Mới đây, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) có văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn về việc sử dụng đất và chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở. Trong đó có quy định condotel đủ điều kiện sẽ được cấp Giấy chứng nhận sở hữu.
Quy định mới được đưa ra lập tức gây được sự chú ý của dư luận, bao gồm cả nhiều ý kiến nghi ngại.
Condotel sắp được cấp giấy "khai sinh".
Theo GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời hạn sử dụng đất chỉ là một trong những vấn đề của loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Luật Đất đai 2003 quy định rõ một thửa đất có thể sử dụng vào nhiều mục đích với mục đích chính là để ở và tiền sử dụng đất hay chế độ sử dụng đất được tính theo mục đích chính. Trong khi đó, condotel (căn hộ khách sạn) bản chất lại là một loại hình bất động sản đa công năng.
Văn bản 703/2020/BTNMT-TCQLĐĐ mới đây của Bộ TN&MT chỉ ra rằng theo Luật Du lịch thì condotel là căn hộ du lịch và nó là để kinh doanh, mà để kinh doanh thì chế độ sử dụng đất là theo đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Condotel có thể là pha trộn, có phần để ở và có phần để kinh doanh.
“Công văn 703 của Bộ TN&MT đã hệ thống lại các quy định hiện hành liên quan của pháp luật. Tuy nhiên, chúng ta cần có nhiều điều cần hướng dẫn tiếp nữa như cấp giấy chứng nhận cho công trình xây dựng chứ không cấp chứng nhận quyền sử dụng đất” - GS Đặng Hùng Võ nói.
Lý giải cho đề xuất này, ông Võ phân tích, trong trường hợp chủ đầu tư bán cả quyền sử dụng đất thì nhà đầu tư thứ cấp sẽ xử lý ra sao?
"Điều này cần có hướng dẫn tiếp, khi pháp luật hiện hành chưa đủ để áp vào những trường hợp này. Chúng ta cần nới rộng chiếc áo pháp luật để phát triển du lịch vì mục tiêu của luật pháp là để ổn định chính trị và phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn", ông Võ nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông, chúng ta đang chạy theo ngọn chứ chưa phải cái gốc của vấn đề. "Chúng tôi đang tiếp nhận 20 vụ việc liên quan đến dự án condotel. Với những mập mờ về pháp lý, mập mờ về quản lý khai thác hiện nay, tôi rút ra 3 điều, một là nhà đầu tư thứ cấp thua thiệt, hai là Nhà nước thua thiệt, ba là chỉ có chủ đầu tư hưởng lợi. Như vậy, phát triển loại hình này không thể bền vững", ông Huế nhận định.
Chuyên gia này phân tích, dự án condotel có cam kết cao nhưng nhiều nhà đầu tư không có năng lực thực thi. Vì vậy, nếu không có hành lang pháp lý, tôi dự báo trong 5 năm tới thị trường condotel sẽ rất khó khăn, thậm chí bị “vỡ trận”.
“Văn bản 703/2020/BTNMT-TCQLĐĐ theo quan điểm của giới luật sư là không có gì mới, chỉ là văn bản mang tính hướng dẫn nội bộ cho các Sở TN&MT các tỉnh, tinh thần pháp lý của Văn bản 703 đều dựa trên Luật hiện hành như Luật đất đai năm 2003, Luật nhà ở, Luật du lịch, Luật kinh doanh bất động sản. Văn bản này không phải văn bản quy phạm pháp luật nhưng nhiều người lại hồ hởi, coi đó như “giấy khai sinh” cho condotel.
Phải khẳng định, condotel dù có sổ đỏ hay không có sổ đỏ cũng là căn hộ để kinh doanh, chứ không vào ở được. Nhưng việc cấp sổ đỏ theo văn bản 703 sẽ làm nhiều nhà đầu tư chộp giật, gây nguy cơ “vỡ trận” condotel. Do đó, việc cấp sổ đỏ cho condotel phải minh bạch hồ sơ", Luật sư Nguyễn Danh Huế nói.
Tuy nhiên, theo ông Huế, chính việc cấp sổ đỏ này cũng phát sinh hai điều.
Thứ nhất, việc cấp sổ đỏ, chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho chủ đầu tư làm nhà đầu tư thứ cấp chịu rủi ro.
Thứ hai, nếu cấp quyền sở hữu tài sản cho nhà đầu tư thứ cấp thì liên quan đến quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp, tức là quyền sử dụng đất cấp cho doanh nghiệp nhưng quyền sở hữu tài sản lại cấp cho nhà đầu tư thứ cấp.
"Do đó, nếu sau 50-70 năm, quyền sử dụng đất hết thì quyền tài sản sẽ được xử lý thế nào?", ông Huế đặt câu hỏi.