Theo Reuters, nắng nóng khắc nghiệt đang bao trùm khu vực miền bắc và miền tây của Ấn Độ. Ngày 29/5, trạm đo ở Mungeshpur, khu vực đông dân tại New Delhi, ghi nhận nhiệt độ cao nhất lịch sử Ấn Độ 52,9 C.
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho hay nhiệt độ đo được ở Mungeshpur cao hơn đáng kể so với những trạm khác, đặt ra nghi vấn về lỗi đo cảm biến hoặc yếu tố cục bộ. Nhiều trạm đo ở New Delhi chỉ ghi nhận nhiệt độ từ 45,2 tới 49,1 độ C.
Ngay từ đầu tuần trước IDM đã ra cảnh báo sóng nhiệt tại nhiều vùng của nước này. Ấn Độ định nghĩa sóng nhiệt là khi nhiệt độ cao nhất cao hơn bình thường 4,5-6,4 độ C và sóng nhiệt gay gắt là khi nhiệt độ cao hơn bình thường từ 6,5 độ C.
Tại Narela ở New Delhi, các tình nguyện viên phát nước mát miễn phí cho người qua đường khi nhiệt độ được ghi nhận lên tới 49,9 độ C vào ngày 28/5.
Nắng nóng cũng ảnh hưởng đến nhiều trường học của Ấn Độ. Một số học sinh thậm chí còn ngất xỉu hoặc mất nước nghiêm trọng do trước cái nóng kỷ lục.
Đường phố ở Mungeshpur ở phía tây bắc Delhi vắng tanh và hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa khi người dân ở trong nhà để tránh cái nóng oi bức.
Giáo sư Gufran Beig thuộc Viện Khoa học Ấn Độ, cho hay pha chuyển biến từ El Nino sang La Nina và thiếu gió mang theo hơi ẩm khiến nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao kỷ lục.
Cách giải nhiệt nhanh nhất của người dân lao động Ấn Độ trước cái nóng là dùng nước, một số khác chọn cách che kín mặt khi ra đường.
Các bệnh viện ở Ấn Độ cũng ghi nhận số ca say nắng tăng đột biến, đặc biệt là đối với người lao động làm việc ngoài trời.
IDM dự báo đợt nắng nóng hiện tại sẽ giảm nhẹ vào cuối tuần này ở vùng tây bắc và miền trung Ấn Độ.
Nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến con người mà cả hệ thống động thực vật của Ấn Độ. Trong ảnh là các tình nguyện viên đang truyền nước cho một con linh dương Chinkara tại sở thú thuộc thành phố Bikaner, phía tây bang Rajasthan.
Tháng 4, tháng 5 và tháng 6 thường là thời điểm nóng nhất ở Ấn Độ. Những tháng này thường đi kèm với tình trạng thiếu và cắt giảm nước khiến hàng triệu người phải chật vật.