COVID-19 gây tác động không chỉ tới các hoạt động sản xuất offline mà còn khiến nhiều chiến dịch marketing, truyền thông bị ảnh hưởng. Nhu cầu, hành vi mua hàng của người tiêu dùng đang dần thay đổi kéo theo các doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp marketing hiệu quả giữa mùa dịch. Trong bối cảnh các doanh nghiệp không thể “bung” một lượng lớn chi phí để đẩy thương hiệu của mình lên, thậm chí là trì trệ thì quảng cáo truyền hình cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Lĩnh vực quảng cáo phát thanh - truyền hình đang đứng trước thách thức chưa từng có. (Ảnh minh họa)
Đồng nghĩa với đó là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp quảng cáo trên cùng một nền tảng và thị trường. Đó là chưa kể các tiêu chuẩn quảng cáo truyền hình dần bị thắt chặt về quy định, thời lượng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong tình hình dịch COVID-19, lĩnh vực quảng cáo phát thanh - truyền hình đang đứng trước thách thức chưa từng có, nhiều doanh nghiệp quảng cáo đang "ngắc ngoải", miếng bánh quảng cáo không còn được chú trọng mà chuyển mạnh sang các nền tảng xuyên biên giới như: Youtube, Facebook.
Thậm chí những kênh liên kết còn tồn tại xung đột lợi ích trực tiếp với các kênh chính của Đài (bản quyền, quảng cáo); lượng người xem, số giờ xem chuyển mạnh từ truyền hình sang mạng xã hội nước ngoài.
Chưa dừng lại ở đó, khó khăn của ngành phát thanh, truyền hình khi còn phải chứng kiến nhiều công ty phát hành thẳng sản phẩm của mình lên mạng xã hội vì dè chừng trong chi phí quảng cáo. Quả không sai khi một số chuyên gia dự báo đây sẽ là một năm "ác mộng" với các Đài truyền hình về doanh thu quảng cáo.
Một giám đốc đài truyền hình địa phương chia sẻ: Chưa bao giờ đài truyền hình của ông lâm vào tình trạng bết bát thế này, doanh thu quảng cáo tụt giảm không phanh, nhưng điều đáng lo hơn nữa là chuyện nợ tiền hợp đồng. Có những doanh nghiệp hiện mất khả năng chi trả. Số nợ quảng cáo không biết đến bao giờ mới có thể thu hồi đủ.
Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của internet và truyền thông đa phương tiện, sự tác động ngày càng sâu rộng của mạng xã hội, xu hướng hội tụ công nghệ thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp, nhiều mặt và ngày càng phức tạp đến quảng cáo truyền hình.
Xu thế phổ biến của truyền thông mới là ứng dụng rộng rãi, triệt để ưu thế của công nghệ: Truyền thông số, tích hợp nhiều phương tiện và sử dụng nhiều kênh truyền thông (điện tử và truyền thống); khai thác triệt để mạng xã hội; “di động hóa” truyền thông; tương tác và trải nghiệm. Đặc biệt, nội dung do người dùng tạo ra, được chia sẻ, đồng sáng tạo, kết nối không giới hạn các cá nhân hoặc nhóm xã hội.
Theo các chuyên gia, các quảng cáo truyền hình cần tận dụng ưu thế, tính năng “lan truyền” của truyền thông xã hội; chuyển tải các video quảng cáo theo cách tiếp cận mới, phù hợp với nhu cầu của đa dạng người xem.
Người làm quảng cáo phải biết xử lý thông tin theo hướng tức thời, mọi nơi, mọi lúc, tức là sẽ chuyển các quảng cáo phần truyền thống sang hướng đại chúng, tiếp cận được nhiều khách hàng mục tiêu hơn.
Đặc biệt phải rút ngắn thời gian sản xuất quảng cáo. Các doanh nghiệp quảng cáo truyền hình cần quan tâm đến đặc điểm mới của truyền thông số là ngắn, gọn và hút người xem.
Ngoài ra, tăng tính tương tác với công chúng, coi phản hồi của công chúng là một phần nội dung thông tin, dĩ nhiên phải có chọn lọc, đề cao tính nhân văn trong hoạt động quảng cáo cũng là một điều cần lưu ý.
Trong thách thức, có cơ hội và ngược lại. Nếu biết cách phân tích, chọn lọc và vận dụng, thách thức từ truyền thông số cũng chính là cơ hội bứt phá cho quảng cáo truyền hình.
Để ứng phó tốt với đại dịch COVID-19, bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhấn mạnh, người đứng đầu phải vững tay chèo thì mới tạo được chỗ dựa cho đội ngũ nhân viên. Theo đó, cần nhấn mạnh vào 3 vấn đề, đó là nhân sự phù hợp, chiến lược khác biệt, quản trị đặc thù để ứng phó với khủng hoảng ngay tại thời điểm xảy ra.