Sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1990, là cuốn sách gắn liền với thế hệ 8X và nửa đầu 9X. Nó nằm trong bộ sách Tiếng Việt được đánh giá là phiên bản hoàn chỉnh nhất tính từ cuộc cải cách giáo dục năm 1979. Trước khi thay sách mới vào năm 2002, học sinh học đánh vần, tập viết tập đọc qua cuốn này.
Xem lại cuốn sách cũ, những kỷ niệm tuổi thơ của chị Nguyễn Thu Trà (Thanh Xuân, Hà Nội) như ùa về. "Tôi ấn tượng nhất bài học về vần 'am' trong bài 'Bé lon ton ra ngõ đón bà. Bà cho bé quả cam'. Giờ lật trang sách ra mình lại nhớ những ngày đầu tiên đi học ở ngôi trường làng rất nhỏ bên kia cánh đồng. Mỗi ngày tôi và các bạn trong xóm đều cắp sách xuyên qua cánh đồng để đến trường", chị Trà nhớ lại.
Anh Lê Công Hưng (Long Biên, Hà Nội) vui vẻ khi nhìn lại những hình ảnh sách mà cách đây 30 năm anh được học. "Ngày đó, chữ cái đầu tiên tôi được học là chữ "O" gắn liền với hình ảnh con gà trống gáy ò ó o, thay vì chữ "A" như hiện nay". Theo anh Hưng, việc nhận biết mặt chữ cái thông qua những hình ảnh, đồ vật quen thuộc xung quanh rất dễ dàng ghi nhớ, không nặng nhọc như lũ trẻ con bây giờ.
Không chỉ nhận đánh giá tốt về nội dung nhẹ nhàng, sách Tiếng Việt lớp 1 ngày xưa còn được khen ở phần hình ảnh đơn giản, sắp xếp hợp lý. Anh Trần Văn Chung (Hoàng Mai, Hà Nội) thấy may mắn khi được nhìn lại những trang sách hồi nhỏ, với những kiến thức nhẹ nhàng, dễ nhớ và vô cùng thân thuộc. Trong khi nhìn lại quyển sách Tiếng Việt 1 hiện hành quả thực khiến họ vò đầu bứt tai vì quá khó và thiếu tính đời sống.
Hầu hết các tập đọc trong sách Tiếng Việt lớp 1 năm 1990 đều được đánh giá đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. "Rầm rập, rầm rầm rập! Ta dập cho thật đều. Nào bạn nhấc chân cao. Hãy vào vui nhảy sạp". Rất nhiều thông tin được truyền tải cho học sinh thông qua hình ảnh và nhịp điệu của vần thơ.
Ở sách Tiếng Việt cũ, học sinh ít khi phải học đến 3 âm/vần trong cùng một bài. So sánh sách cũ, nhiều người nhận thấy trẻ em ngày nay phải học quá nhiều, âm vần, chưa kể trẻ phải đọc thêm những câu truyện dài. Nhiều trẻ khó khăn theo kịp chương trình vì các em chưa kịp nhớ chữ cái đã phải thuộc bài đọc.
Với nội dung sách Tiếng Việt 1 (năm 1990) học sinh được học tách bạch, phần chữ cái riêng, phầm âm vần riêng, phần đọc hiểu đoạn văn riêng. Các em được học từng bước, không vội vã, lồng ghép nặng nội dung như chương trình hiện hành.
Xúc động khi nhớ về những trang sách tuổi thơ, chị Nguyễn Hoài Phương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) ước các con được học lại quyển sách này. Vì sau hàng chục năm, tôi vẫn không quên những bài học bởi nội dung đơn giản, trong sáng. Câu văn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tưởng tượng và ghi nhớ; không hề có yếu tố đánh đố hay câu ăn trúc chắc như một số bài đọc trong sách Tiếng VIệt 1 hiện nay.
Cuốn sách sử dụng hình ảnh minh hoạ mộc mạc, dễ hiểu và gần gũi với đời sống của học sinh. "Tôi nhớ hồi xưa nhà nghèo, trước khi bắt đầu năm học mới là sẽ đi xin sách từ cách anh chị lớp lớn, mượn sách cữ chứ hiếm khi được mua sách mới. Một cuốn sách có thể truyền qua tay nhiều lứa học sinh học. Giờ nhìn lại những trang sách xưa, một trời tuổi thơ lại ùa về", chị Phương tâm sự.