Video: Chàng trai biến rác thải thành đồ dùng tiện ích có 'một không hai'
Đó là câu chuyện của Đinh Đồng Giang (sinh năm 1992) đến từ Bắc Ninh. Giang bị liệt nửa người từ nhỏ và không thể đến trường, mọi công việc từ vệ sinh cá nhân đến ăn uống, cậu đều phải nhờ mẹ giúp.
Lên 10 tuổi, Giang bắt đầu viết những dòng chữ nguệch ngoạc, mãi sau này, anh mới biết đọc, biết viết. Từ nhỏ tới lớn, Giang chỉ mơ ước một ngày mình làm được điều gì có ích cho xã hội, dù nhỏ nhưng phải do chính tay mình làm nên.
May mắn, năm 2013, Giang được phẫu thuật chân tại Bệnh viện Việt Đức. Kể từ đây, anh có thể tự đi lại bình thường. Hàng xóm và cả bố mẹ Giang đều nghĩ, Giang có thể tự chăm sóc cho bản thân đã là một phép màu. Thế nhưng, bất ngờ hơn, chàng trai khuyết tật bắt đầu một nhịp sống mới bận rộn hơn với công việc tự tay tạo hình cho rác.
Khi được hỏi về lý do bắt đầu công việc tái chế rác thải, Giang chia sẻ: “Trước khi bắt tay vào tái chế, tôi đặt ra rất nhiều câu hỏi. Một ngày mỗi hộ gia đình xả ra môi trường rất nhiều rác, tại sao ta không tái chế, tái sử dụng nó để tránh lãng phí. Có rất nhiều thứ rác thải trong nhà có thể tái chế được, tại sao mình không bắt tay vào làm. Thế là công việc tái chế rác thải được xuất phát từ đây".
Vì không thể làm những công việc nặng nên anh Giang chỉ quanh quẩn ở nhà. Sau khi đôi chân hoàn toàn hồi phục, anh tự đi nhặt nhạnh những vật dụng bỏ đi của gia đình và hàng xóm để tái chế. Biệt danh “Giang thích chế” cũng ra đời từ đây.
Thấy anh Giang đam mê với công việc này, bố mẹ và hàng xóm xung quanh cũng thường xuyên gom góp các món đồ cũ về để cho anh làm. Món đồ đầu tiên mà Giang thực hiện là chiếc xe đạp được làm từ các đoạn dây điện, dây sắt hỏng. Những đoạn dây này được uốn cong để tạo hình chiếc xe đạp lưu niệm, sau đó anh Giang còn sơn thêm màu để chiếc xe trông đẹp mắt hơn.
Chiếc xe đạp được anh Giang tự tay tái chế từ các đoạn dây điện, dây sắt hỏng.
Đôi tay anh Giang vẫn còn di chứng từ nhỏ, cứ tay trái chuyển động thì tay phải cũng sẽ chuyển động theo. Vậy nên mọi công đoạn để làm ra các sản phẩm anh đều dùng mẹo để làm. Ý tưởng thì anh lên mạng tham khảo, tìm kiếm các hình ảnh, lấy cái nọ bù vào cái kia. Đi đâu thấy ai có cách làm hay anh đều dõi theo để học tập.
Để cắt được miệng chai thủy tinh làm cốc, anh buộc sợi dây kim loại quanh thân chai và hơ trên lửa, sau đó nhúng vào nước lạnh khiến chiếc vỏ chai tự tách đôi là có ngay một cốc thủy tinh được cắt theo ý muốn.
Điều đặc biệt trong quá trình tái chế rác thải chính là mọi công đoạn đều được làm thủ công, do chính chàng trai khuyết tật này thực hiện, và mọi sản phẩm đều được làm từ đồ đã qua sử dụng.
"Tôi thấy rằng rác thải nhựa ngày một nhiều nhưng mọi người lại không phân loại tái chế nó, thành ra ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng”, anh Giang bày tỏ.
Từ lúc bắt đầu tái chế rác đến nay, anh Giang chẳng nhớ nổi mình đã làm ra bao nhiêu sản phẩm. Giang chia sẻ những bức tranh được treo ở một góc tường nhà chính là nơi đem lại cho anh nhiều kỷ niệm nhất.
