Kết thúc năm 2019, báo cáo của Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam và các công ty nghiên cứu BĐS đều đánh giá, BĐS nghỉ dưỡng (condotel) sụt giảm nghiêm trọng về nguồn cung và lượng giao dịch.
Cụ thể, năm 2019, tổng nguồn cung toàn thị trường BĐS nghỉ dưỡng có 18.425 sản phẩm, giao dịch đạt 6.697 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ đạt 36,3%. Đây có thể nói là tỷ lệ hấp thụ thấp nhất kể từ khi thị trường này phát triển.
Sản phẩm BĐS du lịch thực chất đã sụt giảm từ năm 2018 vì nhiều nguyên nhân như pháp lý cho dòng sản phẩm này chưa rõ ràng; giá bán bị đẩy cao, khả năng thanh khoản thấp nên kém hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng bị tạm dừng để thanh, kiểm tra. Ngoài ra, dòng tín dụng bị siết chặt và người nước ngoài chưa được tham gia mua dòng sản phẩm này như nhà ở.
Condotel dù đã được khai sinh nhưng lại gặp khó bởi dịch Covid - 19.
Năm 2019, thị trường BĐS nghỉ dưỡng vốn ảm đạm lại thêm hiện tượng chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng bội tín khách hàng về trả lãi cam kết, đã khiến hàng nghìn nhà đầu tư ở dự án này như ngồi trên đống lửa. Điều đó càng tạo tâm lý cho các nhà đầu tư e ngại hơn. Do vậy, giao dịch quý IV/2019 ở mức thấp nhất trong năm.
Đầu năm 2020, mặc dù condotel đã được cấp "Giấy khai sinh" nhưng lại phải đối mặt với khó khăn mới, đó là dịch Covid-19 xuất phát từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tác động mạnh và trực tiếp đến khách du lịch khi các quốc gia đều cẩn trọng đón khách du lịch, nhất là khách đến từ Trung Quốc và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương phân tích, Covid-19 làm sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam, trong khi đây là thị trường có nguồn khách lớn nhất, chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019. Đồng thời, nguồn cầu du lịch trong nội địa Việt Nam cũng sẽ sụt giảm đáng kể do đa số người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, trạm tàu, trạm xe buýt và cả các nhà hàng hay khu vực vui chơi giải trí.
Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, khách Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tống số khách quốc tế đến tỉnh này, chiếm hơn 70%, do đó việc hủy tour đã ảnh hưởng đến lượt khách lưu trú tại các khu du lịch nghỉ dưỡng, đồng thời ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, đại dịch này chắc chắn ảnh hưởng đến thị trường BĐS du lich nghỉ dưỡng, làm sụt giảm hẳn lượng khách du lịch trong và ngoài nước ở tại các điểm du lịch, khiến hiệu quả kinh doanh của ngành du lịch giảm sút. Đồng thời, tạo tâm lý e ngại cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường đang sụt giảm yếu kém.
Ảnh hưởng này ở mức độ nào phụ thuộc vào nhà quản lý, khoa học đưa ra giải pháp ngăn chặn đại dịch nhanh hay chậm.
“Nếu 1 tháng trở lại sẽ dập tắt sự ảnh hưởng của dịch thì thị trường sẽ trở lại bình thường, nếu kéo dài thì vấn đề sẽ nghiêm trọng, không những ngành du lịch mà các ngành kinh tế khác cũng bị ảnh hưởng lớn”, ông Đính nói.
Đối với việc kinh doanh BĐS du lịch nghỉ dưỡng, trong ngắn hay dài ngày thì đều chịu ảnh hưởng. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ không có kinh nghiệm sẽ rút lui, giá sẽ giảm. Điều này lại đồng nghĩa với cơ hội cho nhà đầu tư có kinh nghiệm, tầm nhìn, năng lực.