Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Du khách hoang mang, các hãng hàng không quốc tế lao đao sau lệnh cấm của Trump

(VTC News) -

Nhiều hãng hàng không và hiệp hội du lịch, khách sạn cũng như du khách trở tay không kịp trước lệnh cấm đi lại giữa Mỹ và châu Âu vừa được công bố.

Hôm 12/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cấm mọi di chuyển từ các nước châu Âu đến Mỹ trong 30 ngày nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 lan rộng.

Lệnh cấm khiến tất cả trở tay không kịp. Du khách phải bắt vội các chuyến bay trở về, cổ phiếu các hãng hàng không lao dốc không phanh trong khi các khách sạn phải đau đầu xử lý các đơn hủy phòng cuốn đi chỗ lợi nhuận còn lại ít ỏi của họ trong mùa dịch. 

Du khách "khóc" tại sân bay

Vài giờ đầu tiên sau khi Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm, các du khách nháo nhào đặt vé và tra Google. 

Công dân Indonesia Fanny Alda Putri, 28 tuổi, hủy bỏ kỳ nghỉ 8 ngày tới Los Angeles vì không muốn chịu bất cứ rủi ro nào. Putri hiện đang chờ ở hãng hàng không Delta Air Lines để được hướng dẫn hoàn trả tiền vé. 

Các du khách phải gấp rút thay đổi lịch trình trước khi lệnh cấm có hiệu lực. (Ảnh: Getty)

"Tôi nghĩ rằng mọi chính phủ đều có quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự lây lan Covid-19. Tuy nhiên, việc cấm đi lại từ châu Âu có vẻ không công bằng", Putri trả lời phỏng vấn của CNN. 

Trong khi đó, Simon P., chuyên gia an ninh mạng người Pháp sống ở Luxembourg tỏ ra buồn bã khi phải hủy kỳ nghỉ đầu tiên vì lệnh cấm trên.

"Trong đêm, tất cả bạn bè gửi cho tôi ảnh chụp màn hình việc ông Trump ban hành lệnh cấm đối với công dân EU. Vì vậy, tôi đang phải hủy khách sạn, phí thuê xe và vé máy bay, trị giá vào khoảng 2.000 USD", Simon nói. 

Simon cho biết, một số khách sạn cũng than phiền việc hàng nghìn cuộc gọi hủy phòng từ châu Âu. 

Tại các sân bay châu Âu, nhiều người Mỹ không nắm rõ về lệnh cấm. Ban đầu họ tin rằng phải rời châu Âu ngay lập tức vì lo sợ sẽ không thể quay trở lại Mỹ. Nhiều người sau đó vẫn quyết định rời khỏi EU, vì lo ngại Tổng thống Trump có thể mở rộng thêm đối tượng hạn chế di chuyển.

Du khách Mỹ Molly Butcher, 56 tuổi, tìm mọi cách để rời Anh trên chuyến bay của Eurostar trước ngày 13/3. 

"Chúng tôi chỉ muốn về nhà.", Butcher nói khi đang đứng ở sân bay Heathrow của London.

Tại sân bay El Prat ở Barcelona (Tây Ban Nha), các du khách Mỹ xếp hàng dài để mua vé về nước. 

"Tôi thấy một số người Mỹ khóc ở sân bay, họ lo lắng", Muhammad Alameldin, một du khách Mỹ cho biết. 

Do không đủ tiền để bay thẳng, Alameldin phải di chuyển từ Barcelona đến Madrid (Tây Ban Nha), sau đó bay tới thành phố Mexico (Mexico) rồi trở về San Francisco.

Alameldin cũng phàn nàn về quyết định của Tổng thống Trump, vì cho rằng thời gian công bố luật tới lúc có hiệu lực là quá gấp gáp. 

Tại sân bay quốc tế San Diego, vài người Mỹ bày tỏ thông cảm với quyết định của Tổng thống Trump. 

"Ban đầu nghe có vẻ cực đoan, nhưng ông ấy đang cố gắng giữ an toàn cho đất nước. Nếu tình hình tồi tệ như ở châu Âu, ông ấy đang làm những gì có thể để bảo vệ chúng tôi", Myla Johnston, du khách bay từ Sacramento (California) cho biết. 

Các hãng hàng không khốn đốn

Giống với các du khách, nhiều hàng hàng không trở tay không kịp trước lệnh cấm. Ba hãng hàng không lớn của Mỹ là American, Delta và United Airlines cũng không phải là ngoại lệ.

"Tại thời điểm này, tất cả những gì chúng tôi có thể làm là tuân thủ lệnh cấm của chính quyền", người phát ngôn của United Airlines Frank Benenati cho hay. 

Bảng thông báo cho thấy nhiều chuyến bay ở sân bay Frankfurt bị hủy chuyến. (Ảnh: Getty)

 

Ngày 12/3, cả 3 hãng bay đều tuyên bố, họ sẽ tuân thủ yêu cầu hạn chế trên, nhưng không cập nhật bất cứ thay đổi mới nào về hoạt động tại châu Âu. 

"Chúng tôi đang liên hệ với chính phủ liên bang để hiểu và tuân thủ chỉ thị này. Sức khỏe và sự an toàn của khách hàng và phi hành đoàn vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", người phát ngôn của American Airlines Ross Feinstein cho biết.

