Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phóng viên chiến trường kể chuyện trực chiến quay cảnh B-52 bị bắn hạ năm 1972

(VTC News) -

Nhà báo Phạm Việt Tùng kể quá trình tác nghiệp gian khó để ghi lại những bức ảnh, thước phim quay cảnh máy bay B-52 của Mỹ bốc cháy trên bầu trời Hà Nội năm 1972.

Sáng 15/12, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hà Nội) tổ chức tọa đàm và trưng bày chuyên đề "Báo chí xung trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 – 12/2022). 

Khu vực trung bày các kỷ vật, hình ảnh tư liệu của các nhà báo chụp được trong chiến dịch "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không" năm 1972.

Tại buổi tọa đàm, các nhân chứng, cựu phi công, chiến sỹ phòng không bắn rơi B-52, các nhà báo trực tiếp tham gia sự kiện 12 ngày đêm và một số chuyên gia lịch sử chia sẻ về chiến thắng vẻ vang, nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trên mặt trận thông tin đối ngoại, báo chí tác động trực tiếp vào việc giành thắng lợi trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. 

Bộ ảnh "Cả bốn biển hoan hô Hà Nội" của tác giả Tố Hữu.

Để có được những bức ảnh, thước phim quay cảnh máy bay B-52 của đế quốc Mỹ bốc cháy trên bầu trời Hà Nội năm 1972, nhà báo, NSƯT Phạm Việt Tùng, nguyên Đạo diễn, NSƯT Ban vô tuyến truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam, đã dành rất nhiều thời gian để quan sát, tìm các điểm cao để đặt máy quay.

Theo nhà báo Phạm Việt Tùng, để quay được hình ảnh B-52 bay trong quá trình bay và khi bị bắn hạ, người phóng viên phải tính toán rất kỹ bởi B-52 luôn bay ở độ cao lớn, thường bay vào ban đêm, đặc biệt là trời mùa đông năm 1972 nhiều mây và sương.

“Buổi sáng, chúng tôi phải đi tìm các tòa nhà cao tầng để có thể đặt máy quay. Thời điểm đó ở Hà Nội nhà cao tầng rất ít. Phóng viên cũng phải biết được hướng tên lửa bay lên, vì thế phải tính toán tìm điểm cao nhất để quay. Chập tối, nghe tin máy bay địch còn cách thành phố 100 km là ngay lập tức chúng tôi có mặt ở địa điểm đã chuẩn bị trước để trực chiến”, nhà báo Phạm Việt Tùng kể.

Ông cho hay, lực lượng phóng viên thời đó rất mỏng, vì phải chia ra hai cánh sẵn sàng tác nghiệp tại Hà Nội và một nhóm khác đi sơ tán, để bảo vệ các máy móc, thiết bị. “Việc sơ tán nhằm bảo toàn lực lượng, nếu phóng viên quay phim ở chiến trường không may hy sinh thì còn có người khác thay thế”, nhà báo Phạm Việt Tùng chia sẻ.

Nhà báo Phạm Việt Tùng đang giới thiệu về những bức ảnh quý mà ông chụp được trong trận chiến "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không" năm 1972.

Chia sẻ trong buổi toạ đàm, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết, những bức ảnh, thước phim trong cuộc chiến "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không" đã gây chấn động toàn thế giới.

Giữa lúc các tên lửa phòng không và pháo cao xạ của ta nối đuôi nhau bay lên không trung, làm rực sáng bầu trời đêm Hà Nội và một số địa phương khác, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ thì những mũi tiến công của báo chí như Báo Nhân Dân vẫn xuất bản báo hàng ngày suốt 12 ngày đêm khói lửa.

Ngoài ra, lực lượng báo chí từ Quân đội Nhân dân, Phòng không – Không quân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam... đã thông tin chính xác, kịp thời, tích cực động viên, cổ vũ quân và dân ta chiến đấu và chiến thắng. 

Ông Lợi khẳng định, báo chí đã góp phần to lớn trong công tác thông tin đối ngoại, tác động trực tiếp vào việc giành thắng lợi trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, góp phần buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris và rút khỏi Việt Nam đồng thời là cơ sở đặt dấu chấm hết cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào ngày 30/4/1975.

Báo chí với hệ thống hùng hậu, hoạt động thống nhất dưới sự chỉ đạo của Đảng đã đạt hiệu quả cao, trực tiếp góp phần xây đắp niềm tin vào thắng lợi cuối cùng. 

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi toạ đàm.

Đến nay, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tuy đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau nhưng vẫn tiếp tục là đề tài thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, của công chúng trong và ngoài nước. 

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tin tưởng rằng, qua các tư liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày, chúng ta có cơ hội tiếp cận rõ hơn, thấy được chính xác hơn những giá trị lớn của câu chuyện kỳ tích lịch sử này, từ đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo đến những đóng góp của các nhà báo.

Sự xông pha quyết liệt của những cơ quan báo chí, của các nhà báo lớp trước với vũ khí thông tin sắc bén trong tay đã khiến 12 ngày đêm khói lửa 50 năm trước thực sự trở thành một bài ca chiến thắng về nghề báo, cống hiến lớn cho sự nghiệp báo chí nước nhà.

Trưng bày chuyên đề "Báo chí xung trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" kể lại câu chuyện về Bác Hồ với Lực lượng Phòng không - Không quân, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng quân dân cả nước làm nên Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, qua những hình ảnh mà các nhà báo ghi lại được.

Các tác phẩm được trưng bày thể hiện sự xông xáo, quả cảm của các nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử, điển hình là phóng viên Vũ Ba (Báo Quân đội nhân dân), Trịnh Hải, Đỗ Quảng, Phạm Thanh (Báo Nhân Dân), Chu Chí Thành, Minh Lộc (TTXVN). 

Tủ trưng bày gồm 50 tài liệu, hiện vật về sự kiện "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không" như: các số báo tiêu biểu của Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Thống Nhất, Hà Nội mới, Giải Phóng... và một số hình ảnh tiêu biểu, một số kỷ vật được làm từ xác máy bay, vỏ đạn đại bác như lọ hoa, hộp đựng. 

Trưng bày kéo dài đến hết tháng 1/2023.

Ngô Nhung

Tin mới