Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quá nhiều phương thức xét tuyển ĐH, thí sinh lúng túng, khó chọn

(VTC News) -

Đến thời điểm này đã có khoảng 20 phương thức xét tuyển đại học, trong đó có nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển mới, điều này khiến thí sinh lúng túng khi lựa chọn.

Ngoài việc lo lắng tập trung cho ôn luyện kiến thức, thời gian này, Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 12 (Đống Đa, Hà Nội) đang dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu phương thức tuyển sinh của các trường đại học năm nay.

“Mỗi trường đều có rất nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, điều này có thể tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, nhưng vì quá nhiều nên em cảm thấy mông lung, lúng túng trong lựa chọn. Một số trường em có nguyện vọng đăng ký xét tuyển, những năm trước vẫn dành một lượng chỉ tiêu rất lớn xét theo điểm thi tốt nghiệp, thì năm nay lại giảm mạnh chỉ tiêu này, xét theo kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia hoặc kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Như vậy chỉ tiêu dành cho xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp cũng sẽ giảm đi, tỷ lệ chọi ở phương thức này tăng cao hơn những năm trước. Em nghĩ rằng để tăng cơ hội trúng tuyển, không chỉ tập trung vào học các môn theo tổ hợp xét tuyển điểm thi tốt nghiệp mà còn cần tham gia vào các kỳ thi riêng theo phương thức của các trường”, Thảo chia sẻ.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển đang được các trường ĐH sử dụng.

Phạm Trung Quân, học sinh lớp 12 ở Nam Sách, Hải Dương, cũng đang nóng lòng chờ phương thức tuyển sinh của các trường khối y dược. Có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược Thái Bình, ĐH Y dược Hải Phòng, Quân đang tập trung ôn luyện theo tổ hợp khối B00 (Toán, Hóa, Sinh).

“Em thường xuyên đọc báo và lên website các trường để theo dõi thông tin tuyển sinh, nhưng hiện tại ĐH Y Hà Nội vẫn chưa công bố chính thức phương án tuyển sinh năm 2022. Một số trường ĐH khác về Y dược năm nay lại bổ sung thêm những tổ hợp xét tuyển mới, vậy điều em băn khoăn là chỉ tiêu dành cho khối B00 sẽ bị giảm hay không? Em hy vọng các trường sớm công bố phương án tuyển sinh, đặc biệt là khi có các phương thức hoặc tổ hợp thi mới để thí sinh có thời gian chuẩn bị”, Quân cho biết.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học bậc THPT tại Hà Nội cũng cho biết, qua tư vấn, hướng nghiệp, thầy nhận thấy không ít học sinh đang hoang mang, lúng túng trước nhiều phương thức tuyển sinh đại học.

Lý giải về tâm lý này của học sinh, thầy Hiền cho rằng, khi các trường thay đổi phương thức tuyển sinh có lộ trình và thông báo trước, học sinh có thể đáp ứng được, nhưng một số trường thay đổi nhanh, gần như chuyển hết sang phương thức mới khiến thí sinh bỡ ngỡ.

“Bản thân những giáo viên tư vấn tuyển sinh và ôn luyện cho lớp 12 như chúng tôi cũng cảm thấy rối khi có quá nhiều phương thức tuyển sinh. Mỗi trường tuyển theo một cách khác, thậm chí 1 ngành cũng có nhiều phương thức tuyển khác nhau. Việc này sẽ ảnh hưởng đến quá trình ôn thi của học sinh, làm thay đổi chiến lược học của các em. Tôi cho rằng thêm phương thức tuyển sinh để thêm cơ hội cho thí sinh, nhưng chỉ nên bổ sung thêm 1 vài hình thức, bên cạnh đó vẫn phải giữa các phương thức tuyển sinh truyền thống. Quá trình thay đổi này cũng cần diễn ra có lộ trình, nếu thay đổi quá nhanh sẽ gây rối loạn rất lớn cho học sinh, các em không biết sẽ phải chọn phương thức nào.

Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, việc bùng nổ các phương thức sẽ gây phiền phức, tốn kém cho xã hội và gây tâm lý bất ổn trong phụ huynh, học sinh và cả giáo viên các trường phổ thông”, thầy Hiền nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, thống kê cho thấy hiện nay có khoảng 20 phương thức xét tuyển đầu vào đại học, nhưng vẫn chủ yếu tập trung vào các phương thức như xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, tuyển thẳng… Việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển trong một ngành, phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành chưa hợp lý có thể dẫn đến những hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Đơn cử như năm 2021, một số ngành có điểm trúng tuyển cao bất thường, thí sinh 30 điểm vẫn không đỗ.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học.

"Sự đa dạng các phương thức tuyển sinh phần nào cũng gây ra những khó khăn trong việc nắm bắt thông tin của thí sinh. Các trường bổ sung nhiều phương thức xét tuyển kéo theo phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức trong cùng một ngành không hợp lý, tăng giảm mạnh qua các năm. Bên cạnh đó, việc thay đổi phương thức tuyển sinh cũng khiến thí sinh không có sự chuẩn bị kịp thời", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy thẳng thắn chỉ rõ.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, có trường còn tình trạng khai báo chỉ tiêu tuyển sinh chưa thống nhất giữa các hệ thống, chưa thực hiện đúng kế hoạch, đủ, hết quy trình đối với việc xác định chỉ tiêu, xây dựng, công khai đề án tuyển sinh, xét tuyển, lọc ảo và báo cáo kết quả tuyển sinh. Hay có trường trường lại chưa kiểm soát được điều kiện sơ tuyển, do vậy thí sinh không đủ điều kiện vẫn trúng tuyển, và phải xử lý vấn đề sau khi thí sinh tiến hành nhập học.

Để mùa tuyển sinh năm 2022 đảm bảo hiệu quả, công bằng cho thí sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học cần khai báo các thông tin xét tuyển của các phương thức lên trang thi và tuyển sinh để thí sinh đăng ký xét tuyển. 

Đặc biệt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng nhấn mạnh, các trường cần công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh, thực hiện việc tuyển sinh đúng quy chế, xác định và giải trình về các phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo, khắc phục hạn chế của năm 2021, xây dựng chính sách đảm bảo chất lượng đầu vào và chịu trách nhiệm giải trình.

Cần đảm bảo nguyên tắc giữ ổn định, đối với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần phải có lộ trình giảm, ví dụ không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành mỗi năm, không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh.

N.T (Vov.vn)

Tin mới