Hôm 4/10, Đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận và dự kiến sẽ thông qua văn bản cuối cùng về việc áp đặt giới hạn giá trần đối với dầu Nga. Giới hạn giá là một phần nội dung vòng trừng phạt thứ 8 mà EU áp đặt đối với Nga.
Ba quốc gia thành viên gồm CH Síp, Hy Lạp và Malta lo ngại về tác động tiềm tàng đối với ngành vận tải biển của họ nếu áp giá trần đối với dầu Nga, song các nước này được cho đã cam kết sẽ nhượng bộ.
Lệnh cấm dầu của EU đối với Nga sẽ có hiệu lực vào tháng 12 năm nay. (Ảnh: AP)
EU cấm nhập khẩu than từ Nga, trong khi lệnh cấm vận dầu dự kiến có hiệu lực vào tháng 12. Việc áp đặt giới hạn giá sẽ chặn xuất khẩu xăng dầu của Moskva sang các nước thứ ba sử dụng các tàu đã đăng ký EU. Khối này đã trừng phạt tất cả các tàu vận chuyển của Nga.
Theo đề xuất, các tàu của EU sẽ từ chối chở dầu của Nga nếu dầu được định giá cao hơn mức giới hạn, mức giới hạn giá dầu này vẫn chưa được xác định.
Trong khi đó, Hungary cho biết giới hạn giá sẽ không áp dụng đối với dầu được vận chuyển qua đường ống.
Các biện pháp chống Nga được Mỹ và các đồng minh áp đặt khiến giá dầu tăng vọt, trong khi nguồn thu của Nga từ xuất khẩu tăng vọt so với trước khi có lệnh cấm vận.
Các biện pháp trừng phạt cũng khiến EU phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng. Tuy nhiên, lãnh đạo khối đã tuyên bố sẽ hỗ trợ Ukraine vô thời hạn và trong mọi trường hợp.
Nga tuyên bố sẽ không tuân thủ kế hoạch áp giới hạn giá dầu. Phó Thủ tướng Alexander Novak cảnh báo Nga sẽ từ chối bán nhiên liệu cho các quốc gia tìm cách thực thi hoặc tuân theo quy định này.
Nga có thể bán cho những khách hàng mua dầu nước ngoài khác. Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ là ba nhà nhập khẩu lớn nhất ngoài EU đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga và không nước nào có nghĩa vụ phải tuân theo các lệnh trừng phạt mới theo dự kiến cuả EU.
Trong khi 90% đội tàu vận chuyển dầu toàn cầu được bảo hiểm bởi các công ty có trụ sở tại London (Anh), Trung Quốc và Ấn Độ đã chấp nhận bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm của Nga.