Giới kinh doanh Mỹ đang tích cực vận động Tổng thống Donald Trump sớm mở lại hoạt động kinh doanh. Các cuộc điện thoại từ những người bạn làm ăn cũ vẫn đổ tới. Ngay cả các cố vấn kinh tế và những người khác trong Nhà Trắng cũng nói với ông rằng các giải pháp đã có kết quả và có thể "nới lỏng" để kinh tế trở lại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại buổi họp báo ngày 10/4, khi ông thừa nhận việc có mở cửa lại nền kinh tế hay không sẽ là "quyết định lớn nhất của cuộc đời". (Ảnh: NYT)
Trong khi đó, hình ảnh những bệnh viện quá tải trên TV vẫn khiến ông bị ám ảnh. Các chuyên gia y tế công cộng nói với ông rằng những gì đang làm đang có hiệu quả nên đừng nới lỏng.
Bài toán ông đang đối mặt là, hàng chục nghìn người có thể chết hay để hàng triệu việc làm mất đi. "Tôi sẽ phải đưa ra quyết định và tôi chỉ hy vọng với Chúa rằng đó là quyết định đúng đắn", ông Trump nói hôm thứ sáu (10/4) trong cuộc họp báo hàng ngày về cuộc chiến chống lại đại dịch, đã giết chết hơn 18.000 người Mỹ và hơn 16 triệu người thất nghiệp. "Nhưng tôi có thể nói mà không nghi ngờ gì rằng đây là quyết định lớn nhất mà tôi phải từng đưa ra", ông nói thêm.
Nắm bắt các ước tính mới về số người chết thấp hơn dự kiến, tổng thống báo hiệu rằng ông muốn bắt đầu kinh doanh lại trên cơ sở các hướng dẫn cách ly tại nhà của ông hết hạn vào 30/4. Trump tuyên bố đã giao nhiệm vụ lên kế hoạch này cho một nhóm chuyên trách. Nhưng ông cũng hứa sẽ lắng nghe các quan chức y tế công cộng, vốn có cảnh báo về việc không nên nới lỏng các biện pháp cách ly quá sớm.
Trên thực tế, quyết định khi nào và làm thế nào để mở lại hoạt động không hoàn toàn ở Trump, vì ông vốn không bao giờ ra lệnh đóng cửa. Các sắc lệnh yêu cầu người dân ở nhà được ban hành bởi các thống đốc tiểu bang. Nhưng tổng thống đã ban hành các hướng dẫn không ràng buộc, thúc giục dừng các hoạt động thường nhật cho đến cuối tháng.
Tuy nhiên, nếu Trump đưa ra hướng dẫn mới, nói rằng việc mở lại hoạt động hoặc hướng dẫn cách khôi phục hoạt động kinh tế an toàn thì nhiều tiểu bang rất có thể sẽ tuân theo hoặc cảm thấy áp lực từ các doanh nghiệp và cử tri để giảm bớt các hạn chế.
Trump nói sẽ cần đảm bảo đất nước khỏe mạnh để khôi phục hoạt động hoàn toàn vì không muốn phải đưa ra các hạn chế lại lần nữa. Nhưng ông cũng nói thêm rằng, tình trạng "tê liệt" hiện tại là không ổn. "Bạn biết gì không? Ở nhà chẳng làm gì cũng dẫn đến cái chết", ông phân tích, "Đó là một điều đau thương cho đất nước".
Đến ngày 10/4, số người chết vì Covid-19 được xác nhận đã hơn 100.000. Tại Mỹ, số người chết đã vượt Tây Ban Nha và chỉ đứng sau Italy. Câu hỏi chính đang chi phối các thảo luận ở Washington, New York và các nơi khác là sẽ mất bao lâu cho đến khi đất nước có thể bắt đầu trở lại bình thường.
Thống đốc Andrew M. Cuomo ở New York, bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cho biết bất kỳ việc nới lỏng các hạn chế nào cũng cần phải tiến hành cùng với xét nghiệm diện rộng trên hàng triệu công nhân trước. Trong khi đó, Trump cho rằng không cần xét nghiệm tất cả mà chỉ nên sàng lọc tập trung tại các khu vực bị ảnh hưởng nhất.
Các dự báo mới của chính phủ Mỹ tuần này đã kết luận rằng các lệnh ở nhà, đóng cửa trường học và giãn cách xã hội đã làm giảm đáng kể lây lan. Nhưng báo cáo cũng lưu ý rằng, nếu dỡ bỏ lệnh chỉ sau 30 ngày, như những gì tổng thống đang cân nhắc, có thể dẫn đến nguy cơ tái bùng phát dịch.
