Chị Vương Mỹ Hà (48 tuổi) hiện là giám đốc một công ty tư vấn ở TP Thanh Đảo (Trung Quốc). Năm 1994, chị đỗ vào Đại học Công nghệ Hợp Phì (tỉnh An Huy) với 628 điểm. Tốt nghiệp đại học, chị học thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học Hải Dương Trung Quốc.
3 năm ấp ủ dự định
Sau 25 năm, gắn bó với lĩnh vực tư vấn, nay chị quyết định bắt đầu sự nghiệp mới ở tuổi xế chiều. Năm 2023, chị tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học lần 2 và đăng ký vào ngành Y học cổ truyền. Với số điểm 458/750, nữ giám đốc 48 tuổi chính thức trở thành tân sinh viên trường Cao đẳng Y học Cổ truyền Sơn Đông.
3 năm trước, chị gặp vấn đề sức khỏe nên đã tìm hiểu về y học cổ truyền. Trong quá trình đó, chị tìm thấy niềm đam mê của bản thân, nên quyết định thi đại học lần 2 vào ngành này.
Nữ giám đốc 48 tuổi bộc bạch: "Nhiều năm qua tôi gắn bó với ngành tư vấn, tuy nhiên càng lớn tuổi việc cập nhật kiến thức của tôi không bằng người trẻ. May mắn tôi tìm được niềm đam mê với y học cổ truyền ở tuổi này".
Chị Vương Mỹ Hà, 48 tuổi, thi đại học lần 2 vào ngành Y học cổ truyền với mục đích phát triển sự nghiệp mới ở tuổi xế chiều. (Ảnh: China News)
Tân sinh viên 48 tuổi ngành Y mong muốn, sau khi tốt nghiệp đây là công việc gắn với tuổi xế chiều: "Vì tình yêu với y học cổ truyền, tôi tràn đầy hy vọng vào cuộc sống hưu trí". Ban đầu chị nghĩ rất khó để cạnh tranh, khả năng đỗ thấp. Nhưng bằng niềm đam mê, chị liều mình đăng ký thi đại học lần 2.
Học đại học lần nữa, với chị không chỉ thêm kiến thức mới, đó còn là ước nguyện cống hiến và đóng góp cho y học nước nhà. Nữ giám đốc được cả gia đình ủng hộ: "Đây là dự định tôi ấp ủ 3 năm qua, nhưng tôi chỉ bắt đầu ôn tập từ giữa năm 2022. Thời điểm đó, việc nhà đều do chồng tôi đảm nhiệm".
1,5 tháng đọc 6 quyển sách Toán
Khi bắt đầu quá trình ôn thi, chị dành 1,5 tháng đọc lại 6 quyển SGK Toán cấp 3. "Đọc sách xong, tôi nghĩ đề không quá khó. Nhưng bắt tay vào làm, tôi nhận ra khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành rất lớn. Để tham dự kỳ thi vừa qua, tôi phải tập trung hết sức cho việc học", tân sinh viên 48 tuổi tâm sự.
Vương Mỹ Hà cho hay, quá trình ôn môn Toán và Sinh nhờ con gái hướng dẫn: "Con vừa dạy vừa hệ thống lại kiến thức cho tôi. Tôi có trả phí cho 'gia sư', nhưng sau 1 thời gian con chán dạy, tôi đành tự học". Chị chia sẻ đây là 2 môn học ‘ác mộng’, khó nhằn nhất.
Đối với tiếng Trung, Sử và Địa, chị tự ôn kiến thức trong SGK và tài liệu. Công việc của chị những năm qua sử dụng tiếng Anh, nên việc ôn môn này không khó. "Ở tuổi 48, việc học của tôi không dễ dàng, khó nhớ và hay mất tập trung", chị chia sẻ. Thời gian ôn thi, chị cảm giác được trở về hồi sinh viên: “Vì đặt ra mục tiêu rõ ràng nên tôi rất tập trung, do đó hiệu quả đạt được tương đối ổn”.
Cân bằng giữa công việc và ôn thi
Công việc của chị khá bận rộn, rất khó để có thời gian ôn tập hàng ngày. Nhưng chị vẫn cố gắng cân bằng giữa công việc và ôn thi. Chị tranh thủ cuối tuần được nghỉ tập trung cao độ cho việc học.
