấp hơn 3,5% so với năm 2019.
Điều đáng lo ngại là Báo cáo phân bổ thời tiết thế giới mới nhất được công bố vào tháng trước dự đoán rằng những đợt nắng nóng như vậy sẽ có khả năng xảy ra cao gấp 45 lần (so với thời kỳ tiền công nghiệp) trong những năm tới. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Ông D. Himanshu thuộc khoa y tại Đại học Y King George ở Lucknow cho biết, các 'cảm biến' điều chỉnh nhiệt của cơ thể – chịu trách nhiệm kiểm soát nhiệt độ bằng cách khiến cơ thể đổ mồ hôi – ngừng hoạt động khi nhiệt độ tăng lên trên 47 độ C hoặc 48 độ C. Nhiệt độ cơ thể sau đó sẽ tiếp tục tăng.
“Nếu một người không uống đủ nước, mồ hôi sẽ ngừng chảy và tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu nhiệt độ cơ thể vượt quá 40 độ C, người bệnh có thể bị sốt do say nắng. Cơn sốt này xảy ra do sự trục trặc của bộ điều chỉnh nhiệt chứ không phải do hoạt động của hệ thống miễn dịch, khiến các loại thuốc hạ sốt thông thường như acetaminophen không có tác dụng”, ông Himanshu cho biết thêm.
Ông Renuka Keshwan, một giáo viên trường công lập, người đang làm nhiệm vụ bầu cử trong giai đoạn thứ năm vào ngày 20/5 ở Lucknow, cho biết: “Thật không thể chịu nổi khi chúng tôi chỉ có một chiếc quạt trần. Quản lý đám đông lớn và kiểm tra để đảm bảo bầu cử công bằng là một thách thức lớn. Sau hai ngày làm việc liên tục hơn 16 tiếng, tôi bị sốt cao vì nắng nóng".
Đóng cửa trường học
Báo cáo của WWA cho biết thêm rằng trong khi biến đổi khí hậu khiến đợt nắng nóng tháng 4 ở Ấn Độ có khả năng xảy ra cao gấp 45 lần thì các quốc gia lân cận khác, đặc biệt là các quốc gia ở Nam, Tây và Đông Nam Á, có thể phải đối mặt với tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn trong tương lai.
“Trong khí hậu hiện nay, ấm lên 1,2 độ C kể từ thời tiền công nghiệp do hoạt động của con người, loại hiện tượng nắng nóng cực độ này không phải là hiếm", báo cáo cho biết.
Bangladesh và Pakistan phải đối mặt với các đợt nắng nóng làm gián đoạn cuộc sống, dẫn đến việc đóng cửa trường học và làm gia tăng khoảng cách giáo dục. Ấn Độ hiện có tỷ lệ bỏ học cấp hai là 12,6%, nhưng tỷ lệ này có thể tăng cùng với nắng nóng.
Báo cáo cho biết: “Nắng nóng cực độ đã buộc hàng nghìn trường học ở Nam và Đông Nam Á phải đóng cửa. Những khu vực này trước đây cũng đã phải đóng cửa trường học trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, làm tăng khoảng cách giáo dục mà trẻ em thuộc các gia đình có thu nhập thấp phải đối mặt, tăng nguy cơ bỏ học và tác động tiêu cực đến sự phát triển nguồn nhân lực".
Báo cáo cho biết thêm rằng Tây Á và Philippines có thể xảy ra một đợt nắng nóng như vậy cứ 10 năm một lần, trong khi các quốc gia này đang ở trong điều kiện El Niño Southern Oscillation (ENSO). Báo cáo cho rằng sự gia tăng tần suất và cường độ của đợt nắng nóng là do biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Báo cáo cảnh báo tác động bất lợi đối với người lao động thuộc khu vực phi chính thức như người bán rau, lao động nông trại, công nhân xây dựng, tài xế và ngư dân.