Video: Ông Trump khoe kết quả âm tính lần 2 với virus corona
Trước đây, Nhà Trắng chấp nhận dự báo rằng ước tính có 100.000 Mỹ chết vì đại dịch. Nhưng nay dự báo đã được sửa đổi thành khoảng 60.000, nhờ biện pháp cách ly xã hội. Tuy nhiên, Trump nghĩ rằng sự thật sẽ vẫn như con số ban đầu vì 60.000 là một con số đã giảm đi nhiều một cách khó tin.
Nhưng các cố vấn y tế công cộng của ông có cách tiếp cận thận trọng hơn. Tiến sĩ Deborah L. Birx, điều phối viên đại dịch Nhà Trắng cho rằng Mỹ vẫn chưa đến đỉnh dịch. Bà lưu ý rằng không có xét nghiệm diện rộng, các chuyên gia chỉ nhìn thấy những trường hợp nghiêm trọng nhất. "Đây có phải là đỉnh của tảng băng trôi, hay là một nửa tảng băng trôi, hay 3/4 tảng băng trôi?", bà đặt vấn đề.
Có 5 quan chức chính quyền cho biết rất khó có khả năng Trump sẽ gia hạn các hướng dẫn ở nhà sau ngày 30/4. Họ nói thêm rằng tổng thống sẽ tìm cách dỡ bỏ các biện pháp cách ly, ngay cả khi đó không phải là hành động hoàn toàn mở lại cuộc sống bình thường.
Trump đã có những cuộc trò chuyện, cả chính thức và không chính thức, trong những tuần gần đây với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về cách hỗ trợ nền kinh tế và khi nào có thể mở cửa hoạt động lại. Trong đó, các nhóm vận động hành lang đã trở nên có tiếng nói hơn về sự cần thiết của kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế.
David McIntosh, Chủ tịch Club for Growth cho biết, càng mất nhiều thời gian dừng hoạt động thì nền kinh tế càng khó khăn hơn. "Những gì chúng ta cần bây giờ là một kế hoạch mở cửa lại vì đường cong tăng trưởng đã bị san phẳng", ông nói.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp còn tỏ ra đặc biệt thất vọng rằng chính phủ không thực tế về hậu quả kinh tế của cuộc chiến chống lại Covid-19. Họ cho rằng nhiều rủi ro về sức khỏe của đại dịch không thể giải quyết bằng đóng cửa nền kinh tế. Jacob Wintersteen, một nhà phát triển bất động sản ở Texas cho biết các doanh nghiệp nên có quyền hoạt động nếu họ thấy phù hợp, bất chấp rủi ro.
Các cố vấn kinh tế của tổng thống cũng đặt nền móng cho việc mở cửa lại nền kinh tế. Larry Kudlow, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia, cho biết trong tuần này trên Fox Business Network rằng ông có thể hình dung việc quay trở lại làm việc trong vòng bốn đến tám tuần tới.
Ông Mnuchin nói trên CNBC rằng, điều này có thể xảy ra ngay sau ngày 1/5. Ông Kushner và Peter Navarro, hai cố vấn thương mại của tổng thống cũng đã nói về việc mở cửa lại càng nhanh càng tốt, vì sợ rằng các ngân hàng sẽ bắt đầu gặp vấn đề thực sự nếu tiếp tục dừng hoạt động đến tháng 5.
Nhiều chuyên gia cảnh báo tăng trưởng sẽ chậm khi hoạt động trở lại vì mọi người vẫn cảnh giác với các hoạt động thông thường trước khi đất nước có xét nghiệm sâu rộng hơn. Một cuộc khảo sát các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và những người tham gia thị trường trong tuần này của S&P Global cho thấy, chỉ có 12% số người được hỏi tin rằng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi nhanh chóng.
Việc khởi động lại nền kinh tế nhanh chóng, cũng có thể mang lại rủi ro. Bởi lẽ, nếu chính phủ nói người dân trở lại cuộc sống bình thường và sau đó nhiễm bệnh tăng trở lại thì điều đó có thể xóa sạch sự lạc quan của người tiêu dùng, và dẫn đến một cuộc suy thoái kéo dài hơn, tai hại hơn.
Karl Smith, Phó chủ tịch chính sách liên bang tại Tax Foundation (Washington) nói không chắc liệu tác động của đại dịch sẽ chấm dứt vào tháng 6 hay bất kỳ thời điểm nào gần đó. "Ngay cả sau khi những hạn chế chính thức được dỡ bỏ, rất nhiều người chưa chắc quay trở lại ngay với cuộc sống bình thường. Các công ty vẫn lo lắng việc công nhân có khả năng gặp rủi ro", ông nói thêm.