Hãng Delta mới đây công bố chính sách mới cho khách du lịch đến và đi châu Âu. Trong đó các hành khách trên các chuyến bay đến hoặc đi từ nhiều nước EU và Anh (25/2 đến 31/5) sẽ được miễn phí đổi vé. Các du khách cũng sẽ được hoàn lại tiền, nếu chuyến bay bị hủy.

Trong khi đó, một số hãng hàng không khách châu Âu yêu cầu chính phủ các nước phải hành động ngay lập tức để hỗ trợ vào thời điểm khó khăn này. Giá cổ phiếu của toàn ngành hàng không đã lao dốc hôm 12/3 sau khi ông Trump công bố lệnh cấm.

Hãng hàng không Na Uy Norwegian Air Shuttle cho biết, họ phải ngừng khai thác 40% các chuyến bay đường dài và cho nghỉ việc 50% nhân viên sau lệnh cấm. Hãng cũng phải hủy 25% các chuyến bay chặng ngắn tới cuối tháng 5. 

"Lệnh cấm mới đè nặng lên tình hình vốn đã khó khăn. Chúng tôi kêu gọi chính phủ các nước hành động ngay bây giờ, để đảm bảo ngành hàng không có thể duy trì việc", Giám đốc điều hành Norwegian Air Shuttle acob Schram cho hay. 

Cổ phiếu của 2 hãng hàng không hàng đầu của Đức là Air France-KLM và Lufthansa cũng giảm hơn 10%, sau khi lệnh cấm được ban hành. 

Anh không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, nhưng các hãng hàng không nước này cũng không tránh khỏi bị liên lụy. Cổ phiếu của IAG, chủ sở hữu của British Airways giảm 10%. 

Các hãng hàng không của Mỹ như United Airlines, Delta cũng chịu tình cảnh tương tự. Cổ phiếu của Boeing giảm 18%, nối dài chuỗi giảm trong nửa tháng qua. 

Giám đốc điều hành một hãng hàng không nói rằng, đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không, đồng thời nhấn mạnh động thái của Mỹ là một lựa chọn nguy hiểm. 

"Nó làm tôi nhớ tới cuộc khủng hoảng tài chính. Có thể vài hãng hàng không sẽ không trụ nổi qua lệnh cấm này", ông này cho hay. 

Các nhà phân tích dự đoán, lệnh cấm của Mỹ sẽ tàn phá các hãng hàng không nhiều nước, với việc ảnh hưởng tới 3.500 chuyến bay mỗi tuần và tác động tới hơn 800.000 hành khách.

 Hiệp hội du lịch, khách sạn đau đầu

Các lãnh đạo của Hiệp hội Khách sạn & Nhà nghỉ Mỹ (AHLA) và Hiệp hội du lịch Mỹ thừa nhận lệnh cấm tác động lớn tới ngành khách sạn, nhưng không lên án mạnh mẽ hành động này.

"Quyết định đình chỉ hầu hết các chuyến du lịch hàng không đến và đi từ châu Âu sẽ làm trầm trọng thêm chuỗi tác động tiêu cực đối với các chủ khách sạn ở Mỹ, 61% trong số đó là các doanh nghiệp nhỏ", CEO của AHLA cho hay. 

Video: Tổng thống Trump công bố lệnh cấm du lịch giữa Mỹ và châu Âu

"Du khách Châu Âu và Châu Á rất quan trọng đối với các doanh nghiệp của chúng tôi. Do đó,  chúng tôi muốn được phối hợp với  chính phủ, nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe cộng đồng đang đối mặt", ông này nói thêm. 

Ông Roger Roger Dow, CEO của Hiệp hội Du lịch Mỹ tin rằng quyết định tạm ngừng du lịch từ châu Âu sẽ làm trầm trọng thêm tác động nặng nề của dịch Covid-19 đối với ngành du lịch. Hiện có khoảng 15,7 triệu người Mỹ phụ thuộc vào ngành du lịch. 

Trong khi đó, Hiệp hội các nhà điều hành tour du lịch Mỹ, Ủy ban du lịch châu Âu, Hiệp hội du lịch châu Âu và Hiệp hội các đại lý du lịch châu Âu lên tiếng phản đối lại lệnh cấm.

Họ cho rằng nó sẽ gây thêm tổn thất cho hoạt động kinh doanh vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đầu mùa dịch và đang để lại hậu quả lâu dài. Các tổ chức này kêu gọi các cuộc đối thoại song phương giữa chính quyền các nước châu Âu và Mỹ để xem xét hủy bỏ lệnh cấm. 

"Trong khi Hiệp hội các nhà điều hành tour du lịch Mỹ (USTOA) hiểu và đánh giá cao sự khẩn cấp đằng sau việc cố gắng ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tại Mỹ, chúng tôi rất ngạc nhiên và thất vọng trước thông báo của chính quyền vừa qua. Đây là một sự nhầm lẫn và không thuận lợi với ngành công nghiệp của chúng tôi", CEO của USTOA cho hay. 

Giám đốc điều hành của Hiệp hội Du lịch châu Âu Tom Tomkins chê trách quyết định của Tổng thống Trump là một "tuyên bố khó hiểu". 

"Ông ấy hạ thấp tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng, sau đó lại kỳ thị cả một lục địa. Đó là một cuộc khủng hoảng toàn cầu và chúng ta cần sự hiểu biết toàn cầu. Sự sợ hãi gây hại nhiều hơn và lây lan nhanh hơn Covid-19", ông nói. 

 

Song Hy (Nguồn: CNN, FT)

Tin mới