Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quán cà phê với những nhân viên đặc biệt, khách đến gọi đồ uống bằng tay

(VTC News) -

Tại quán cà phê đặc biệt này, mỗi nhân viên được gọi là một flower - bông hoa với những nụ cười đầy năng lượng, phục vụ khách thông qua ngôn ngữ ký hiệu.

Video: Quán cà phê đặc biệt tại Hà Nội, khách đến gọi đồ uống bằng tay

Tại góc đường yên tĩnh trên con phố Thể Giao (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có một quán cà phê nhỏ mang tên flow-ee.

Đến với flow-ee, thực khách sẽ được trải nghiệm gọi đồ bằng những cử chỉ, ngôn ngữ ký hiệu, bởi nhân viên của quán đều là người câm điếc. Không thể nghe, nói, những nhân viên khẽ cúi lưng, dùng ngôn ngữ ký hiệu, đưa tay chụm lên miệng rồi mở bung ra phía trước thay lời cảm ơn gửi đến thực khách.

Những mảnh ghép đặc biệt

Thấy khách bước vào quán, bạn Vũ Thị Lệ (SN 2001, ở Hà Nội), nhân viên của flow-ee, đưa bảng menu mời khách chọn món rồi nở nụ cười thật tươi thể hiện sự vui vẻ chào mừng.

Sau khi nhận "order" từ khách, Lệ quay lại quầy làm đồ uống. Cùng với Lệ còn có hai bạn trẻ khác là Hà và Uyên, cũng là người không thể nghe, nói được.

Ba người, mỗi người một nhiệm vụ, người đi dọn dẹp bàn, người pha chế đồ, người gọt hoa quả... Nét mặt cả ba người luôn thể hiện sự vui vẻ, tất cả đều giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Mỗi ca làm tại quán sẽ có 3 bạn, hiện quán có 6 bạn trẻ là người điếc, độ tuổi từ 21 đến 33. Hầu hết các bạn đều đã từng làm các công việc khác nhau như dệt may, rửa bát, giặt quần áo, bán hàng ở siêu thị, pha chế… Cơ duyên để các bạn đến với flow-ee là qua một tổ chức phát triển hòa nhập, đào tạo và tiếp nhận các bạn khuyết tật.

Mỗi nhân viên làm việc tại quán đều được gọi là flower - bông hoa.

Mỗi người khi đến đây làm việc đều có một câu chuyện khác nhau. Qua người phiên dịch, “flower" Vũ Thị Lệ chia sẻ, cô sinh ra trong một gia đình không khá giả.

Lệ chỉ được học hết lớp 5 và phải đi làm để kiếm tiền. Cô gái đã trải qua đủ các nghề để trang trải cuộc sống như: massage, cắt tóc, gội đầu, phục vụ...

Nói về những khó khăn, Lệ dùng ngôn ngữ ký hiệu cho biết: “Khó khăn của người điếc là chúng tôi không được đi học nhiều, kém giao tiếp với mọi người nên xin việc rất khó, không thể hiểu mọi người đang nói gì”.

Được một người bạn giới thiệu, Lệ đã trở thành nhân viên của flow-ee. Điều vui nhất của Lệ hiện tại là mỗi ngày đi làm được nhìn nét mặt cùa khách khi uống đồ mình pha chế và giao tiếp với mọi người bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Hiện tại, Lệ đã lấy chồng và có con. Chồng Lệ là người khiếm thính. May mắn con của họ sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác.

“Cả hai vợ chồng không thể nghe, nói được nên khi con khóc cũng không biết. Đưa con đi bệnh viện thì không nói được tình trạng của con thế nào cho bác sĩ hiểu”, Lệ chia sẻ.

Trong công việc, Lệ là một người rất nhiệt huyết.

Là đồng nghiệp của Lệ, anh Nguyễn Thái Hà (SN 2001, quê Thái Bình) cũng rất miệt mài, đam mê công việc pha chế. Hà cho biết, gia đình anh có 4 người, chỉ có anh là người điếc bẩm sinh. Cố gắng học tập, Hà cũng hoàn thành chương trình lớp 12 như bao người bạn cùng trang lứa. 

Dù chỉ mới học pha chế hơn 2 tháng, tuy nhiên, Hà rất đam mê công việc này bởi tại đây có một cộng đồng những người cùng hoàn cảnh giống Hà. Ở flow-ee, Hà có bạn bè và những người chủ tốt bụng.

“Vì tôi là người không nghe được nên khi đi làm tôi chỉ biết tập trung hết mình vào công việc, không bị sao nhãng”, Hà chia sẻ với nụ cười hạnh phúc rạng ngời.

Nhiều khách hàng khen đồ Hà pha rất ngon. Trên những tờ ghi chú dán tại quán, một số người còn gửi lời cảm ơn Hà vì nguồn năng lượng tích cực.

Điều này giúp Hà thấy rất vui vì bản thân được công nhận có thể làm tốt công việc như bao người khác. Ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày anh cố gắng đặt nhiều tâm huyết hơn vào những đồ uống mà mình tạo ra.

Nguyễn Thái Hà, một flower luôn biết cách pha trò khiến khách hàng vui, thoải mái khi đến quán.

CEO kết nối những mảnh đời

Không phải thức uống, điểm khác biệt lớn nhất ở quán là trải nghiệm giao tiếp với nhân viên. Khách đến sẽ dùng ngôn ngữ ký hiệu để thực hiện, mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau theo cách riêng của mình.

