Phim điện ảnh Cám được thực hiện bởi bộ đôi NSX Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn. Câu chuyện phim là dị bản kinh dị đẫm máu lấy cảm hứng từ truyện cổ tích nổi tiếng Tấm Cám.
Nội dung chính của phim xoay quanh Cám - em gái cùng cha khác mẹ của Tấm đồng thời sẽ có nhiều nhân vật và chi tiết sáng tạo, gợi cảm giác vừa lạ vừa quen cho khán giả.
Tuy nhiên, Cám không phải là câu chuyện cổ tích mà bạn từng biết, đừng mong chờ những khung cảnh quen thuộc, êm đềm hay cái kết có hậu. Thay vào đó, bộ phim kéo người xem vào một thế giới khác, nơi những mâu thuẫn gia đình Tấm Cám đan xen với các phân cảnh kinh dị, đầy máu me.
Trong phim, Cám (Lâm Thanh Mỹ đóng) từ khi sinh ra đã mang khuôn mặt xấu xí, bị chính mẹ ruột (Thúy Diễm) đối xử tệ, còn dân làng xem cô như quái vật. Trái ngược, chị Tấm (Rima Thanh Vy) là nữ trưởng tài sắc vẹn toàn, là niềm hãnh diện của cha cô - Lý trưởng Hai Hoàng (Quốc Cường).
Phim đào sâu vào hành trình “hắc hóa” của nhân vật Cám, từ một thiếu nữ hiền hòa sau khi bị một thực thể thao túng đã trở thành một ác quỷ lòng đầy căm hận. Đạo diễn Trần Hữu Tấn cùng nhà sản xuất Hoàng Quân đã khéo léo biến câu chuyện dân gian thành một hành trình trả thù rùng rợn và đẫm máu.
Với gương mặt hiền phúc hậu và giọng nói thanh thoát của Lâm Thanh Mỹ, khi Cám chuyển biến tăng cấp hắc hoá, khán giả càng ngạc nhiên với chất giọng ma mị.
Trong khi đó Rima Thanh Vy lại là một nhân tố cho thấy nỗ lực thử nghiệm màu sắc mới trong vai Tấm hiền lành, cương quyết và dần thuyết phục người xem với đoạn bùng nổ cuối phim.
Cặp vợ chồng Hai Hoàng - Bà Kế của Quốc Cường và Thuý Diễm cũng đóng vai trò dẫn dắt người xem qua nhiều bất ngờ trong lần đầu tham gia một dự án thuộc thể loại kinh dị, cả hai đều có những phân đoạn gây rợn, khác xa vẻ đáng kính của vợ chồng ông lý trưởng. Đặc biệt, nhân vật của Thuý Diễm hiện lên một bà mẹ kế đỏng đảnh, duyên dáng nhưng cũng đầy nỗi niềm.
Trong phim, những nhân vật trong truyện cổ tích vẫn được giữ nguyên nhưng cuộc đời, tính cách của họ đã có nhiều thay đổi.
Một vài chi tiết quan trọng trong chuyện cổ tích cũng được thay đổi trong bộ phim lần này. Người cho cá Bống ăn lại chính là Cám. Thái tử nhặt được đôi hài của Tấm ở rừng, chứ không phải dưới sông.
Ngoài ra, cảnh thử hài tưởng chừng tươi sáng như trong cổ tích lại rùng rợn với đôi chân loang lổ của Cám. Đặc biệt nhân vật "ông Bụt" chính là một ác linh. Câu hỏi "Vì sau con khóc?" trở nên ghê sợ mỗi khi "ông Bụt" trong phim Cám xuất hiện.
Một nhân vật cổ tích quen thuộc của Việt Nam – thằng Bờm cũng xuất hiện trong phim. Nhân vật này cũng có vai trò đặc biệt với Cám.
Bên cạnh đó, một điểm cộng của phim là trang phục và bối cảnh của phim được chăm chút tỉ mỉ, từng chi tiết đậm chất văn hóa Việt Nam được tái hiện. Khán giả có thể cảm thấy như thể mỗi bộ cổ phục đều chứa đựng một bí mật đen tối, mỗi ngôi nhà đều giấu kín những tội ác chưa từng được tiết lộ. Mỗi cảnh làng quê, lễ hội hay kinh thành không chỉ đơn thuần là nơi sinh sống của con người, mà là nơi những bóng ma vẫn còn lang thang, lặng lẽ quan sát.
Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến là gương mặt dị dạng của Cám, với một nửa mặt bị chảy xệ. Đó là chưa kể những phân đoạn lột da, róc thịt đầy ám ảnh. Nhạc phim cũng rất hợp với không khí cổ kính, rờn rợn của phim. Với những làn điệu dân gian được phối lại rất êm tai, phục vụ tốt cho các tình tiết của phim.
Chọn Tấm Cám là câu chuyện để phát triển thành phim kinh dị cũng là lựa chọn thông minh của ê-kíp. Bởi truyện gốc đã có những yếu tố rùng rợn, rất có tiềm năng để phát triển thành phim. Hơn nữa do tính chất nhiều dị bản của truyện cổ tích, nên đạo diễn và biên kịch cũng có nhiều không gian để sáng tạo.
Tuy nhiên đây cũng chính là điều khiến phim vẫn còn một số hạn chế. Trong số đó, kịch bản còn nhiều điểm chưa hợp lý, đặc biệt là ở tuyến nhân vật phản diện và một số tình tiết phi logic. Phần kỹ xảo, dù có những tiến bộ nhưng vẫn còn khá giả khi chiếu ở những góc cận.
Bộ phim được mở đầu khá dài với nhiều chi tiết, thậm chí còn có màn hồi tưởng về thời ấu thơ của Tấm Cám. Tuy nhiên tới hơn nửa thời lượng phim vẫn chỉ xoay quanh cảnh Cám bị mọi người hắt hủi, xa lánh. Trong khi đó, phần kết của phim lại kết thúc một cách chóng vánh. Diễn biến cảm xúc của nhân vật Tấm khi bị chiếm thân xác chỉ vỏn vẹn trong vài phút.
Khi bộ phim đã mở ra một điều bất ngờ khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về cái kết của truyện cổ tích, nhưng có thể khiến một số khán giả cảm thấy chưa đủ thuyết phục trong cách giải quyết các bí ẩn mà phim đã xây dựng trước đó. Điều này có thể là một điểm khiến khán giả tiếc nuối.
Với thời lượng 122 phút, phim bị cho là vẫn khá dài dòng. Trong phim, một số phân đoạn bị cắt xén đột ngột cũng khiến nhiều người khó chịu. Ngoài ra, giọng nói của một số nhân vật phải lồng tiếng như Tấm, Thái Tử hay Bờm cũng khiến tổng thể bộ phim bị mất cảm xúc.
Dù vậy, Cám vẫn đang là bộ phim đáng để khán giả bỏ tiền tới rạp, nhất là trong bối cảnh phim Việt gần như đang cạn kiệt đề tài, thiếu những tác phẩm có tính chất khác lạ, đột phá.
Trailer phim "Cám".