Video: Chàng trai khiếm thị mang âm nhạc chữa lành vết thương.
“Trong những giấc mơ thuở ấu thơ, tôi luôn ước rằng bản thân có thể nhìn mọi thứ như bạn bè. Đến khi trưởng thành, xa vòng tay bố mẹ để tự bước ra cuộc đời nhiều khó khăn, tôi vẫn nguyện đánh đổi tất cả để có được đôi mắt sáng”. Đó là khát khao cháy bỏng của Nguyễn Đức Thiện (24 tuổi) - chàng trai bị khiếm thị bẩm sinh, hiện là sinh viên chuyên ngành Sáo trúc, khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Thiện kể, mẹ trở dạ sinh non, cậu chào đời khi mới được 29 tuần tuổi. Cậu bị mù từ khi lọt lòng mẹ. 6 năm đầu đời, gia đình Thiện coi bệnh viện là nhà. Bản thân Thiện trải qua gần chục ca phẫu thuật để giành lại chút thị lực cuối cùng nhưng nỗ lực chạy chữa không có kết quả. Mọi thứ với cậu bé 6 tuổi từ đó chìm vào bóng tối.
Đến tuổi đi học, Thiện cũng được cha mẹ cho tới trường như bạn bè đồng trang lứa. Song, việc học dở dang khi cậu chẳng thể nhìn những con chữ cô giáo dạy. Năm 2007, Thiện rời gia đình, từ Hà Nam lên Hà Nội nhập học ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Từ đây, không có mẹ và gia đình bên cạnh, cậu bé mới 7 tuổi phải động viên mình cố gắng, quyết tâm, tự mình chăm sóc bản thân, tự học làm mọi việc. Những năm học tại ngôi trường này, Thiện được tiếp xúc với âm nhạc, nhận ra tình yêu và năng khiếu của bản thân đối với sáo trúc.
Tuy nhiên, cơ duyên chỉ thực sự đến trong một lần đi xem nhạc tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Thiện may mắn gặp được thầy giáo Trần Bình Minh, giáo viên dạy trong trường, cũng là người khiếm thị cùng có niềm đam mê sáo trúc. Từ đó đến nay, đã gần 20 năm rời nhà ra Hà Nội, mỗi bước đi của Thiện luôn có bóng dáng của thầy Trần Bình Minh ở bên. Dù không thể nhìn thấy mọi vật xung quanh, chàng trai quê Hà Nam luôn yên tâm vì thầy Minh sẽ là đôi mắt của mình. "Thầy Minh không chỉ là người đưa tôi đến với âm nhạc, mà còn là một người cha, người anh luôn sẵn sàng san sẻ những niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống", Thiện nói.
Sau lần gặp gỡ đầu tiên, biết Thiện có tố chất thông minh, lanh lợi, có niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc, thầy định hướng cho Thiện học sáo trúc cùng đàn piano. Theo thầy Minh, Thiện là một sinh viên có thái độ học tập cầu tiến. Việc học và luyện nhạc với người khiếm thị khó khăn hơn khi không thể nhìn được tổng phổ bản nhạc, từng nốt, từng câu, mà phải ghi nhớ, học thuộc, rồi lần mò đánh cho đúng nốt, đúng nhịp nhưng Thiện chưa bao giờ chán nản, bỏ cuộc. “Sau 15 năm đồng hành cùng Thiện, tôi cảm nhận mỗi bước đi hay thành tựu Thiện đạt được đều trả bằng rất nhiều cố gắng, vượt khó và quyết tâm”, thầy Minh chia sẻ.
Năm 2017, Thiện ôn luyện và thi đỗ vào hệ trung cấp chuyên nghành Sáo trúc, khoa Âm nhạc truyền thống tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với số điểm 29, trong đó điểm năng khiếu đạt tuyệt đối 10/10. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của chàng trai quê Hà Nam. Thiện vẫn vừa học tập vừa đi làm thêm và còn tham gia nhiều hoạt động xã hội ở nhà trường, trong cộng đồng người khiếm thị.
Chàng sinh viên năm cuối chuyên nghành Sáo trúc thường bắt đầu ngày mới từ sớm. 6h30 sáng, Thiện đi bộ từ nhà đến bến xe buýt ở Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) để đến trường.
Thiện thường dành ít nhất 4 tiếng tập luyện sáo mỗi ngày. Nhằm bổ trợ cho việc học, Thiện còn dùng laptop, điện thoại thông minh cài phần mềm TalkBack, có chế độ đọc màn hình, tiếp nhận giọng nói để hỗ trợ người khiếm thị.