Trước thi 2 tuần, chị bàn giao công việc cho đồng nghiệp để dành thời gian chuẩn bị. "Lúc này, tôi hệ thống lại các kiến thức ôn cả năm qua. Đồng thời, tôi cũng cố gắng giải quyết triệt để các câu hỏi mô phỏng và nắm chắc kiến thức cơ bản để không mất điểm oan", tân sinh viên trường Y chia sẻ.
Chị kể, ngày đi thi dù có chồng 'hộ tống', nhưng vẫn lo lắng khi bước vào phòng. "Đến điểm thi, ngày đầu bảo vệ tưởng tôi là phụ huynh, nên không cho vào lối thí sinh. Sau đó, tôi phải giải thích bảo vệ mới mỉm cười rồi cho qua", chị nhớ lại.
"Tại điểm thi, tôi là thí sinh lớn tuổi nên trở thành tâm điểm chú ý. Mỗi lần, tôi bước vào và bước ra phòng thi, họ đều nhìn tôi với ánh mắt khích lệ. Lúc này, tôi cảm thấy lựa chọn của bản thân là đúng", chị Vương Mỹ Hà được tiếp thêm sức mạnh từ nhiều người.
Chị chia sẻ, ngày thi cuối được nhân viên an ninh hét lớn cổ vũ: “Cố lên, Vương Mỹ Hà!”. “Giờ nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy ấm áp. Tôi nhận ra việc theo đuổi tri thức không phụ thuộc vào tuổi tác. Chỉ cần có bản lĩnh học hỏi, dám thử thách bản thân và luôn nỗ lực, tôi tin ai cũng làm được", chị nói.
Trải qua 1 năm ôn thi và 3 năm ấp ủ giấc mơ, chị đạt được 458/750 điểm. Trong đó, tiếng Anh cao nhất 110/150 điểm, tiếng Trung là 96/150 điểm, 52/150 điểm môn Toán, Sinh được 60/100 điểm, Sử và Địa đều là 70/100 điểm.
"Vì mục tiêu của tôi là ngành Y học cổ truyền, nên tôi đã tìm hiểu các trường. Tôi biết điểm của mình chỉ đỗ vào trường Cao đẳng Y học Cổ truyền Sơn Đông. Do đó, tôi đã điền một nguyện vọng dứt khoát", chị nói. Mặc dù, điểm không như mong đợi, nhưng người phụ nữ vẫn vui vì nguyện vọng được thực hiện.
48 tuổi bắt sự nghiệp mới
Sau khi bàn giao công việc ở công ty, chị dành thời gian tập trung cho việc học ở trường. Chia sẻ về những ngày đầu hòa nhập môi trường mới, chị cho biết: "Tôi học cùng với nhóm "bạn học nhỏ", thậm chí kém tuổi con gái tôi. So với họ, khả năng nhanh bén của tôi sẽ kém hơn. Tôi cần phải thích ứng về tinh thần và tốc độ học tập cùng lớp. Nhưng tôi tin việc học không chỉ dành cho người trẻ".
Trải qua hơn 1 tháng học tập cao độ, Vương Mỹ Hà cho biết mọi thứ vẫn ổn. Tương lai sau khi tốt nghiệp, chị dự định học liên thông lên đại học chuyên ngành này.
"Tôi coi việc học ở thời điểm này là giai đoạn phát triển sự nghiệp thứ 2. 25 năm trước, tôi bắt đầu sự nghiệp đầu tiên. Tôi tin còn thời gian để tôi từ người mới vào nghề trở thành chuyên gia lĩnh vực này”, chị nói.
Ở tuổi xế chiều, chị coi đây là khởi đầu cho giai đoạn mới của cuộc đời. Trong kế hoạch của chị, 10-15 năm nữa vẫn dành thời gian để học hỏi và tích lũy kiến thức. Bởi chị quan niệm, khi 65 tuổi vẫn có thể áp dụng kiến thức đã học để cống hiến cho xã hội. Nữ giám đốc hy vọng câu chuyện của bản thân sẽ tiếp thêm động lực cho người trẻ cống hiến hết mình về việc nghiên cứu và kế thừa y học cổ truyền Trung Quốc.