Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quán bánh bao đặc biệt, khách và nhân viên giao tiếp bằng điện thoại

(VTC News) -

Quán bánh bao Meko gây ấn tượng với nhiều thực khách Hà Nội khi hầu hết nhân viên đều là người khuyết tật, mọi người đến cửa hàng đều dùng điện thoại để giao tiếp.

Nhiều khách hàng bất ngờ khi đến quán bánh bao Nghệ nhân Meko tại số 90 Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) bởi chất lượng bánh thơm ngon, nụ cười thân thiện và thái độ phục vụ tận tâm của những nhân viên tại đây.

Trong số họ, người bị khuyết tật, người lang thang cơ nhỡ không giấy tờ tùy thân, người lại mắc bệnh tự kỷ… Đến Meko, được tạo cơ hội việc làm, có môi trường giao lưu cùng nhau, họ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. 

Quán bánh bao giúp những người bị khiếm khuyết hòa nhập với cuộc sống, bớt mặc cảm và tự ti.

Trao cơ hội việc làm, tạo thay đổi cho người khuyết tật

Thường tham gia các hoạt động từ thiện, anh Phạm Sơn Tùng - người sáng lập chuỗi cửa hàng bánh bao Nghệ nhân Meko - có nhiều cơ hội tiếp xúc với người khuyết tật. Nhận thấy đa phần người khuyết tật chỉ có thể làm những việc nhẹ nhàng, làm thêm ở nhà với thu nhập thấp, anh Anh Tùng ấp ủ phát triển mô hình kinh doanh để tạo điều kiện cho người khuyết tật làm việc và hòa nhập.

Họ là những người rất yếu thế trong xã hội. Điều chúng tôi muốn là dùng sức nhỏ nhoi của mình để giúp họ thay đổi cuộc sống, hòa nhập với mọi người. Tôi luôn nghĩ rằng những người khuyết tật vẫn có khả năng làm việc như những người bình thường, chỉ cần họ được trao cơ hội”, anh Sơn Tùng chia sẻ.

Chủ quán bánh bao luôn tận tình hướng dẫn và giúp đỡ nhân viên.

Sau nhiều lần bàn tính với gia đình, năm 2019, Tùng quyết định mở quán bánh bao và mời những bạn khuyết tật về làm nhân viên. Tất cả các nhân viên đều trải qua thời gian dài tập huấn, đào tạo về phục vụ, làm bánh…

Thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện nên anh Tùng biết đôi chút thủ ngữ (ngôn ngữ ký hiệu). Sau này, khi quyết định mở quán, anh tự học thêm trên Internet để trò chuyện với các bạn. Các nhân viên là người bình thường ở quán cũng được yêu cầu phải học ngôn ngữ ký hiệu để trò chuyện, thảo luận công việc với các bạn khác.

Tâm sự về khó khăn khi lập quán, Sơn Tùng cho biết: “Đối với những bạn bị câm điếc hoặc khiếm thính, phải giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu hoặc gõ lên máy điện thoại những công đoạn, quy trình làm nên mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, nghề này yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo léo và nhanh nhẹn. Người bình thường để làm chiếc bánh theo đúng quy trình vốn dĩ đã khó, người khuyết tật còn khó hơn gấp nhiều lần”.

Tạo hình những chiếc bánh bao, chính họ đang viết nên câu chuyện đẹp cho bản thân mỗi ngày. 

Nói về những nhân viên của mình, anh Tùng luôn dành những lời đầy yêu thương: “Trao việc làm cho người khuyết tật không dừng ở chuyện giúp họ có sinh kế để nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình mà hơn cả là tạo sự thay đổi trong suy nghĩ của cộng đồng về người khuyết tật, bao gồm cả việc người khuyết tật thay đổi cách nhìn về chính họ”.

Những nhân viên đặc biệt

Theo anh Tùng, hiện, quán hiện có 12 nhân viên là người khuyết tật (chủ yếu đến từ các tỉnh vùng sâu vùng xa) phụ trách nhiều vị trí. 30% nhân viên của quán là người bình thường.

Bị câm điếc bẩm sinh, lại mắc dị tật ở chân rất khó di chuyển nên Lê Văn Linh (22 tuổi, quê Lào Cai) chủ yếu làm việc cố định ở xưởng bánh bao. Nhiệm vụ của Linh là nặn và cho nhân vào bánh. Linh gây ấn tượng với mọi người bằng nụ cười tươi rói lúc nào cũng thường trực trên gương mặt.

Không thể nói chuyện, anh bù đắp bằng cách lúc nào cũng chú tâm quan sát để xem và học hỏi kinh nghiệm của mọi người. Những lúc cần tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, anh thường dùng ngôn ngữ ký hiệu. Đối với những vấn đề khó hiểu, anh lại hì hục gõ vào điện thoại để mọi người có thể hiểu ý mình.

