Video: Những vườn sầu riêng trĩu quả đang mang lại thu nhập cao cho nông dân miền Tây
Tháng 9/2022, hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thị trường được khơi thông, giá cả sầu riêng có lúc tăng lên mức 150.000 - 200.000 đồng/kg. Lợi nhuận hấp dẫn khiến trái sầu riêng tạo nên một sức hút khó cưỡng đối với nhiều nông dân ĐBSCL, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Lợi nhuận hấp dẫn, nông dân ồ ạt trồng
Những ngày này, anh Trần Thanh Dũng (ngụ xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) rất phấn khởi khi vườn sầu riêng rộng 1ha của gia đình đang trúng mùa được giá.
Vườn sầu riêng của anh Dũng.
Gắn bó với cây lúa nhiều năm nhưng thấy lợi nhuận không cao, 4 năm trước, dù chưa có kiến thức về trồng sầu riêng, anh Dũng bắt tay vào cải tạo 1ha trong số 2ha đất trồng lúa để thử sức với loại cây ăn trái này.
“Lúc đó đi mấy vườn sầu riêng thấy người ta trồng có lợi nhuận nên cũng làm liều. Chứ làm lúa hoài thấy không có lời, mỗi mùa với 1ha đất trồng lúa chỉ lời 10 - 20 triệu đồng thôi”, anh Trần Thanh Dũng thông tin.
Năm nay là năm đầu tiên 200 cây sầu riêng của gia đình ra trái với năng suất đạt trung bình mỗi cây từ 90 - 120kg. Theo dự kiến của gia đình anh Dũng, sản lượng ước từ 10 - 12 tấn, với giá bán hiện tại (120.000 - 130.000 đồng/kg), sau khi trừ hết chi phí gia đình anh lãi khoảng trên 1 tỷ đồng.
Anh Dũng chia sẻ thêm, 2 năm trước khi thấy cây sầu riêng phát triển tốt, anh đã cải tạo 1ha đất ruộng còn lại để trồng sầu riêng.
Theo ghi nhận, ngoài gia đình anh Dũng, toàn xã có khoảng 100 hộ dân trồng sầu riêng.
Đang cải tạo 3.000m2 đất ruộng để trồng sầu riêng, ông Lâm Văn Hiền (ngụ ấp 4, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười) cho biết, đa phần các hộ dân trong khu vực đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng trái cây từ lâu. Riêng với gia đình ông Hiền, do bước đầu chuyển đổi nên ông chỉ mới cải tạo 3.000m2 để trồng sầu riêng và giữ lại 1ha để trồng lúa. Ông Hiền xem đây là thử nghiệm bước đầu với nhiều kỳ vọng.
“Trước đây, giá sầu riêng tầm 40.000 - 50.000/kg, tôi thấy người ta trồng hơn 40 cây sầu riêng trên 3.000m2 đất thôi là thấy đời sống người ta khoẻ hơn tôi khi làm 2ha lúa. Lấy ví dụ trồng mít thôi, với giá mít 10.000 đồng/kg, cũng gấp đôi lúa rồi”, ông Hiền nói.
Lợi nhuận hấp dẫn khiến nhiều nông dân đổ xô trồng sầu riêng trong những năm gần đây.
Không chỉ riêng Đồng Tháp, khoảng 2 đến 3 năm nay, nhiều nông dân ở Cần Thơ, Long An, Tiền Giang… cũng bỏ lúa, mít để chuyển sang trồng cây sầu riêng vì lợi nhuận hấp dẫn. Trong vòng 3 năm, diện tích sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang từ 14.500ha tăng lên hơn 17.600ha. Diện tích sầu riêng của địa phương này vẫn đang tăng lên khi giá sầu riêng tăng cao trong thời gian gần đây.