Anh Ngô Quốc Hào (SN 1996, ở Hà Nội) là CEO của flow-ee kiêm người phiên dịch của các bạn nhân viên, cho biết, ý tưởng tạo nên quán cà phê này là của anh cùng với 2 người bạn khác. Mong muốn lớn nhất của nhóm là tạo công việc cho các bạn câm điếc.

Họ là những người rất yếu thế trong xã hội. Điều chúng tôi muốn là dùng sức nhỏ nhoi của mình để giúp họ thay đổi cuộc sống, hòa nhập với mọi người”, anh Quốc Hào chia sẻ.

Nói về cái tên flow-ee, Hào cho biết, "flow" nghĩa là dòng chảy, thể hiện sự hòa quyện tinh tế giữa những mảng đối nghịch, thăng trầm cuộc sống. Còn phần “ee” tượng trưng cho nét riêng của một cổ đông khác, nơi một công ty có đến 30% là người khuyết tật.

CEO kiêm người phiên dịch Ngô Quốc Hào thuật lại những lời nhân viên chia sẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Tâm sự về khó khăn khi lập quán, Quốc Hào cho biết, thời gian đầu những thành viên đều không có nhiều kinh nghiệm và ai cũng có công việc chính khác nên rất khó khăn, việc mở quán rất gian nan.

“Có những lúc, chúng tôi có ý định dừng lại, dừng chân một lúc để nghỉ ngơi thôi. Tuy nhiên, nghĩ đến các bạn khuyết tật cần mình là lại thêm động lực”, Quốc Hào chia sẻ.

Để có thể giao tiếp thoải mái như hiện tại, trước đây, khi quán mới thành lập phải có một phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu đến để kết nối giữa nhân viên và khách hàng. Sau dần, các bạn làm việc trong quán đều quen với mọi công việc và bộc lộ nhiều khả năng của mình hơn.

“Việc trao đổi với khách hàng và flowers diễn ra rất thú vị. Với các biển hiệu thông báo về nhân viên là người điếc, các thực khách đều luôn tôn trọng và cố gắng thể hiện một cách dễ hiểu nhất với các bạn nhân viên”, chàng CEO nói.

Sức hút của flow-ee không chỉ bởi những bạn trẻ năng động, thoải mái mà còn nằm ở đồ uống độc đáo. Khách hàng đến đây cũng rất đông, từ các bạn khuyết tật chung hoàn cảnh, những bạn trẻ từ mọi miền và người nước ngoài.

Quốc Hào chia sẻ: “Thấy những tờ giấy note của khách để lại, trong đó, có nhiều tờ ghi bằng tiếng Hàn, Nhật, Anh... mình rất vui khi thấy mọi người ủng hộ quán như vậy”.

Những mảnh giấy ghi lời cảm ơn và cảm xúc của khách hàng khi đến quán được dán lại trên một góc tường.

Là khách quen của flow-ee, Kim Ngân (SN 2003, ở Nghệ An) chia sẻ, cô biết nơi này qua giới thiệu của một người bạn chơi cùng nhóm. Ấn tượng đầu tiên khi đến quán là không gian yên tĩnh, những bạn nhân viên rất thân thiện.

Với Kim Ngân, không gian ở flow-ee thật sự giúp cô lấy lại tinh thần sau những ngày làm việc căng thẳng. Hầu như, cứ mỗi cuối tuần, Kim Ngân lại ghé thăm quán, để học những ngôn ngữ ký hiệu thú vị từ các bạn nhân viên.

“Mình rất vui vì học được một vài ký hiệu thú vị để trò chuyện với các bạn nhân viên. Nhìn các bạn làm việc, hồn nhiên, mình thấy rất ấn tượng. Món mình yêu thích nhất của quán là bingsu - rượu.

Mỗi khi thưởng thức món này, kết hợp với không gian của quán, mình cảm nhận được nhiều cung bậc cảm xúc, đặc biệt hơn khi người phục vụ là những người khiếm thính”, Kim Ngân nói.

Lần đầu tiên đến quán, anh Gia Huy (SN 1995, ở Hà Nội) cũng có cảm nhận rất đặc biệt. Gia Huy đến vì tính nhân văn, câu chuyện cảm động của quán mà anh nghe qua mạng xã hội.

Gia Huy chia sẻ: “Mình sẽ thường xuyên đến đây nhiều hơn, thật sự đây là một cảm xúc chưa bao giờ mình có. Giao tiếp với những người không nghe được giúp mình hiểu hơn về giá trị cuộc sống”.

Khách đến quán cà phê được những nhân viên đặc biệt phục vụ nhiệt tình.

Được biết, để có thể hoạt động tốt như hiện tại, cứ một thời gian, các thành viên quán flow-ee lại tổ chức họp mặt, bày tỏ những khó khăn và tìm hướng giải quyết.

Bên cạnh những nhân viên là người khuyết tật, những cổ đông luôn sẵn sàng là phiên dịch viên, trò chuyện và hỗ trợ các khách hàng khi cần. Sắp tới, anh Quốc Hào dự kiến sẽ cho ra menu (thực đơn) bằng hình ảnh giúp cho thực khách có thể dễ dàng trao đổi với những bạn nhân viên.

Nguyễn Đức

Tin mới