Một nghiên cứu của Đại học Cambridge đã tìm ra bằng chứng có nước trên bề mặt chỏm băng vùng cực Nam của Hỏa Tinh mà không sử dụng radar.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tồn tại sự sống của người ngoài hành tinh. (Ảnh: NASA)
Tuy nhiên, điều này không cho thấy từng có sự sống xuất hiện trên hành tinh này. Nó chỉ chứng minh rằng rất có thể điều kiện thời tiết trên Hỏa tinh đã từng thích hợp cho sự sống ngoài Trái Đất, các nhà khoa học khẳng định.
Theo Bloomberg, giống với Trái Đất, Hỏa tinh có chỏm băng lớn ở hai đầu cực Bắc và Nam. Diện tích của chúng tương đương dải băng Greenland, khối băng lớn thứ hai trên Trái Đất, sau tấm băng Nam Cực.
Khí hậu ở Hỏa tinh từng là nơi thích hợp cho sự sống. (Ảnh: PA)
Khác với dải băng ở Trái Đất có mạch nước ngầm hoặc thậm chí là hồ băng chạy phía bên dưới, ở Hỏa tinh, chúng luôn được cho là chứa chủ yếu nước đóng băng do khí hậu lạnh giá. Lượng nước đóng băng mà vùng này chứa có thể bao phủ cả hành tinh với một lớp nước sâu khoảng 11 m, NASA cho biết.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Cambridge đã chứng minh có nước ở thể lỏng trên Hỏa tinh. Cụ thể, hai yếu tố quan trọng mỗi khi tìm kiếm hồ dưới băng trên Trái Đất đã được phát hiện trên Hỏa tinh, tiến sĩ Frances Butcher của Đại học Sheffield khẳng định.
“Nước lỏng là thành tố quan trọng của sự sống. Nhưng phát hiện của chúng tôi không đồng nghĩa với việc có sự sống trên hành tinh”, ông cho biết thêm.
Theo tiến sĩ, để tồn tại dưới dạng lỏng với nhiệt độ thấp trên Hỏa tinh, phần nước dưới chỏm băng ở cực Nam phải rất mặn, khiến cho các vi sinh vật khó tồn tại trong môi trường này. “Tuy nhiên, chúng ta vẫn có hy vọng rằng trước đây, khi khí hậu ôn hòa hơn, hành tinh đã từng có các sinh vật sinh sống”, Frances Butcher nhận định.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng tia laser trên tàu vũ trụ để đo độ cao của bề mặt chỏm băng. Điều này giúp họ tìm ra vật chất chính xác dựa trên chiều cao của dải băng. Sau đó, họ dùng dữ liệu này để so sánh với mô phỏng hình ảnh nước chảy bên dưới tảng băng bằng máy tính.
Kết quả cho thấy xuất hiện một mảng nước ở dạng lỏng bên dưới tảng băng ở Hỏa tinh, tương tự với kết quả tìm thấy trên radar xuyên băng trước đó của nhóm.
Giáo sư Neil Arnold của Ủy ban Khoa học về Nghiên cứu Nam Cực là người chịu trách nhiệm chính cho nghiên cứu này. Ông cho biết sau khi kết hợp bằng chứng đo bằng tàu vũ trụ, radar với mô phỏng máy tính, các nhà khoa học đã kết luận ít nhất vẫn còn một vũng nước ngầm dưới băng tồn tại trên Hỏa tinh đến tận ngày nay.
“Địa hình và khí hậu trên Hỏa tinh vẫn có khả năng chứa nước bên dưới các tảng băng”, giáo sư nhận định.
Nghiên cứu đã kết hợp kết quả từ laser của tàu vũ trụ với hình ảnh mô phỏng trên máy tính, cho thấy một khu vực khả năng có nước dạng lỏng ở Hỏa tinh. (Ảnh: University of Cambridge)
Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Cambridge với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Đại học Sheffield và Đại học Mở. Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên Nature Astronomy - một tạp chí của giới nghiên cứu.
Trước đó, vào năm 2018, các nhà khoa học đã từng dùng radar của vệ tinh Mars Express để nhìn xuyên qua các dải băng trên Hỏa tinh.
Khi đó, một khu vực nằm dưới chỏm băng đã phản xạ sóng radar của nhóm, cho thấy rất có thể có nước dạng lỏng ở dưới bề mặt này. Song, nhiều nghiên cứu sau đó đã phản bác rằng đó chỉ là một vật liệu có khả năng phản xạ sóng. Bên cạnh đó, họ cho rằng phải có một nguồn nhiệt để nước dạng lỏng tồn tại dưới mặt băng.