9h30, trong căn phòng rộng 30m2 (Gia Lâm, Hà Nội), bà Phạm Xuân Vân (90 tuổi) cẩn thận hướng dẫn sinh viên đưa từng chiếc kim vào huyệt của 9 chú chó, mèo bị liệt được buộc chặt trên bàn.
Đưa tay nhẹ nhàng lên phần chân bị liệt của chú chó nhỏ tên Beo, bà Vân cẩn thận chỉ cho Sâm (học viên của phòng khám) cách thực hiện châm cứu. Thi thoảng bà Vân xoa nhẹ đầu thú cưng để nó giảm bớt đau đớn.
Rời bàn của Sâm, cụ bà 90 tuổi đi một vòng quanh phòng, huyệt nào các bạn sinh viên châm chưa chuẩn, bà lại đến gần chỉ bảo tận tình, hướng dẫn từng bạn cách thực hiện đúng nhất. Với bà cụ châm cứu cho chó mèo, cũng giống như chữa bệnh cho người, phải thật chính xác mới mang lại hiệu quả.
Bà Vân là thế hệ giảng viên đầu tiên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Bà có nhiều năm kinh nghiệm trị bệnh cho vật nuôi bằng phương pháp châm cứu ở trong và ngoài nước. Sau khi về hưu, bà không nghỉ mà nhận dạy khám, chữa bệnh miễn phí cho thú cưng bằng phương pháp châm cứu.
Năm 2012, sau nhiều nỗ lực của bà Vân cùng các bạn sinh viên khoa Thú y - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội thành lập phòng khám thú y cộng đồng, từ căn nhà được nhà trường cho mượn. "Phòng khám này được mở với mục đích giúp các bạn sinh viên nắm vững, phát triển phương pháp châm cứu cho vật nuôi", bà Vân nói.
Bà Vân chia sẻ, cách đây 3 năm, nơi này rất đơn sơ, không bàn ghế, tủ hay dụng cụ thuốc men gì. Mọi vật tư đều được bà cùng các bạn sinh viên tự lo. Những "vị khách" đầu tiên của phòng khám là chó, mèo bị bỏ rơi được sinh viên mang về. Bà nhớ mãi "vị khách" lúc đó là chú chó đen được mang về từ bãi rác khắp người lở loét, chân bị liệt. Sau nhiều tháng chữa trị, chú chó khỏe mạnh, có thể đi được. Mọi người đặt tên cho nó là Lucky, với hy vọng sẽ mang lại may mắn cho nó.
Tiếng lành đồn xa, với tay nghề châm cứu có tiếng của bà Vân, cùng sự chăm sóc tận tình từ sinh viên, phòng khám dần được nhiều người biết đến. Có người ở tận TP.HCM cũng đưa thú cưng về đây điều trị. Thời gian này phòng khám nhận chăm sóc 40 thú cưng. "Phòng khám nhận được tài trợ trang thiết bị từ một số cơ sở, doanh nghiệp nên cải tạo lại nơi ở, mua sắm thuốc men cho vật nuôi", bà Vân nói.
90 tuổi nhưng ngày nào bà Vân cũng bắt xe ôm đến phòng khám, kiểm tra công việc cũng như sức khỏe các con vật tại đây. Bà nhớ tên từng con, bệnh tình chúng ra sao. Phần lớn thú cưng tại đây đều mắc các triệu chứng như liệt chân, rối loạn chức năng chuyển hóa, bí tiểu, động kinh…
Một buổi làm việc của bà Vân và các bạn sinh viên tại phòng khám bắt đầu lúc 7h30. Các bạn đến sớm, dọn dẹp, vệ sinh cho chó mèo. Những con bị lở loét sẽ được sát trùng vết thương, sau đó cho ăn.
Sau khi vệ sinh, chó mèo được đưa vào khu châm cứu. Lúc này các sinh viên thay nhau xoa bóp cho chúng.
9h các bài châm cứu sẽ được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bà Vân. Bà cho biết cứ 20 ngày châm cứu, thú cưng sẽ nghỉ 10 ngày, sau đó tiếp tục liệu trình cho đến khi khỏi bệnh.
Nhiều lần châm cứu, bà Vân và sinh viên bị chó mèo cào, cắn chảy máu.
Để tránh những sự cố xảy ra, bà cùng sinh viên thiết kế ra bàn châm cứu. Những con thú lớn sẽ được bà cùng các bạn cố định lên bàn châm, bên dưới đặt khăn mềm tránh bị chó mèo cào, cắn. Những con nhỏ không thể đặt nằm trên bàn châm sẽ được giữ bằng tay.
Hầu hết vật nuôi tại phòng khám đều được chữa khỏi, nhưng vẫn có trường hợp không may mắn. Nếu chó, mèo ở thể trạng nặng không thể đi lại, bà Vân cùng sinh viên làm xe lăn để chúng di chuyển. Toàn bộ chi phí chữa trị cho vật nuôi tại phòng khám hoàn toàn miễn phí, chủ vật nuôi chỉ cần đóng góp phần tiền ăn cho thú nuôi trong suốt quá trình điều trị.
Nam, 22 tuổi, sinh viên năm cuối khoa Thú y, một trong những tình nguyện viên tại phòng khám, chia sẻ làm việc ở đây được hơn 1 năm. Với Nam, bà Vân là người cô, người bà nghiêm khắc, không chỉ dạy học trò cách châm cứu mà bà còn dạy các cháu tình yêu thương đối với động vật.