Thiện bảo, học sáo trúc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia là lựa chọn đúng đắn nhất trong cuộc đời mình. Suốt bốn năm học ở đây, cậu luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình của các bạn, thầy cô và cả các phụ huynh. "Các thầy cô đã giúp tôi tìm thấy được đam mê của mình. Các bạn trong lớp thay nhau đưa đón tôi đến lớp, hỗ trợ tôi bài vở. Đó là những điều tôi rất trân trọng!", Thiện nói.
12h, sau khi kết thúc giờ học trên giảng đường, Thiện trở về nhà cùng cây gậy rút - người bạn đã đồng hành với cậu khắp mọi nẻo đường hơn 15 năm qua.
Buổi chiều, Thiện say sưa soạn giáo án chuẩn bị cho giờ lên lớp đặc biệt ở CLB Hát xẩm Tâm Việt (nơi Thiện là Phó Chủ nhiệm CLB). Đây là CLB đàn, hát xẩm đầu tiên của người khiếm thị tại Việt Nam.
Ngoài CLB Hát xẩm Tâm Việt, Thiện cùng người thầy của mình thành lập "Mái ấm Đông Đô" và ban nhạc người khiếm thị “Nắng mới”. Đây không chỉ là nơi để thầy trò Thiện thỏa niềm đam mê âm nhạc mà còn là địa chỉ giúp đỡ các em nhỏ, những người khiếm thị được học nhạc, chơi nhạc và có thu nhập, tự nuôi sống bản thân.
Để có thể biểu diễn, hướng dẫn các em trong ban nhạc hay CLB, ngoài sở trường sáo trúc, Thiện mày mò tự học cách chơi nhị, gõ phách. Thiện cũng chơi tốt piano, organ. “Với tôi, cuộc sống của người khiếm thị không hề tăm tối như nhiều người vẫn nghĩ. Tôi dùng tình yêu với âm nhạc để làm dịu đi mất mát của bản thân cũng như những đứa trẻ khiếm thị khác", Thiện chia sẻ.
Sau 7 năm đi vào hoạt động, Mái ấm Đông Đô hiện đã có 20 thành viên. Các em đều được thầy Thiện dạy âm nhạc, sáo trúc bài bản.
Vào dịp cuối tuần hoặc lễ, Tết, Thiện cùng ban nhạc của mình biểu diễn tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Công viên Thống Nhất. Ban nhạc cũng biểu diễn trong những sự kiện do Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù TP Hà Nội tổ chức.
Ban nhạc "Nắng Mới" gồm 10 người, ở độ tuổi 11 đến 27, đều là những người khiếm thị bẩm sinh. Họ gặp nhau và thành lập nhóm nhạc từ năm 2016.
Trước giờ biểu diễn, Thiện dành thời gian cùng các thành viên trong ban nhạc "Nắng mới" tập lại tác phẩm sẽ trình bày.
Những buổi biễn diễn không chỉ mang lại thu nhập cho các thành viên ban nhạc mà cũng là dịp để Thiện và bạn bè được giao lưu với đông đảo khán giả, được gặp gỡ nhau cùng chia sẻ niềm yêu thích.
Trải qua hơn 8 năm thành lập, Thiện còn cùng các thành viên trong ban nhạc tổ chức nhiều chương trình âm nhạc thiện nguyện. Thiện mong muốn các CLB, ban nhạc mà mình đang sinh hoạt sẽ duy trì được lâu hơn nữa, phát triển hơn nữa để có thể hỗ trợ ngày càng nhiều những người thiệt thòi.
Dù sân khấu nhiều khi chỉ là vỉa hè con phố nhưng với Thiện và các thành viên trong CLB, đó vẫn là niềm hạnh phúc vì được mang âm nhạc cống hiến cho đời.
"Thần tượng của tôi là nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Thanh Bình. Tôi mơ ước trở thành một nhà sản xuất giống anh. Tôi từng buồn, bế tắc vì cuộc đời toàn màu đen, âm nhạc đã giúp tôi và gia đình vui vẻ, đầm ấm hơn. Chặng đường phía trước còn dài nhưng tôi nghĩ khi ta theo đuổi đam mê, thành công sớm muộn sẽ đến", Thiện nói.
Nghị lực vươn lên không mệt mỏi của Thiện đã có những kết quả đáng mừng. Năm 2018, ban nhạc "Nắng mới" được mời tham dự Festival âm nhạc dân tộc dành cho người khiếm thị tại Thái Lan, CLB hát xẩm Tâm Việt đạt nhiều giải thưởng tại hai Liên hoan Hát xẩm mở rộng năm 2022 và 2023. Tháng 11/2023, Thiện được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tuyên dương là một trong 35 thanh niên khuyết tật tiêu biểu, cống hiến sức trẻ trong các hoạt động vì cộng đồng tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”.