Tại các tỉnh Tây Nguyên cũng đang diễn ra tình trạng người dân phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn để trồng xen sầu riêng. Đến hết năm 2022, ước tính cả nước có hơn 110.000ha trồng sầu riêng, vượt xa so định hướng phát triển khoảng 65 - 75.000ha của Bộ NN&PTNT tại đề án “Phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Nguy cơ sầu riêng thành “sầu chung”
Giá tăng, diện tích sầu riêng tăng nhanh nhưng chưa thể đảm bảo chắc chắn rằng cảnh trồng - chặt không tái diễn khi nông dân phát triển cây trồng chạy theo giá cả thị trường. Bài học từ những năm trước về việc mít, thanh long, khoai lang, dưa hấu chất đống ở chợ, giá rẻ như cho hay mới đây là cam sành rớt giá còn 1.000 - 2.000 đồng/kg, rụng đầy vườn phải chờ giải cứu.
Anh Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết, hơn 10 năm trồng và kinh doanh sầu riêng, anh chưa từng thấy trái sầu riêng có giá bán hấp dẫn như giai đoạn hiện nay.
Theo anh Lộc, những năm trước giá sầu riêng nghịch mùa dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, cao nhất khoảng 115.000 đồng/kg (cắt tại vườn). Đến năm 2020, ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên sầu riêng thất mùa. Sang năm 2021, vì dịch bệnh nên sức tiêu thụ loại trái cây đặc sản này cũng chậm, có lúc chỉ còn 35.000 đồng/kg.
"Từ tháng 7/2022 nhờ Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc được ký, giá cả mặt hàng này có sự thay đổi. Mặt khác, thời điểm này Thái Lan chưa có sầu riêng nên Trung Quốc vẫn đang tiêu thụ sầu riêng Việt Nam là chủ yếu. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá sầu riêng liên tục tăng", Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp cho hay.
Tuy nhiên, trước việc diện tích sầu riêng tăng liên tục trong các năm qua, anh Lộc cũng tỏ ra lo lắng trước nguy cơ cung vượt cầu như đã từng diễn ra với các loại trái cây khác.
“Giá sầu riêng đang "hot", giá cây giống cũng tăng. Thấy nông dân trồng nhiều quá tôi cũng sợ cung vượt cầu nhưng thật sự cũng không nói trước được điều gì. Giờ thị trường ngoài xuất khẩu là Trung Quốc, cũng có thêm một số nước nên thị trường nên cũng không thể nói trước được”, ônh Lộc nói.
Tại một hội thảo về cây sầu riêng ở Tiền Giang mới đây, đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam cảnh báo, việc ồ ạt chuyển sang cây sầu riêng nguy cơ làm vỡ quy hoạch vùng trồng lúa. Mặt khác, người dân đã nhiều năm trồng lúa, khi chuyển sang cây sầu riêng sẽ không có đủ kinh nghiệm, mua giống không đảm bảo, vùng đất không thích hợp cho loại cây này thì hiệu quả sẽ không như kỳ vọng.
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng vừa có văn bản gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố phía Nam về việc phát triển cây sầu riêng, khuyến cáo phát triển sầu riêng ồ ạt sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Hiện nay tại các địa phương thuộc vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, cây sầu riêng vẫn đang có hiện tượng phát triển nóng, đặc biệt là mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp. Có nơi phá cây cà phê, hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sâu riêng.
Một vườn sầu riêng ở Tiền Giang chết khô trong đợt hạn mặn năm 2020.
Cục Trồng trọt cho rằng, việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, “dội chợ” và nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.
Để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành, Cục Trồng trọt đề nghị các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố phía Nam tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông; việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý.
Thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập chung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
"Các địa phương triển khai đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030; trong đó tập trung định hướng, tích hợp phát triển cây ăn quả trong quy hoạch tỉnh; đề xuất cơ chế, chính sách; thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng trồng cây ăn quả tập trung; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; áp dụng quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn", Cục Trồng trọt lưu ý.
Cục Trồng trọt cũng khuyến nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Theo đó, lập và trình UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; trong đó cần định hướng rõ các vùng lợi thế, vùng phù hợp đối với các cây trồng chuyển đổi; trong đó lưu ý với cây sầu riêng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.
Các địa phương cũng cần tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây sầu riêng; thẩm định, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng sầu riêng; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức liên kết với doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.