Bức tranh lông gà được làm trong một ngày chỉ với keo dán, một tờ lịch, lông gà thu được và một chiếc kéo cắt tỉa lông gà. Cái khó của tác phẩm này chính là khâu phối màu sao cho hài hòa, đẹp mắt. Vì lông gà có nhiều màu sắc khác nhau, cần sắp xếp các màu sao cho bức tranh nổi bật được chân dung Đức cha công giáo.
Bức tranh lông gà được anh Giang kỳ công trang trí.
Sau khi bức tranh này hoàn thành, anh Giang vui mừng chia sẻ lên trang cá nhân cho rất nhiều người cùng chiêm ngưỡng. Nhiều người đã trả anh Giang 1 triệu bức tranh đó nhưng anh không bán.
Chàng trai giàu nghị lực chia sẻ: “Bức tranh lông gà đánh dấu cả quá trình nỗ lực cố gắng hoàn thiện một sản phẩm của mình, phải giữ lại để làm kỷ niệm để mỗi lần khách đến nhà sẽ giới thiệu. Có những bức tranh mình treo trong nhà, có những bức thì tặng cho các cô giáo để các cô trưng bày cho các bạn học sinh”.
Đến tham quan nhà anh Giang, ngay từ cổng người ta đã nhìn thấy những vật dụng được làm từ đồ tái chế. Mọi đồ dùng trong nhà đều không có thứ gì mới mẻ nhưng lại có sự độc đáo riêng biệt từ tranh, ảnh, đồ chơi… Chia sẻ về nguồn gốc của những món đồ tái chế này, anh Giang bộc bạch: “Tất cả những gì nhặt được và gia đình bỏ đi thì mình đều tận dụng lại hết, không bỏ đi thứ gì”.
Những món đồ chơi anh Giang làm ra rất đơn giản, dễ làm và còn được nhiều trẻ em trong xóm thích thú tới xin. Với những chú robot được tạo từ 15-20 chiếc nắp chai nước ngọt, anh Giang chỉ mất nửa ngày để làm. Sau khi gom đủ số nắp chai, anh Giang bắt đầu lấy keo để dính những chiếc nắp này lại với nhau.
Sau đó thêm các loại phụ kiện trang trí từ những đồ đã nhặt được. Những chú robot tái chế đều được thiết kế đầy đủ các bộ phận, đa dạng màu sắc.
Khoảng sân rộng trước nhà anh Giang quét phải 10 phút mới xong, chổi cứ tháng lại thay một chiếc. Thấy vậy anh Giang tận dụng ngay những vỏ chai nước ngọt bằng nhựa để làm chổi cho gia đình mình. Tất cả những đồ dùng đều được anh Giang chế tạo thủ công, không qua bất cứ một loại máy móc nào.
Xe máy được tái chế từ sắt thép cũ, ống hút nhựa và đồ chơi nhựa đã hỏng
Không chỉ tự tay lên ý tưởng, tạo hình cho những vật dụng, anh Giang còn lập riêng kênh Youtube chia sẻ cách làm với mọi người. Các công đoạn từ chuẩn bị đồ dùng, đặt máy quay đều do một mình anh Giang đảm nhiệm.
Chia sẻ về những ý tưởng tái chế rác của mình, anh Giang nghĩ rằng: “Rác thải nhà nào cũng có, tại sao chúng ta lại không tận dụng để tái chế. Mình muốn chia sẻ những sản phẩm đã làm ra lên mạng xã hội để phần nào đó tác động đến suy nghĩ của mọi người. Khi mỗi nhà chỉ một người tái chế thôi thì lượng rác thải ra môi trường sẽ giảm đi rất nhiều”.
Hiện tại anh Giang vẫn miệt mài với các ý tưởng sáng tạo của mình. Trong thời gian tới, anh hy vọng những sản phẩm tái chế của mình sẽ lan tỏa đến nhiều người hơn nữa để cộng đồng có thể chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường sống.