Nội dung này được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh hội nghị Thường trực Chính phủ với các Bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, diễn ra vào sáng 27/11.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng luôn tập trung chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong chỉ đạo thực hiện thúc đẩy giải ngân, ông Lê Minh Khái nêu rõ Chính phủ đã duy trì 5 Tổ công tác để kiểm tra, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thành lập 26 đoàn công tác do thành viên Chính phủ làm Trưởng đoàn để làm việc với các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó có tháo gỡ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. (Ảnh: VGP).
Dẫn báo cáo kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2023, theo Phó Thủ tướng, chúng ta đạt tỷ lệ giải ngân trên 55% (cùng kỳ năm trước đạt 51%), giá trị tuyệt đối cũng tăng hơn so cùng kỳ khoảng 100 nghìn tỷ đồng.
"Mặc dù chúng ta làm tương đối tốt so năm ngoái, nhưng tại sao Thường trực Chính phủ lại phải tổ chức hội nghị này vào thời điểm cuối năm? Qua đánh giá chi tiết, hiện còn nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức giải ngân trung bình của cả nước", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Ghi nhận nhiều chuyển biến nhưng ông Lê Minh Khái cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy được tốt vai trò động lực của giải ngân và thực hiện đầu tư công. Đặc biệt, trong môi trường pháp lý và chỉ đạo như nhau, nhưng có cơ quan, địa phương giải ngân tốt, có cơ quan, địa phương giải ngân chậm hơn.
Chính vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo phải tổ chức hội nghị này để đánh giá chi tiết, cụ thể, tìm ra nguyên nhân giải ngân chậm của các cơ quan, đơn vị.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, lâu nay, trong các cuộc họp, Chính phủ cũng làm rõ nguyên nhân này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đôn đốc, đề xuất nhiều giải pháp, nhưng đến thời điểm hiện nay, ở một số đơn vị, địa phương, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm.
Hội nghị Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. (Ảnh: VGP).
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nói chung của năm 2023, cần tập trung vào những Bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân, báo cáo làm rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất những giải pháp cho hơn 1 tháng cuối năm (về khối lượng), còn về thủ tục giải ngân thì phải hết tháng 1/2025, để chúng ta thực hiện được nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra là giải ngân không dưới 95%.
Nhấn mạnh, nhiệm vụ hiện nay còn rất nặng nề ở một số địa phương, đơn vị, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung phát biểu đi thẳng vào vấn đề, trọng tâm, trọng điểm nhằm phản ánh những khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương phải đề ra những giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện được mục tiêu như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Thường trực Chính phủ đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
41 Bộ, cơ quan Trung ương và 24 địa phương giải ngân thấp hơn nhiều so với mức chung cả nước
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2023 cả nước là hơn 389 nghìn tỷ đồng, đạt 55,02% kế hoạch Thủ tướng giao.
Đến nay, giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461 nghìn tỷ đồng, đạt 65,1%, cao hơn cùng kỳ (58,33%) và số tuyệt đối cao hơn gần 123 nghìn tỷ đồng.
Về tình hình giải ngân của 41 Bộ, cơ quan Trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2023 dưới mức trung bình của cả nước. Báo cáo cho biết, kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2023 của 41 Bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương là 102,3 nghìn tỷ đồng, đạt 36,1% kế hoạch Thủ tướng giao.
Đến nay, ước giải ngân 11 tháng năm 2023 của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nêu trên khoảng 125 nghìn tỷ đồng, đạt 44,12% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giải ngân chung của cả nước là 65,1%.
Tuy nhiên, trong số các Bộ, địa phương nêu trên, có một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân trung bình 11 tháng cao hơn so với mức bình quân của các nước như: Văn phòng Quốc hội (đạt 83,61%), Bộ Công an (đạt 70,01%), Đài Tiếng nói Việt Nam (đạt 68,49%), Hưng Yên (đạt 68,60%), Quảng Ngãi (đạt 68,29%).