Chia sẻ tại buổi tọa đàm trên VOV1 mới đây, GS.TS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt 1 cho biết, trong quá trình thẩm định, hội đồng làm việc nghiêm túc và cẩn trọng. “Tất cả những 'sạn' như phản ánh từng được phát hiện và đề cập trong quá trình thẩm định sách”, ông nói và thông tin thêm, những chi tiết sai được chỉ ra và giải quyết trước khi trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt sách.
Trách nhiệm của tác giả
Việc thẩm định sách giáo khoa được chia ra ba mức độ phù hợp cao, trung bình và không phù hợp (nếu không phù hợp thì bắt buộc phải thay đổi).
Với một số truyện ngắn xuất hiện sạn như: "Cua, cò và đàn cá", "Hai con ngựa", "Lừa và thở"… được ghi rõ trong biên bản thẩm định của hội đồng và khuyến cáo nhóm tác giả nên thay các ngữ liệu này bằng các ngữ liệu khác.
Tuy nhiên, GS Mai Ngọc Chừ cho rằng, quan điểm của mỗi người khác nhau, người này nói truyện ngắn đó dạy trẻ con lừa lọc, nhưng tác giả và giáo viên phản biện là truyện dạy trẻ nếu lừa lọc sẽ bị trả giá, học sinh rút ra bài học để không được phép làm theo. Do cách nhận thức khác nhau nên có những cách hiểu và tiếp cận khác nhau.
GS.TS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt 1.
"Hội đồng có thể chỉ ra những cái sai, chưa phù hợp để yêu cầu sửa. Những điểm không sai nhưng độ phù hợp chưa cao, hội đồng chỉ có thể khuyến cáo, còn sửa hay không là quyền của các tác giả. Khi nhóm tác giả không muốn sửa, Hội đồng thẩm định không có quyền ép hay sửa thay họ", Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định nói.
Ví dụ như từ "nhai" và "nhá", nhóm tác giả dùng từ "nhá" và giải thích rằng trẻ chưa học tới vần "ai" nên không thể dùng từ "nhai". Hội đồng từng khuyến cáo điều này. Nhưng chương trình Tiếng Việt lớp 1 lại ưu tiên cho việc dạy âm, vần, nên khi nhóm tác giả bảo lưu quan điểm, ưu tiên dạy âm, vần thay vì chọn từ ngữ phổ biến, Hội đồng thẩm định phải tôn trọng, vì điều đó không sai.
"Nhóm tác giả và chủ biên sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung của cuốn sách vì Hội đồng thẩm định từng khuyến cáo mà họ vẫn giữ nguyên quan điểm", GS Chừ nhấn mạnh.
Hội đồng đang rà soát lại những phản ánh của dư luận xã hội để có phương án làm việc với Bộ GD&ĐT, nhóm tác giả, chủ biên sách và cả nhà xuất bản để xem xét chỉnh biên cho phù hợp.
Về thời gian chỉnh sửa sách, ông Chừ cho biết, một cuốn sách mới chỉ dạy được một tháng đầu năm học mới thì chưa đủ căn cứ đánh giá hiệu quả. Chúng ta cần thời gian, hết một năm học mới có thể đánh giá lại chất lượng nội dung. Ông hy vọng những người giáo viên trực tiếp giảng dạy sẽ nêu lên ý kiến, sau đó là ý kiến phụ huynh. Các ý kiến này được Hội đồng thẩm định tiếp thu, đánh giá và gửi đến nhóm tác giả xem xét chỉnh sửa.
Không đẽo cày giữa đường
Trước những chỉ trích từ dư luận, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới kiêm chủ biên sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều nhận định, nhiều người chưa từng cầm cuốn sách vẫn buông lời chê bai, chỉ trích, đu theo dư luận đám đông. Trong Tiếng Việt 1 - bộ Cánh diều có khoảng 100 văn bản của các tác giả Việt Nam.
Các văn bản này gồm đồng dao, câu đố, truyện dân gian Việt Nam và sáng tác của các tác giả có tên tuổi như Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Võ Quảng, Nguyễn Kiên, Quang Huy, Phong Thu, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa, Mai Văn Hai…
"Thời điểm này mới bắt đầu năm học mới, học sinh làm quen với mặt chữ, nếu đưa ca dao, tục ngữ vào lúc này thì không phù hợp với mức độ tiếp nhận thông tin của các em lớp 1. Do vậy, chúng tôi sắp xếp dạy ca dao tục ngữ từ lớp 2, 3 trở lên, khi đó học sinh có đủ kiến thức để nhận biết ý nghĩa của ca dao, tục ngữ", GS Thuyết cho biết thêm.
Bài đọc trong sách Tiếng Việt 1 - bộ sách Cánh diều.
Trong quá trình viết và thử nghiệm sách Tiếng Việt 1, nhóm biên soạn xác định mục đích môn học là hình thành, phát triển những phẩm chất tốt đẹp cho học sinh. Do đó việc nói những bài tập đọc trên sách thiếu tính giáo dục là không chính xác.
GS Thuyết từng chia sẻ với báo chí rằng, năm 2002, khi Chương trình tiểu học mới được đưa vào cũng vướng rất nhiều ồn ào đánh giá không hiệu quả. Tuy nhiên sau 18 năm, nhiều giáo viên lại nhận xét sách dễ dạy, nhẹ nhàng với học sinh.
Ông hy vọng dư luận nên đọc kỹ, hiểu công việc dạy học sinh lớp 1 trước khi vội vàng chỉ trích. Đồng thời, trong quá trình các trường triển khai dạy học, ban biên soạn sẽ tiếp tục lắng nghe để xử lý những vấn đề do giáo viên đặt ra cho phù hợp với thực tế giảng dạy học sinh.
"Tôi tin phụ huynh sẽ thấy hiệu quả của sách. Việc xem xét điều chỉnh là cần thiết nhưng cần lộ trình cụ thể không thể đẽo cày giữa đường, ai nói gì cũng nghe", GS Thuyết nhấn mạnh.