Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana yêu cầu khoảng 200 tàu Trung Quốc mà ông mô tả là tàu dân quân ngay lập tức rời khỏi khu vực nhưng Trung Quốc đã phớt lờ, ngang nhiên khẳng định nước này sở hữu vùng lãnh thổ ngoài khơi và các tàu đang trú ẩn khi biển động.
Các tàu Trung Quốc ở Bãi Ba Đầu trên Biển Đông. (Ảnh: AP)
Tướng Philippines Cirilito Sobejana sau đó đã ra lệnh triển khai thêm các tàu hải quân tăng cường tuần tra. Tuy nhiên quân đội Philippines không cho biết các tàu hải quân Philippines sẽ được điều động đến mức nào. Người phát ngôn quân đội Philippines, Thiếu tướng Edgard Arevalo cho biết việc nước này tăng cường hiện diện hải quân trong khu vực nhằm trấn an và bảo vệ người dân khỏi bị quấy rối.
Philippines đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc. Bắc Kinh phủ nhận các tàu này là của lực lượng dân quân hàng hải.
Bên cạnh đó, các quan chức quân sự Philippines đã thảo luận với quân đội Trung Quốc hôm 24/3 và truyền đạt yêu cầu của ông Lorenzana yêu cầu các tàu Trung Quốc rời đi.
Đồng thời, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định lập trường của Manila trong cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên (Huang Xilian).
Ông Greg Poling, một chuyên gia từ Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, cho biết gần đây có nhiều tàu đánh cá và dân quân Trung Quốc thường xuyên lui tới Bãi Ba Đầu. Ông cho biết việc triển khai này không phải là mới nhưng con số đang tăng lên.
Liên quan đến diễn biến này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia biển và là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi Công ước.
Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", người phát ngôn nói thêm.