Năm 1996, tại Thâm Quyến - thủ phủ được chính quyền Trung Quốc xác định sẽ trở thành thành phố tài chính trong tương lai của đất nước, China Evergrande được thành lập.
Trong suốt 24 năm đó, với tham vọng được thể hiện rõ qua cái tên Evergrande - Hằng Đại, ông chủ Hứa Gia Ấn lần lượt đưa tập đoàn này tới vị thế khủng: Tổng tài sản trước khi vỡ nợ vào năm 2021 là 2.300 tỷ nhân dân tệ (316 tỷ USD), có 200.000 nhân viên và đứng thứ 122 trong danh sách Fortune Global 500. Ngoài bất động sản, Evergrande còn kinh doanh cả ô tô, dịch vụ tài sản, sức khoẻ, nước uống…v.v.
Riêng công ty bất động sản Evergrande Real Estate sở hữu hơn 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc.
Nhưng rồi, Evergrande sụp đổ.
Cũng như các công ty khai thác bất động sản Trung Quốc khác, tập đoàn này đã rơi vào khủng hoảng nợ từ giữa năm 2021. Ngay từ đầu, khi khủng hoảng “nhen nhóm” với Evergrande, thị trường toàn cầu đã chịu ảnh hưởng.
Tháng 9/2021, tin tức một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ ngay lập tức khiến hệ thống tài chính lâm vào một chu kỳ lao đao. Giá Bitcoin thời điểm đó giảm 9%, xuống dưới 42.669 USD. Trong khi đó, Etherium, một loại tiền điện tử mạnh khác, giảm gần 10% xuống còn 2.940 USD. Bitcoin và Etherium đều đánh dấu mức giá thấp nhất sau nhiều tháng trong khi giá trị của tiền điện tử toàn cầu mất 250 tỷ USD.
Những lo ngại về khả năng vỡ nợ của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc cũng gây ra làn sóng bán tháo thị trường trên diện rộng. Không chỉ thị trường tiền kỹ thuật số, mà cả thị trường chứng khoán truyền thống cũng bị ảnh hưởng trước nguy cơ thất bại liên tục của Evergrande.
Đặc biệt, khi giá cổ phiếu giảm, giá trị thị trường của các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc còn sụt giảm nhiều hơn. Trong khi đó giá vàng hồi phục, vì các nhà đầu tư lo ngại và thúc đẩy tìm đến tài sản trú ẩn an toàn.
Ngày 17/8/2023, China Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại tòa án quận Manhattan, New York dựa trên Chương 15, Luật Bảo hộ phá sản Mỹ.
Một số nhà bình luận từng mô tả cuộc khủng hoảng Evergrande là “thời điểm Lehman” của Trung Quốc, đề cập đến sự phá sản của Lehman Brothers, tiền thân của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Một số cũng cảnh báo rằng việc Evergrande nộp đơn xin phá sản là lời cảnh báo rằng “con quái vật ba đầu” của nền kinh tế Trung Quốc – các vấn đề về nhu cầu thị trường, nợ và nhân khẩu học – sẽ còn “rình rập” trong thời gian dài.
Một số nhà bình luận từng mô tả cuộc khủng hoảng Evergrande là “thời điểm Lehman” của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Trước bức tranh đen tối của Evergrande, các nhà phân tích nhận định, nguy cơ khủng hoảng này lây lan sang thị trường toàn cầu khá thấp, nếu có thì các ảnh hưởng cũng là hiệu ứng dây chuyền đến một cách gián tiếp.
Chuyên gia MacAdam của Capital Economics cho biết: “Một vụ vỡ nợ có tính toán hoặc thậm chí là sự sụp đổ hỗn loạn của Evergrande sẽ có rất ít tác động toàn cầu ngoài một số bất ổn trên thị trường”.
Các tác động nếu có sẽ bao gồm đầu tiên là giảm xếp hạng tín dụng hoặc nền kinh tế Trung Quốc yếu đi, có thể dẫn đến giá cả tăng vột và nhiều công ty gặp khó khăn hơn. Xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ chậm lại.
Thứ hai, khả năng Evergrande sụp đổ có thể gây hiệu ứng lan tỏa dẫn đến việc cắt giảm việc làm tăng, suy thoái thị trường nhà ở và suy thoái kinh tế Trung Quốc, từ đó ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Ngoài ra, khủng hoảng cũng có thể đặt gánh nặng lên các nhà đầu tư quốc tế khi niềm tin thị trường hạ thấp.
Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15, cho phép một công ty bảo vệ tài sản ở Mỹ của mình trong khi các thỏa thuận tái cơ cấu được thực hiện ở nơi khác. Trong trường hợp này, hồ sơ của Evergrande nói về việc tái cơ cấu ở Hong Kong và Quần đảo Cayman, vì vậy việc tìm kiếm sự bảo hộ phá sản có thể chỉ là một phần trong các thỏa thuận nợ mà họ đang tìm cách thực hiện.
Tuy nhiên, cách các tiêu đề với dòng chữ “Evergrande” và “phá sản” lan truyền trên mạng xã hội cho thấy tình tiết này có thể ngày càng tác động lớn đến tâm lý thị trường.
Bên cạnh đó, theo Financial Review, việc nộp đơn xin phá sản của Evergrande diễn ra sau một tuần khi các công ty khác của Trung Quốc cũng đang gây ra sự chú ý trên thị trường. Một nhà phát triển bất động sản khác, Country Garden, đang bấp bênh sau những vụ vỡ nợ. Trong khi đó, một ngân hàng hoạt động nhiều trong lĩnh vực bất động sản, Zhongzhi Enterprise Group, cũng đã bỏ lỡ hạn thanh toán các sản phẩm ủy thác đầu tư lợi suất cao của mình.
Toàn bộ điều này khiến các nhà đầu tư toàn cầu hồi hộp theo dõi những thách thức ngày càng gia tăng của Evergrande. Họ cũng chờ xem Trung Quốc có thể làm gì tiếp theo.
Quả bom nợ Evergrande đã kích hoạt một chuỗi phản ứng đẩy cả thị trường bất động sản Trung Quốc vào khủng hoảng khó có thể vực dậy. (Ảnh: AFP)
Theo Bloomberg, 18 trong tổng số 38 công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã báo cáo thua lỗ nặng trong 6 tháng đầu năm 2023. Cách đây 2 năm, số công ty thuộc sở hữu nhà nước báo cáo thua lỗ chỉ có 4 công ty.
Con số này đang dấy lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ lan rộng của cuộc khủng hoảng bất động sản từ các khu vực tư nhân sang các công ty do nhà nước Trung Quốc nắm cổ phẩn hoặc kiểm soát. Nhiều chuyên gia dự đoán, Country Garden Holdings Co. có thể là công ty lớn tiếp theo chịu ảnh hưởng của vòng xoáy khủng hoảng này.
Zerlina Zeng, nhà phân tích tín dụng cao cấp tại CreditSights Singapore, nhận xét: “Dấu hiệu suy thoái đối với lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã gây tổn hại tới mọi nhà đầu tư, bao gồm cả những công ty lớn do chính phủ hậu thuẫn. Chúng tôi không cho rằng tình hình có thể được cải thiện nhanh chóng chỉ trong nửa cuối năm 2023”.
Trong báo cáo về vấn đề, nhiều công ty trích dẫn dữ liệu cho thấy tỷ suất lợi nhuận giảm trong khi khoản chi phí dự phòng tăng lên cao. Cụ thể, giá mua nhà đã giảm trong 2 tháng liên tiếp (tính đến tháng 7/2023).
Các công ty báo cáo thua lỗ bao gồm cả những công ty lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước. Trong đó, Shenzhen Overseas Chinese Town Co. cảnh báo nguy cơ lỗ 1,7 tỷ nhân dân tệ (233 triệu USD). Nửa cuối năm 2022, công ty này lần đầu chịu thua lỗ kể từ khi niêm yết vào năm 1997.
Các công ty khác ở những thành phố có nền kinh tế mạnh hơn cũng đang chịu tổn thất từ nguy cơ khủng hoảng. Everbright Jiabao Co., được điều hành bởi một nhà quản lý tài sản nhà nước địa phương ở quận Gia Định, Thượng Hải, cũng dự kiến sẽ báo cáo thua lỗ lần đầu tiên kể từ khi niêm yết.
Theo nhà phân tích tín dụng Andrew Chan của Bloomberg Intelligence, những báo cáo này không phải quá tiêu cực. Họ cho rằng sự sụt giảm giá trị này là điều đương nhiên sẽ xảy ra.
Dù vậy, việc báo cáo lỗ sẽ cản trở các công ty tiếp quản lại các dự án dang dở từ công ty tư nhân bị vỡ nợ.
Ông Zeng chia sẻ: “Việc mua bán lại cũng cần thời gian. Đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái hiện nay khi những người mua lại, chẳng hạn như doanh nghiệp nhà nước và các công ty quản lý tài sản, mong muốn mua với mức giá tốt hơn và người bán không sẵn sàng giảm sâu”.
