Điều này khiến người trồng sầu riêng rất dễ bị thiệt hại nghiêm trọng như những cơn sốt tiêu, cam sành đã từng xảy ra.
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa có văn bản gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố phía Nam về việc phát triển cây sầu riêng, khuyến cáo phát triển sầu riêng ồ ạt sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay tại các địa phương thuộc vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, cây sầu riêng vẫn đang có hiện tượng phát triển nóng, đặc biệt là mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp. Có nơi phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sâu riêng…
Theo Cục Trồng trọt, việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, “dội chợ” và nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.
Giá bán tăng cao khiến nhiều người dân đang chặt bỏ cà phê, tiêu, điều để trồng sầu riêng.
Để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành, Cục Trồng trọt đề nghị các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố phía Nam tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông; việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý. Thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập chung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
"Các địa phương triển khai đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030; trong đó tập trung định hướng, tích hợp phát triển cây ăn quả trong quy hoạch tỉnh; đề xuất cơ chế, chính sách; thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng trồng cây ăn quả tập trung; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; áp dụng quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn", Cục Trồng trọt lưu ý.
Đồng thời, Cục Trồng trọt cũng khuyến nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Theo đó, lập và trình UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; trong đó cần định hướng rõ các vùng lợi thế, vùng phù hợp đối với các cây trồng chuyển đổi; trong đó lưu ý với cây sầu riêng. Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.
Các địa phương tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây sầu riêng; thẩm định, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng sầu riêng; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức liên kết với doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.
Trước đó, ngày 30/11/2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có Chỉ thị về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo. Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ trồng sầu riêng nghiêm túc thực hiện chỉ thị này.