Vốn được gọi với những cái tên khác như thác Bảy Tầng, thác Thiên Nhai, thác Pongour vinh dự được công nhận là một trong những thác nước đẹp nhất tại Lâm Đồng với khung cảnh nên thơ, lãng mạn.
Dẫu rằng giờ đây thác không còn quá nhiều nước do các hoạt động thủy điện, thế nhưng ngày ngày từ độ cao gần 40m, những dòng nước vẫn đều đặn đổ xuống bậc thềm rộng lớn với 7 tầng độc đáo. Nhìn từ xa tựa mái tóc óng ả của người con gái xinh đẹp, tạo nên khung cảnh ấn tượng, khó quên giữa một loạt điểm tham quan khác ở Lâm Đồng.
Thác nước trắng xóa.
Nằm cách Đà Lạt tầm 50km, thác Pongour thuộc địa phận huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng và là một trong những điểm tham quan nổi tiếng tại vùng ngoại ô thành phố. Đây là một trong những thác đẹp nhất khu vực phía Nam Tây Nguyên và nhận được nhiều sự yêu mến của khách du lịch bởi vẻ đẹp hùng vĩ nhưng cũng rất mực nên thơ.
Nếu xuất phát từ Sài Gòn, bạn có thể đi đến ngã ba thuộc địa phận xóm Trung phía núi Chai trên Quốc lộ 20 hướng về Đà Lạt, sau đó bạn rẽ vào đường dẫn vô thác tại khu vực Km260, sau đó rẽ phải và tiếp tục đi tiếp khoảng tầm 8km là sẽ đến nơi.
Vẻ đẹp ấn tượng của thác Pongour nhìn từ trên cao.
Nếu như những ngày bôn ba ở thành phố với khung cảnh người xe tấp nập khiến bản thân mệt nhoài, vậy thì những phút giây thư giãn, thả lỏng ngắm nhìn cảnh núi non trùng điệp, văng vẳng bên tai là tiếng nước từ trên cao đổ xuống tựa như khúc hát ru xoa dịu tâm hồn.
Thác Pongour đẹp trong từng con nước, ghềnh đá
Thác Pongour đẹp với vẻ đẹp đậm đà chất núi rừng Tây Nguyên: Nào dòng nước tuôn trào bọt trắng xót, nào tầng tầng lớp lớp những ghềnh đá nhấp nhô, nào cuồn cuộn tiếng nước chảy vang vọng giữa núi rừng đại ngàn, bấy nhiêu đó thôi đã đủ nói lên vẻ đẹp hùng vĩ nhưng cũng rất mực trữ tình của ngọn thác này.
Thác Pongour đẹp trong từng con nước, ghềnh đá.
Hơn thế nữa, vẻ đẹp hoang dại của thác Pongour còn được khắc họa rõ nét hơn với những tảng đá xếp tầng lên nhau không theo một quy luật nào cả. Để rồi con nước cứ cần mẫn từ trên cao đổ xuống, tạo nên những bọt nước tung tóe và dòng nước trắng xóa tựa như mái tóc của nàng Kanai năm nào dịu dàng vuốt ve những chiếc sừng của bốn "chàng vệ sĩ" trung thành ngày trước.
Mọi dòng nước tại thác đều chảy xuống một cái hồ phía dưới với mặt hồ xanh biếc và rộng thênh thang, thấp thoáng đâu đó là những mỏm đá nhấp nhô khi ẩn khi hiện. Ôm trọn xung quanh thác là núi non trùng điệp với những cây đại thụ đã có ở đây từ bao đời, tất cả như những vòng tay của người dân K’Ho cùng nhau bảo vệ giấc ngủ của vị tù trưởng mà họ rất mực tôn thờ.
Vào mùa mưa, thác Pongour như dữ dội và mãnh liệt hơn hẳn với những dòng nước mạnh mẽ ào ạt tuôn trào từ trên độ cao gần 40m. Lúc này đây, những ghềnh đá dường như đã biến mất khi lớp bọt nước trắng xóa ôm trọn. Còn vào những ngày mùa khô, con thác tựa như nàng thiếu nữ hiền hòa, e ấp với những con nước từ từ đổ xuống đá tựa dải lụa đào nằm giữa lòng núi non đại ngàn. Khung cảnh lúc này lại càng nên thơ, trữ tình hơn hẳn và cứ khiến người ta nhớ mãi không quên.
Nơi tổ chức lễ hội, nghi lễ truyền thống
Với vẻ đẹp mơ màng giữa chốn non cao đại ngàn, thác Pongour đã được biết bao thế hệ người K’Ho chọn làm nơi tổ chức lễ hội mùa xuân, thường diễn ra vào ngày rằm tháng giêng hàng năm với nhiều trò chơi dân gian và các nghi lễ văn hóa truyền thống của buôn làng.
Đây là dịp để họ tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với nàng tù trưởng Kanai tài hoa, đồng thời là dịp để mọi người trong làng quây quần bên nhau, cùng vui chơi, ca hát sau những tháng ngày lao động vất vả.
Các điệu múa truyền thống và trò chơi dân gian cũng góp mặt trong ngày hội.
Trong ngày lễ hội chính, mọi người sẽ cùng nhau ca hát, nhảy múa, tham gia các trò chơi vui nhộn trong bầu không khí réo rắt tiếng cồng chiêng, bên chén rượu cần và món thịt nướng hấp dẫn.