Trong khi đó, trao đổi với New York Times, Charles Chang, người đứng đầu xếp hạng tín dụng doanh nghiệp cho Greater China tại Standard & Poor's, nhận định: “Những gì đang xảy ra trên thị trường bất động sản Trung Quốc thực sự là chưa từng có tiền lệ”.
Trong ba thập kỷ qua, khi dân số Trung Quốc tăng nhanh và người dân đổ xô đến các thành phố để tìm kiếm cơ hội, lĩnh vực bất động sản đã trở thành động lực của một nền kinh tế đang chuyển đổi. Bất động sản đã tạo việc làm cho hàng triệu người và là nơi “gửi” tiền tiết kiệm của các hộ gia đình. Hiện nay, lĩnh vực bất động sản chiếm 1/4 nền kinh tế Trung Quốc.
Trong thời kỳ “bùng nổ”, bất động sản đã đem lại nhiều nguồn lợi nhuận cho nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, việc xây dựng và vay mượn quá mức trong lĩnh vực này hiện đang kéo theo một trách nhiệm pháp lý đối với các công ty.
Khi Trung Quốc loay hoay vực lại nền kinh tế sau thời gian dài đóng cửa do COVID-19, lĩnh vực bất động sản cũng phải đối phó với nhiều khó khăn hơn. Người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu ít hơn, một phần vì giá nhà đất sụt giảm đã ảnh hưởng đến khoản tiết kiệm của họ. Những công việc gắn liền với bất động sản - xây dựng, cảnh quan, kiến trúc… - cũng đang bị thu hẹp. Và sự lan rộng của cuộc khủng hoảng đang khiến các công ty và doanh nghiệp nhỏ e ngại hơn trong việc chi tiêu.
Khối nợ khổng lồ của các tập đoàn bất động sản Trung Quốc đã tác động xấu đến nền kinh tế nước này. Riêng khoảng nợ của Evergrande đã lên đến 340 tỷ USD - tương đương với 2% GDP của Trung Quốc.
Theo New York Times, cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay là một vấn đề liên quan tới chính sách của chính phủ Trung Quốc. Các cơ quan quản lý đã cho phép các nhà đầu tư vay nợ để tài trợ cho các dự án xây dựng trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, vào năm 2020, họ bắt đầu can thiệp mạnh mẽ để ngăn tình trạng “bong bóng nhà đất” – xảy ra khi giá nhà đất tăng cao. Theo đó, cơ quan chức năng Trung Quốc đã chặn dòng tiền giá rẻ chảy vào các công ty bất động sản lớn, khiến nhiều công ty rơi vào cảnh thiếu tiền mặt.
Hệ quả của việc này là các công ty bất động sản lần lượt sụp đổ vì họ không thể thanh toán các khoản nợ. Chỉ trong vòng 3 năm, hơn 50 công ty bất động sản Trung Quốc nộp đơn xin vỡ nợ hoặc không có khả năng trả nợ.
Khối nợ khổng lồ của các tập đoàn bất động sản Trung Quốc đã tác động xấu đến nền kinh tế nước này. Riêng khoản nợ của Evergrande đã lên đến 340 tỷ USD - tương đương với 2% GDP của Trung Quốc.
Các vụ vỡ nợ đã phơi bày một thực tế về sự bùng nổ bất động sản của Trung Quốc: Mô hình vay để xây dựng chỉ có hiệu quả khi giá nhà đất tiếp tục tăng.
Khi cuộc khủng hoảng bất động sản trở nên tồi tệ hơn, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang tăng cường cam kết hỗ trợ đối với lĩnh vực bất động sản. Dù vậy, các nhà phân tích không đánh giá cao các cam kết này.
Một công cụ chính sách đang được Trung Quốc sử dụng để vực dậy thị trường nhà ở và nền kinh tế nói chung là cắt giảm lãi suất. Cụ thể, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm 15/8 đã thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất mạnh nhất trong 3 năm đối với các khoản vay có thời hạn một năm.
Jingyang Chen, chiến lược gia ngoại hối châu Á tại HSBC Holdings Plc., cho biết ngân hàng trung ương cũng đã khuyến khích các bên cho vay hạ lãi suất thế chấp.
Theo một số người quen thuộc với vấn đề, giới chức Trung Quốc cũng đang xem xét một loạt các biện pháp mới để vực dậy thị trường bất động sản từ tháng 6 vừa qua. Các biện pháp này bao gồm giảm các khoản tiền trả trước ở một số khu vực không phải là cốt lõi của các thành phố lớn, giảm khoản tiền hoa hồng đại lý đối với các giao dịch và nới lỏng hơn nữa các hạn chế đối với việc mua nhà ở.
Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc, tờ báo chứng khoán hàng đầu của nước này, đưa tin Trung Quốc dự kiến “đẩy nhanh” việc triển khai chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản. Trong một báo cáo khác, tạp chí cho biết chính phủ có thể đưa ra các biện pháp khác nhằm tăng cường niềm tin kinh doanh giữa các công ty tư nhân, nhà nước và công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, nhận xét về những nỗ lực của Trung Quốc, chuyên gia kinh tế hiện vẫn kỳ vọng vào những biện pháp quyết liệt hơn để khắc phục vòng xoáy khủng hoảng này.
Các lãi suất điều hành của Trung Quốc từ năm 2019 đến nay (từ trên xuống: lãi suất cơ bản kỳ hạn 5 năm; lãi suất cơ bản kỳ hạn 1 năm; lãi suất trung hạn 1 năm; và lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày). Đơn vị: %.
Theo Bloomberg, nền kinh tế quy mô 18.000 tỷ USD của Trung Quốc đang giảm tốc. Người tiêu dùng ngại chi tiêu, xuất khẩu đi xuống, giảm phát và hơn 20% người trẻ đang thất nghiệp…
Các chuyên gia của Bloomberg nhận định, phần lớn thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt phát sinh từ nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng của các lãnh đạo Trung Quốc. Họ không muốn dựa nhiều vào vay nợ như những chính phủ tiền nhiệm.
Trong suốt nhiều thập kỷ, ngành bất động sản luôn giữ vai trò đầu tàu của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Không chỉ tạo công ăn việc làm, bất động sản còn là nơi cất giữ và tăng trưởng tài sản của tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Không chỉ chính phủ Trung Quốc, chính quyền các địa phương của nước này cũng có mức độ phụ thuộc lớn vào thu ngân sách từ cấp quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, dân số Trung Quốc hiện nay không còn tăng trưởng mạnh như trước đây và đại dịch COVID-19 tác động mạnh tới thói quen tiêu dùng lẫn đầu tư của người dân. Bên cạnh đó Chính phủ Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát đối với những hoạt động có mức độ rủi ro cao trong ngành bất động sản, đặc biệt là việc các công ty phát triển địa ốc vay nợ tràn lan để đầu tư.
Sự kết hợp của tất cả những yếu tố này đặt các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc vào tình thế đối mặt với khối nợ chồng chất bên cạnh nguồn cung nhà lớn hơn nhu cầu mua. Giá nhà ở Trung Quốc vì thế đã sụt giảm, kéo theo là giá trị tài sản của các hộ gia đình và niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Ngay lập tức, các ngân hàng nước ngoài như JPMorgan Chase, Barclays và Morgan Stanley hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2023 xuống dưới mục tiêu 5% mà chính quyền Bắc Kinh đặt ra. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rút tiền, khiến PBOC phải tìm cách chặn đà giảm của đồng nhân dân tệ thấp nhất kể từ năm 2007.
Cú đánh này tác động trực tiếp đến xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong những tháng gần đây. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong quý II/2023 giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau 2 năm - một dấu hiệu rõ ràng cho thấy người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu.
Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của nước này giảm 0,3% so với năm ngoái. Lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021, CPI của nước này đi xuống. Chỉ số này đã cận kề mức giảm phát từ vài tháng nay. Còn chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 10 liên tiếp, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2020, cả CPI và PPI của Trung Quốc cùng giảm.
Rủi ro lớn nhất của chính phủ Trung Quốc hiện tại là việc kiên quyết không không tung ra gói kích thích kinh tế như Mỹ hay một số nước phương Tây đang thực hiện. Điều này có thể làm giảm niềm của các nhà đầu tư vào thị trường 1,4 tỷ dân.
Trong trường hợp tệ nhất, Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng trì trệ như Nhật Bản vài thập kỷ qua. Cảnh báo này được các nhà kinh tế học đưa ra sau số liệu CPI tháng 7 cho thấy Trung Quốc rơi vào khủng hoảng giảm phát. Giá cả đi xuống là dấu hiệu của nhu cầu yếu và tăng trưởng tương lai chậm lại. Nguyên nhân là các gia đình trì hoãn mua sắm, lợi nhuận doanh nghiệp giảm và chi phí đi vay thực tế tăng lên.
