Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có chỉ đạo khẩn đến các sở ngành, đơn vị liên quan về tình hình thực hiện các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố năm 2023.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP giao các sở ngành, đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết khó khăn, vướng mắc theo kiến nghị của Sở GTVT về tình hình thực hiện các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm; nghiêm túc báo cáo định kỳ, đảm bảo chất lượng, tiến độ. Trường hợp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo, đề xuất UBND TP chỉ đạo giải quyết.
Sau hơn 4 năm "đắp chiếu", dự án cầu Tăng Long, TP Thủ Đức, TP.HCM được tái khởi động, có khả năng lưu thông trước ngày 30/4/2025.
Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành và đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm đối với việc chậm trễ thực hiện nhiệm vụ, làm chậm tiến độ dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các dự án, công trình trọng điểm.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng chỉ đạo cần phê bình các chủ đầu tư không lập bảng tiến độ chi tiết triển khai thực hiện các dự án công trình trọng điểm gửi UBND TP và các Sở ngành theo dõi.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và các đơn vị chủ đầu tư cần khẩn trương xây dựng tiến độ chi tiết thực hiện dự án năm 2023, 2024 và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 các dự án đã được giao kế hoạch.
Các chủ đầu tư phải tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân vốn theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Chủ tịch UBND TP giao Sở Nội vụ khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở GTVT và các sở, ngành có liên quan đánh giá, đề xuất phương án, mô hình quản lý dự án phù hợp quy mô các dự án trọng điểm trong thời gian tới nhằm triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 98/2023. Đồng thời, tham mưu, đề xuất UBND TP trước ngày 15/12.
TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nên việc phải chịu áp lực giải ngân lớn nhất cũng là điều dễ hiểu. Thành phố có nhiệm vụ giải ngân hơn 68.800 tỷ đồng trong năm 2023, cao hơn hẳn so với các thành phố khác như Hà Nội (gần 47.000 tỷ đồng), Đà Nẵng (gần 8.000 tỷ đồng), Cần Thơ (gần 7.800 tỷ đồng).
Trong tuyên bố mở màn chiến dịch thi đua 60 ngày đêm giải ngân đầu tư công, lãnh đạo TP.HCM nêu rõ quyết tâm đảm bảo thực hiện đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 theo kế hoạch đề ra, trong đó “kiên trì với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%”.
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tính đến ngày 10/11, TP.HCM mới chỉ giải ngân được khoảng 25.800 tỷ đồng, tức đạt 38% chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ giao.
Để thấy rõ hơn về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố trong những ngày qua, chúng tôi chọn ngày 19/10 làm mốc so sánh. Đây là thời điểm mà thành phố đã giải ngân được khoảng 24.200 tỷ đồng.
Như vậy, từ 19/10 đến 10/11 (22 ngày), TP.HCM chỉ giải ngân thêm được gần 1.600 tỷ đồng.
Rõ ràng, với “vận tốc” này thì kế hoạch giải ngân của TP.HCM khó có thể về đích, thậm chí là tăng tốc lên 2 – 3 lần cũng không kịp bởi số tiền cần giải ngân trong 40 ngày cuối cùng của năm phải đạt gần 40.000 tỷ đồng.
Chỉ thống kê sơ bộ cũng đủ thấy, càng về cuối năm, áp lực giải ngân của thành phố là vô cùng lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cao điểm nhất của giải ngân đầu tư công là thời điểm cận Tết dương lịch.