Trước khi làm việc ở quán, Linh chủ yếu chỉ ở nhà. Ngoài gia đình và những người thân quen, Linh ít tiếp xúc với người lạ. Đây là lần đầu tiên chàng trai 22 tuổi có công việc, được gặp nhiều người và thêm nhiều bạn mới.

"Những ngày đầu, mình rất lúng túng nhưng được mọi người hướng dẫn nên mình cũng dần dần quen việc. Các anh chị em trong quán đều như những thành viên trong gia đình, quan tâm, chăm sóc nhau. Mình cũng mong chờ tháng lương đầu tiên để có thể mang về tặng cho bố mẹ", Linh chia sẻ.

Linh (bị khiếm thính) luôn tạo được ấn tượng với mọi người về sự nhiệt tình trong công việc. 

Giống như anh Linh, từ khi vào làm tại tiệm bánh bao Nghệ nhân Meko, chị Nguyễn Thị Thương (quê Yên Bái) cũng có nhiều thay đổi về đời sống vật chất và tinh thần. Tại đây, không chỉ có việc làm phù hợp với sức khỏe, chị và những đồng nghiệp còn có thể bù đắp những khiếm khuyết cho nhau.

Trước đây, Thương từng có thời gian làm thêm ở một quán ăn gần nhà nên chị cũng không mất quá lâu để bắt nhịp với công việc. Việc được đi làm, có nguồn thu nhập giúp chị tự tin hơn.

Công việc phù hợp với sở thích cũng như điều kiện sức khỏe của mình. Môi trường làm việc ở quán rất thân tình, mọi người hỗ trợ lẫn nhau và không có sự phân biệt đối xử. Đặc biệt, những lúc được khách hàng khen bánh ngon, mình thấy rất vui vì bản thân được công nhận có thể làm tốt công việc như bao người khác”, chị Thương nói.

Tất cả các nhân viên đều được đào tạo về phục vụ, làm bánh…

Hiện tại, chị Thương là lao động chính trong gia đình. Ngoài tự nuôi sống bản thân, chị còn lo cho mẹ già đang mang bệnh.

Gia đình neo người chỉ có hai mẹ con sống cùng nhau. Tôi luôn cố gắng từng ngày vì vẫn còn mẹ già phải lo. May mắn gặp được anh Tùng, chúng tôi mới có chổ ăn, chỗ ở, lại có thêm thu nhập”.

Là khách quen của quán, chị Mai Lan (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, chị biết nơi này qua giới thiệu của một người bạn chơi cùng nhóm. Ấn tượng đầu tiên khi đến quán là không gian yên tĩnh, những bạn nhân viên rất thân thiện.

Mình rất vui vì học được vài ký hiệu thú vị để trò chuyện với các bạn nhân viên. Nhìn các bạn làm việc, hồn nhiên, mình thấy rất ấn tượng. Bánh bao ở đây thơm lắm, vỏ xốp, mềm mịn. Mỗi khi thưởng thức món này, mình cảm nhận được nhiều cung bậc cảm xúc, đặc biệt hơn khi người làm là người khuyết tật”, chị Mai Lan cho hay.

Khách hàng và nhân viên nói chuyện bằng điện thoại. 

Chia sẻ thêm về công việc kinh doanh của chuỗi cửa hàng, anh Tùng nói: “Mình rất vui khi quán được nhiều người ủng hộ. Mỗi ngày, các cửa hàng đều sản xuất 1.500 - 2.500 chiếc. Tại mỗi cơ sở, bánh bao được gói và hấp trực tiếp, liên tục để phục vụ lượng lớn khách trong ngày. Hương vị thơm ngon và đảm bảo an toàn thực phẩm là những yếu tố mình luôn coi trọng”.

Cũng theo anh Tùng, đến nay, hầu hết mọi người đều thích nghi với công việc. Ai cũng có nguồn thu nhập ổn định đủ để trang trải cuộc sống. Bánh bao Nghệ nhân Meko đã hình thành chuỗi cửa hàng với 10 cơ sở và 2 xưởng sản xuất trên địa bàn Hà Nội, tạo việc làm cho hàng chục người khuyết tật.

Nói về dự định trong tương lai, chàng trai trẻ mong muốn nhân viên có thể duy trì công việc ổn định, tiệm sẽ ngày càng có nhiều khách và tiếp tục nhân rộng mô hình dịch vụ này ở các địa điểm khác để nhiều người khuyết tật có thêm cơ hội việc làm, giúp cuộc sống của họ bớt nhọc nhằn hơn.                               

Nguyễn Liễu - Minh Anh

Tin mới