Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Rút ngắn thời gian điều trị F0 không triệu chứng: Bộ Y tế lý giải

(VTC News) -

Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải việc rút ngắn thời gian điều trị đối với bệnh nhân F0 không triệu chứng xuống còn 10 ngày.

Tối 14/7, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng chống dịch COVID-19 cho biết, việc triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà sau thời gian 10 ngày nằm viện được đưa ra dựa trên kết quả theo dõi khoảng 70-80% trường hợp F0 không có triệu chứng trong thời gian qua. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã đưa ra khuyến cáo về giảm thời gian điều trị tại các cơ sở y tế đối với các F0.

Đảm bảo an toàn cộng đồng

Ông Sơn cũng cho biết, số trường hợp mắc mới ở trên cả nước hiện nay đang tăng nhanh tại nhiều địa phương. Chỉ tính riêng TP.HCM đến nay có hơn 16.000 ca và có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Điều này tạo nên áp lực rất lớn cho công tác thu dung, điều trị các bệnh nhân COVID-19 của ngành y tế. Mặt khác, các bệnh viện dã chiến, trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn TP.HCM được chỉ định điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng đều ở trong tình trạng thu dung rất nhiều bệnh nhân.

Do đó, vấn đề cách ly F0 tại nhà sau thời gian nằm viện rút ngắn được Bộ Y tế đưa ra dựa trên các căn cứ thực tiễn, khoa học và trong đó tiêu chí tối cần thiết là đảm bảo an toàn cho cộng động.

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng chống dịch COVID-19.

Theo ông Sơn, các trường hợp F0 sau 10 ngày được thu dung điều trị tại các cơ sở y tế sẽ được xét nghiệm 2 lần bằng phương pháp Realtime RT-PCR, nếu kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được chuyển về cách ly tại nhà theo quy định. Ngoài ra với những trường hợp dương tính nhưng có tải lượng virus thấp (giá trị CT>=30) cũng có thể đưa về nhà để theo dõi, điều trị tại nhà. Bởi những trường hợp này khả năng lây nhiễm ra những người xung quanh là rất thấp, cực kỳ thấp. Các trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được theo dõi y tế theo quy định.

"Ngoài ra, đối với những trường hợp này Bộ Y tế cũng đưa ra những hướng dẫn, khuyến cáo về tự theo dõi sức khỏe và liên hệ chặt chẽ với các đơn vị y tế.

Chúng tôi cũng khuyến cáo họ sử dụng một số loại thuốc như thuốc hạ sốt, các sản phẩm có tác dụng hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, các loại multivitamin, uống nhiều nước nhiều lần trong ngày để đảm bảo độ ẩm cho hệ thống hô hấp. Với các biện pháp đã được Bộ Y tế khuyến cáo, chúng tôi hy vọng các trường hợp F0 sẽ được tiếp tục theo dõi điều trị, người bệnh được gần gũi với gia đình sẽ tạo được tâm lý thoải mái và nhanh chóng khỏi bệnh", ông Sơn nói.

Bệnh nhân làm gì khi về nhà?

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, bệnh nhân sau khi ra viện, được về điều trị tại nhà sẽ có số điện thoại đường dây nóng để nhân viên y tế kiểm tra, theo dõi hằng ngày và đến lấy mẫu xét nghiệm theo các quy định.

Đồng thời hệ thống y tế cơ sở cũng sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc theo dõi các trường hợp F0, F1 khi các trường hợp này thực hiện cách ly tại nhà.

"Chúng tôi khuyến cáo khi bệnh nhân ra viện không chỉ xét nghiệm SARS-CoV-2 mà cần phải căn cứ trên một số kết quả xét nghiệm, thông số sức khỏe khác vì chúng ta biết rằng tải lượng virus không song hành với mức độ triệu chứng cũng như diễn tiến của bệnh. Bởi trong thời gian từ 7 – 10 ngày đầu tiên sau khi nhiễm SARS-CoV-2, nếu xuất hiện các triệu chứng, một số bệnh nhân có thể diễn tiến nặng rất nhanh", ông Sơn nói.

Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn đề cập tới việc rút ngắn thời gian điều trị đối với bệnh nhân F0 không triệu chứng sau 10 ngày nằm viện.

Ông Sơn cũng thông tin, hiện Bộ Y tế cũng đã có khuyến cáo các cơ sở y tế theo dõi sát các trường hợp được xuất viện "sớm" trong 10 ngày đầu tiên. Đối với vấn đề điều trị, Bộ Y tế đã liên tục cập nhật, ban hành các hướng dẫn về điều trị trong hướng dẫn số 5.

Mới nhất trong hướng dẫn lần 6 ngày 14/7, Bộ Y tế khuyến cáo các cơ sở thu dung điều trị cho các trường hợp bệnh nhân không triệu chứng theo dõi 2 thông số là nhịp thở và chỉ số SpO2 kẹp đầu ngón tay để kịp thời phát hiện các trường hợp trở nặng, qua đó đưa ra các chỉ định chuyên sâu hơn cũng như nhanh chóng tiến hành điều trị cho bệnh nhân.

Phạm Quý

Tin mới