Các nhà kinh tế học tin rằng Trung Quốc đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm hơn rất nhiều, do cấu trúc dân số kém thuận lợi và mong muốn độc lập khỏi Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ, khiến ngoại thương và đầu tư bị đe dọa.
Không chỉ là giai đoạn yếu đi nhất thời, kinh tế Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ trì trệ kéo dài.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của nước này giảm 0,3% so với năm ngoái. Còn chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 10 liên tiếp, giảm 4,4% so với cùng kỳ.
Với việc Trung Quốc có nguy cơ rơi vào tình trạng trì kinh tế trì trệ kéo dài và cuộc khủng hoảng nợ đang tạo ra sự mất ổn định tài chính, ngày càng có nhiều lo lắng về lý do tại sao các nhà lãnh đạo nước này không gấp rút “hồi sinh” nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhiều nhà đầu tư, nhà phân tích và nhà ngoại giao đang chỉ ra những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có vẻ do dự trong việc đưa ra các chính sách táo bạo cần thiết để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Dù vậy đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề địa chính trị.
Quan điểm của một số chuyên gia về Trung Quốc lại cho rằng, sự tập trung của Chủ tịch Tập Cận Bình vào an ninh quốc gia đang hạn chế và đi ngược lại nỗ lực phục hồi kinh tế, làm mất đi nguồn vốn mà Bắc Kinh đang tìm cách thu hút.
Phản ứng lại những lời chỉ trích của phương Tây về việc Bắc Kinh thờ ờ với việc khôi phục lại nền kinh tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói rằng: “Một số ít chính trị gia và phương tiện truyền thông phương Tây đang khuếch đại và thổi phồng những vấn đề tạm thời tồn tại trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Cuối cùng họ sẽ bị thực tế tát vào mặt”.
Sau cuộc họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 24/7, các lãnh đạo Trung Quốc đưa ra nhiều quyết định như tăng chi cho cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thanh khoản cho các hãng bất động sản và giảm quy định về mua nhà. Cùng với đó là động thái hạ lãi suất của PBOC.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, động thái này là nỗ lực mới nhất của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định trong bối cảnh có nhiều thách thức.
Chính phủ Trung Quốc đã triển khai các biện pháp có mục tiêu và thực chất nhằm kích thích tiêu dùng, củng cố khu vực tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài, được các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoan nghênh.
Trước đó, PBOC, Cơ quan quản lý tài chính quốc gia và Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc thông báo rằng sẽ hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế thực và bền vững hơn và đảm bảo rằng lĩnh vực tài chính đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tiêu dùng, ổn định đầu tư và mở rộng nhu cầu trong nước.
Để thúc đẩy thị trường chứng khoán Trung Quốc, Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc ngày 18/8 đã công bố một loạt chính sách hỗ trợ, bao gồm cắt giảm phí giao dịch, phát triển quỹ cổ phần và xem xét việc tạo ra "kênh xanh" cho các công ty công nghệ nhằm đạt được những đột phá trong công nghệ cốt lõi.
Ngay sau thông báo trên, nhiều công ty ủy thác, công ty chứng khoán và công ty quản lý tài sản hàng đầu Trung Quốc đã bày tỏ sự tin tưởng vào sự phát triển lâu dài của thị trường vốn, cho biết họ sẽ tăng lượng nắm giữ các sản phẩm tài chính của chính mình.
Cao Heping, nhà kinh tế tại Đại học Bắc Kinh nói với Thời báo Hoàn Cầu: “Khi các chính sách kinh tế vĩ mô đang tạo ra hiệu quả, nhiều khía cạnh của nền kinh tế đã cho thấy sự cải thiện gần đây. Nền tảng kinh tế vững chắc của Trung Quốc vẫn không thay đổi và nó đang trên đà phục hồi”.
Ông Cao Heping cho biết, tiêu dùng trong các lĩnh vực bao gồm vận tải, du lịch và ăn uống đã cho thấy sự phục hồi tương đối mạnh mẽ trong những tháng qua, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng không bị tổn hại nghiêm trọng như nhiều người nghĩ.
“Các yếu tố tích cực, từ chính sách ổn định và niềm tin của người tiêu dùng đến nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển của đất nước sẽ hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 6% trong nửa cuối năm nay”, ông Cao Heping phân tích.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc vẫn có đủ công cụ trong tay và thậm chí có thể đưa ra những công cụ mới để có thể cung cấp hỗ trợ tài chính chính xác cho nền kinh tế thực. Với việc PBOC hạ lãi suất, các cơ quan chức năng có thể thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tài chính, Chu Maohua, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Everbright nhận định.