Theo RT, các đồng minh phương Tây của Ukraine đã phản ứng giận dữ với kế hoạch trưng cầu dân ý mà các nước cộng hòa tự xưng vùng Donbass công bố hôm 20/9. Berlin và Washington nói họ sẽ không bao giờ công nhận kết quả của các cuộc bỏ phiếu.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng các kế hoạch bỏ phiếu về việc gia nhập Nga của hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass là "cuộc trưng cầu dân ý giả tạo", và "không thể được chấp nhận", theo DPA. Ông Scholz nói với các nhà báo bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York rằng một động thái như vậy là trái với luật pháp quốc tế.
(Ảnh minh họa)
Trước đó, Mỹ cho biết họ sẽ “không bao giờ công nhận các tuyên bố chủ quyền của Nga đối với bất kỳ phần nào của Ukraine được sáp nhập có chủ đích”. Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng Washington sẽ luôn xem đó là một phần của Ukraine, đồng thời “bác bỏ dứt khoát các hành động của Nga”.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng gọi kế hoạch thăm dò ý kiến ở Donbass là “cuộc trưng cầu dân ý giả tạo”. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế “lên án hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”. Người đứng đầu NATO mô tả diễn biến này là "sự leo thang thêm" của cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass đã công bố ngày bỏ phiếu về việc gia nhập Nga. Theo đó, các lãnh đạo của các nước cộng hòa tự xưng này cho biết sẽ tổ chức bỏ phiếu về việc gia nhập Nga trong khoảng thời gian từ ngày 23-27/9. Moskva đã công nhận hai nước cộng hòa tự xưng từ tháng 2, và yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập không bao giờ gia nhập bất kỳ khối quân sự phương Tây nào.
Nga đưa quân vào Ukraine vào ngày 24/2, với lý do Kiev không thực hiện các thỏa thuận Minsk, vốn được thiết kế để trao cho các khu vực Donetsk và Lugansk tình trạng đặc biệt trong nhà nước Ukraine. Kiev và phương Tây chỉ trích hành động của Nga, đồng thời các nước phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt với Moskva.