Hôm 30/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký hiệp ước thông qua việc sáp nhập 4 vùng miền Đông Ukraine gồm Cộng hoà nhân dân tự xưng Donetsk (DPR), Cộng hoà nhân dân tự xưng Lugansk (LPR), Kherson và Zaporizhzhia. Trước đó, đa số cử tri bỏ phiếu ủng hộ các khu vực tuyên bố độc lập và gia nhập Nga trong cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại 4 khu vực Ukraine từ ngày 23-27/9.
Phát biểu tại lễ ký hiệp ước sáp nhập, lãnh đạo Nga kêu gọi chính quyền Ukraine tôn trọng sự lựa trọn của nhân dân các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Ông Putin tuyên bố nhân dân Nga sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ bằng tất cả sức mạnh và ý chí, sẵn sàng làm mọi thứ để đảm bảo cuộc sống an toàn của người dân Nga.
Tổng thống Nga Putin bắt tay cùng các lãnh đạo 4 vùng miền Đông Ukraine vừa sáp nhập vào Nga. (Ảnh: RIA Novosti)
Quy trình nhiều bước
Theo Hiến pháp Nga và luật liên bang về việc tiếp nhận các vùng lãnh thổ mới, việc sáp nhập sẽ bao gồm nhiều bước. Đầu tiên, các vùng lãnh thổ mới cần đệ trình đề xuất với Moskva. Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thông báo cho Quốc hội và chính phủ về vấn đề này.
Vào năm 2014, ông Putin ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga chỉ 2 ngày sau khi bán đảo này tổ chức trưng cầu ý dân. Lễ ký hiệp ước sáp nhập thậm chí diễn ra trước khi dự thảo hiệp ước được trình lên Quốc hội.
Hiện 4 vùng ly khai Ukraine và phía Nga đã hoàn tất quá trình này. Tổng thống Vladimir Putin hôm 2/10 trình các hiệp ước về sáp nhập 4 tỉnh Ukraine là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia lên Duma Quốc gia (Hạ viện Nga).
Bước tiếp theo, các văn kiện sẽ được cả hai viện của quốc hội Nga phê chuẩn. Hạ viện, hay Duma Quốc gia Nga, dự định bỏ phiếu phê chuẩn vào 3/10.
Trước đó cùng ngày (hôm 2/10), 4 văn kiện đã được Tòa án Hiến pháp Nga (KSRF) xem xét và công nhận tính hợp hiến. Những điểm chính được Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga công nhận bao gồm, các khu vực DPR, LPR, Kherson và Zaporizhzhia được coi là được chấp nhận vào Liên bang Nga kể từ ngày ký hiệp định (30/09).
Thời gian chuyển tiếp để hội nhập các khu vực mới vào hệ thống kinh tế, tài chính, tín dụng và luật pháp của Liên bang Nga, cũng như vào hệ thống các cơ quan công quyền của Liên bang Nga được thiết lập cho đến ngày 1/1/2026.
Những khu vực mới sẽ giữ nguyên tên hiện tại (Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Cộng hòa Nhân dân Lugansk, các vùng Kherson và Zaporizhzhia). Những người đứng đầu DPR và LPR sẽ được gọi là người đứng đầu các nước cộng hòa, những người đứng đầu vùng Kherson và Zaporizhzhia sẽ được gọi là thống đốc.
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhập vào Liên bang Nga, Tổng thống Putin sẽ bổ nhiệm các người đứng đầu mới ở các nước cộng hoà DPR và LPR, vùng Kherson và Zaporizhzhia.
Người Ukraine và những người không quốc tịch sống trên lãnh thổ của các khu vực mới vào ngày nhập vào Liên bang Nga được công nhận là công dân của Liên bang Nga. Trong khi đó, ngôn ngữ nhà nước của LPR và DPR là tiếng Nga.
Bên cạnh đó, Liên bang Nga đảm bảo tất cả người dân ở các khu vực LPR, DPR, Kherson và Zaporizhzhia có quyền bảo tồn và học ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Theo Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev, đạt được thỏa thuận về việc sáp nhập, Nga sẽ “dự thảo các điều ước quốc tế về việc tiếp nhận các quốc gia nước ngoài hoặc các bộ phận của các nước này” vào Nga.
