Ngày bước chân vào lớp Một, bộ sách giáo khoa tôi nhận được không còn thơm mùi giấy mới. Đó là những cuốn sách đã sờn góc, bìa cũ đi nhiều, các trang giấy bên trong, thi thoảng có vài vết mực lem ra. Sở dĩ có điều đó, là bởi những cuốn sách tôi được nhận, đã “qua tay” tới hai “cựu” học sinh lớp Một, là chị gái và anh trai tôi.
Gần 30 năm trước, ở nông thôn, cuộc sống của chúng tôi còn nhiều khó khăn. Nhà nào khá giả mới mua được một bộ sách mới tinh cho con đi học. Còn lại, bọn trẻ chúng tôi đều phải dùng lại những cuốn sách cũ của anh chị em trong nhà hoặc hàng xóm. Vậy nên, mới có chuyện “đặt gạch mượn sách”. Nghĩa là cứ tầm giữa năm học, các bà mẹ sẽ phải lựa những nhà có con đang học lớp trên để ướm hỏi mượn sách dần. Nếu chủ quan mà để đến cuối năm, thường sẽ không mượn được nữa.
Để giữ sách được lâu, cũng là để “che đậy” cuốn sách đã không còn mới, mẹ giúp tôi bọc một lớp báo bên ngoài, dán thêm chiếc nhãn vở mới tinh. Thế là, nhìn bề ngoài, quyển sách lại đẹp đẽ, mới mẻ. Có những bộ sách giáo khoa, được truyền tay qua 5-6 lứa học sinh trong xóm, mà vẫn phát huy tốt công năng của nó.
Vào lớp Một, chúng tôi mới được cô giáo dạy ghép vần, viết những chữ cái đầu tiên. Chưa có bạn nào đọc thông viết thạo. Vậy mà chúng tôi học rất nhẩn nha; không phải vội vàng chạy đua theo chương trình, vì kiểu gì cuối năm cũng biết đọc, biết viết.
Sách giáo khoa Học vần, xuất bản năm 1984 (phải) và sách Học vần xuất bản năm 1974 (trái). (Ảnh: Hà Cường)
Ngày ấy, những cuốn sách giáo khoa cũ, tuy lem nhem, nhưng với chúng tôi, vẫn là một món quà tuyệt vời, nhất là cuốn Tiếng Việt. Có thể nói, những cuốn Tiếng Việt đầu đời như chứa đựng cả thế giới tuổi thơ của tôi, thân thuộc và bình dị.
Mỗi một bài thơ, câu ca dao hay đoạn văn ngắn gọn đều giúp tôi liên tưởng đến vạn vật xung quanh mình. Chẳng hạn: “Mẹ gà ấp ủ/ Mười quả trứng tròn/ mười chú gà con/Hôm nay ra đủ/ Lông vàng mát dịu/ Mắt đẹp sáng ngời/ Ơi chú gà ơi/ Ta yêu chú lắm”.
Bầy gà con ấy, ngày nào chẳng xuất hiện trong khu vườn nhà tôi. Chúng líu ríu theo chân mẹ kiếm mồi, chạy nhảy tung tăng. Đến khi học bài, tôi thấy, đàn gà trong sách sao mà giống đàn gà nhà tôi đến thế.
Hay bài thơ “Hoa giẻ”, với những câu thơ tả thực hồn nhiên: “Bờ cây chen chúc lá/ chùm giẻ treo nơi nào/ Gió về đưa hương lạ/ Cứ thơm hoài xôn xao” làm tôi nhớ đến những cây giẻ của các nhà trong xóm.
Đến mùa hoa vàng lựng, chúng tôi rủ nhau xin hái, đem về gối ở đầu giường hay để trong cặp sách. Mùi hương nồng ngát của loài hoa ấy đã thơm suốt tuổi thơ tôi, thổn thức cho đến tận bây giờ.
Cũng vì mẩu truyện “Ông bác sĩ già” với những câu văn dịu dàng “Đêm ấy, Vân thức dậy mấy lần. Lần nào Vân cũng thấy cái bóng áo trắng và những bước chân vội vã của ông đi qua. Mẹ bảo: "Đêm nay, có bốn, năm ca cấp cứu. Bác sĩ làm việc suốt đêm!" Đến bây giờ, Vân vẫn không quên được khuôn mặt hiền từ, mái tóc sợi đen sợi trắng, đôi mắt đầy yêu thương và lo lắng của ông”; mà những đứa trẻ như tôi bớt sợ bệnh viện, bớt sợ bác sĩ và những chiếc kim tiêm đi rất nhiều.
Còn rất nhiều nữa những đoạn văn, câu thơ trong các cuốn sách giáo khoa cũ, mà bây giờ tôi vẫn thuộc làu. Khi lớn lên, tôi mới hiểu, những bài học đầu tiên ấy, tuy giản dị nhưng quá đỗi nhân văn và trong sáng; gieo vào lòng những đứa trẻ như tôi bao ý niệm đẹp đẽ về thế giới xung quanh và những bài học làm người ý nghĩa.
Tôi hiểu, mỗi thời mỗi khác, sách giáo khoa cũng dần phải thay đổi. Nhưng, mỗi khi nhìn hai đứa con của mình “bò ra học”, tôi không biết sau này lớn lên, chúng có ấn tượng với những gì được học, như tôi từng ấn tượng hay không.
Tôi chỉ biết, tôi cùng rất nhiều bạn bè cùng trang lứa, bây giờ vẫn thiết tha nhớ thương những cuốn sách của tuổi thơ. Điều đó chứng tỏ, những bài học trong các cuốn sách ấy đã đủ sức chạm vào trái tim của những đứa trẻ non nớt thuở đó, và tan tỏa, rung cảm mãi cho tới tận bây giờ