Khó khăn không nằm ngoài dự đoán khi các đài phát thanh, truyền hình phải hoạt động trong điều kiện chật vật trước tác động của đại dịch COVID-19. Đặc biệt, doanh thu từ hoạt động quảng cáo của các đài phát thanh, truyền hình trong 2 năm qua sụt giảm đáng kể.
"Miếng bánh" quảng cáo xê dịch bớt sang mạng xã hội
Theo thông kê, doanh thu từ hoạt động quảng cáo của các đài phát thanh, truyền hình trong năm 2020 đạt 7.250 tỷ đồng, giảm tới 25% so với năm 2019.
Khó khăn của ngành phát thanh, truyền hình trong năm 2020 và 2021 còn chứng kiến khi nhiều công ty truyền thông hiện đã phát hành thẳng lên mạng xã hội.
Doanh thu quảng cáo trên truyền hình sụt giảm nghiêm trọng.
Theo chuyên gia, dự báo từ năm 2022 đến 2024, các nền tảng mạng xã hội sẽ dần thay thế truyền hình truyền thống trở thành kênh quảng cáo đạt tỉ lệ doanh thu ổn định nhất, cao nhất. Tiếp sau đó là quảng cáo trên các kênh trả tiền tìm kiếm sẽ tăng 9.8% hàng năm, chủ yếu được thúc đẩy bởi các phương tiện truyền thông bán lẻ.
Quảng cáo ngoài trời vẫn duy trì sự phát triển ổn định không tăng không giảm mà chỉ giữ ở mức tăng trưởng khoảng 7.4% hàng năm. Phát thanh và truyền hình sẽ tăng nhẹ, tương ứng 2.2% và 1.4%, trong khi báo in giảm 4.7%.
Doanh thu quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội tăng đồng nghĩa với việc các mạng xã hội sẽ phải cạnh tranh khốc liệt nhằm chiếu ưu thế thu hút đầu tư quảng cáo. Theo số liệu thống kê từ trang website eMarketer, người dùng mạng xã hội người lớn ở Mỹ đang dành 60,4% thời gian của họ cho Facebook và Instagram trong năm nay, con số này thực tế đang giảm 74,8% khi so sánh với thời điểm vào năm 2017. Đó là kết quả của sự trỗi dậy của nền tảng mạng xã hội chia sẻ nội dung video TikTok bùng nổ. Cùng trong giai đoạn này Tiktok đã tăng có mức tăng trưởng người dùng từ 0% lên 15,1% chỉ trong có chưa đầy 4 năm.
Trong năm 2022, các chuyên gia dự báo các đơn vị kinh doanh quảng cáo sẽ tiếp tục đầu tư khủng cho hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, tổng số tiền quảng cáo ước đạt 177 tỉ USD trong năm 2022, dự báo sẽ tăng lên 225 tỉ USD trong năm 2024, vượt mặt quảng cáo trên truyền hình truyền thống với số tiền đầu tư ước đạt 174 tỉ USD.
Cần chính sách hỗ trợ
Trước khó khăn trên, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo truyền hình nói riêng và quảng cáo nói chung kiến nghị được hưởng chính sách hỗ trợ bình đẳng như các doanh nghiệp khác.
Nhiều khó khăn tích tụ đến nay đã trở thành vấn đề của ngành truyền thông, quảng cáo và đòi hỏi phải có sự vào cuộc của địa phương và cơ quan quản lý nhà nước cũng như ý kiến tham vấn của chuyên gia kinh tế. Các gói hỗ trợ từ trước đến nay là cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn, thậm chí chưa đến được với các doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình. Do đó, cần tính toán đến biên độ phục hồi cụ thể chứ không nên tiếp tục duy trì tư duy “giải cứu”.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo truyền hình nói riêng và quảng cáo nói chung kiến nghị được hưởng chính sách hỗ trợ.
Vừa qua, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp quảng cáo được tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ, trong đó cấp bách nhất là xem xét cho các doanh nghiệp được miễn giảm thuế thu nhập, thuế đất, cho vay vốn ưu đãi và đặc biệt là sớm dỡ bỏ các hạn chế giao thương để các doanh nghiệp nối lại chuỗi thời gian đứt gãy, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời, Hiệp hội đề nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp được giảm, gia hạn thuế và miễn tiền lệ phí quảng cáo năm 2020-2021; cho các doanh nghiệp được gia hạn thuê miễn phí một năm đối với các bảng thuê đất của Nhà nước để bù cho thời gian mất khách do dịch bệnh gây ra.
Cuối cùng, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam kỳ vọng các bộ, ngành, địa phương thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trụ vững, vượt qua dịch bệnh COVID-19, nhanh chóng trở về trạng thái bình thường ...