Sau khi các hiệp ước này được ký kết, Tòa án Hiến pháp Nga cần xác minh xem chúng có tuân thủ luật tối cao của đất nước hay không. Nếu không có vi phạm nào, Quốc hội Nga sẽ phê chuẩn thông qua dự thảo.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev, song song với việc dự thảo điều ước trên, một dự thảo luật hiến pháp liên bang về việc sáp nhập các lãnh thổ mới vào Nga sẽ được đệ trình lên Hạ viện Nga. Nếu Hạ viện chấp thuận, dự thảo luật hiến pháp sẽ tiếp tục được trình lên Thượng viện nước này để xem xét. Luật này có hiệu lực không sớm hơn hiệu lực của các điều ước quốc tế.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời luật sư Oleg Zatsepa nhận định quá trình sáp nhập có thể sẽ mất 1 đến 2 năm. Theo ông Zatsepa, DPR và LPR có luật pháp riêng, do đó “sẽ cần một giai đoạn chuyển tiếp nhất định”.
Nga cam kết bảo vệ lãnh thổ sáp nhập
Moskva đã cảnh báo rằng nếu các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass và hai khu vực miền Nam Ukraine thống nhất với Nga, thì bất kỳ nỗ lực nào của Kiev nhằm chiếm lại chúng đều là các cuộc tấn công vào lãnh thổ của Nga.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga trên xe chở diễu qua Quảng trường Đỏ. (Ảnh: AP)
Trong bài phát biểu sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ bảo vệ lãnh thổ Nga bằng các biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Đây được cho là một sự leo thang căng thẳng và làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm tàng.
Trước đó, ông Putin cáo buộc phương Tây đang tìm cách chia cắt Nga, đồng thời tuyên bố Moskva sẽ sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga, kể cả khả năng răn đe hạt nhân, trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chưa hết, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cũng từng tuyên bố, Moskva có thể dùng bất kỳ loại vũ khí nào có trong kho của nước này, kể cả vũ khí hạt nhân chiến lược, để bảo vệ những vùng lãnh thổ được sáp nhập vào Nga từ Ukraine.
Mặc dù rất khó để đoán định cụ thể về một cuộc tấn công hạt nhân của Nga ở Ukraine, song Forbes dẫn lời các chuyên gia cho hay, Moskva rất có thể sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, các thiết bị tầm ngắn để sử dụng trên chiến trường, để đối phó với quân đội Ukraine hoặc để phá hủy một trung tâm hậu cần Kiev.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn nhiều so với các đầu đạn tầm xa chiến lược được thiết kế để phá hủy các thành phố, nhưng sức mạnh cũng là tương đối. Bom nguyên tử 1 kiloton có sức công phá tương đương 1.000 viên thuốc nổ TNT - quả bom mà Mỹ thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) là 15 kilotons.
Tiến sĩ Rod Thornton, chuyên gia bảo mật tại trường Đại học King's College London, nói với Forbes rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật vẫn có sức công phá rất lớn. Theo ông Thornton, một cuộc tấn công hạt nhân nếu diễn ra là động thái Nga muốn chuyển tải thông điệp về những cảnh báo của mình rằng Moskva rất nghiêm túc, sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân bảo vệ lãnh thổ nước này.
Theo các chuyên gia, tác động của một cuộc tấn công hạt nhân phụ thuộc rất nhiều vào loại vũ khí được sử dụng, cách thức và địa điểm cũng như điều kiện vào thời điểm đó. Thế nhưng, một quả bom hạt nhân công suất thấp khi được sử dụng cũng có thể gây ra những hậu quả sâu rộng, với bức xạ từ vụ nổ gây ra ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe lâu dài cho những người sống xung quanh và bụi phóng xạ gây ô nhiễm môi trường và có thể trôi dạt đến châu Âu và châu Á.
Chủ tịch Ủy ban An ninh của Hạ viện Nga Anatoly Vyborny nói cơ chế hoạt động chống khủng bố có thể sẽ được thực thi để ngăn khủng bố ở Ukraine. Ông Anatoly Vyborny cũng cho rằng cơ chế tương tự đã được thực hiện ở Cộng hòa Chechnya và "kết thúc bằng việc loại trừ các nhóm khủng bố khỏi khu vực này".
Trước đó, người đứng đầu chính quyền Crimea - Sergei Aksyonov, nói chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ trở thành chiến dịch chống khủng bố sau khi hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass và các tỉnh Zaporizhia và Kherson sáp nhập vào Nga.