Hôm nay (23/9), bốn tỉnh của Ukraine bao gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia bắt đầu lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập vào Nga. Ukraine và các nước phương Tây tuyên bố sẽ không công nhận kết quả bất kỳ cuộc trưng cầu ý dân nào.
“Mọi thứ sẽ ổn thôi. Không sớm, nhưng mọi thứ sẽ tốt hơn sau cuộc trưng cầu ý dân. Đó là lý do tại sao người dân chúng tôi đã chờ đợi nó”.
“Chúng tôi ở lại đây để sống. Chúng tôi đã chờ đợi và chúng tôi sẽ tham gia cuộc trưng cầu ý dân. Chúng tôi hi vọng sẽ sớm được cung cấp nước, điện và khí đốt càng sớm càng tốt”.
“Cuộc trưng cầu ý dân là hoàn toàn cần thiết. Chúng tôi sẽ bỏ phiếu ủng hộ. Điều đó lợi cho nơi chúng tôi sống, có lợi cho quê hương của chúng tôi”.
Công tác chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân đã hoàn tất (Ảnh: Reuters)
Đó là một phần ý kiến người Ukraine tại 4 tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia trước thời điểm các chính quyền nơi đây tiến hành tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến về việc sáp nhập vào Nga. Moscow cũng ủng hộ, cho rằng, người dân các khu vực này có quyền quyết định tương lai của mình.
Theo hãng tin TASS, vì lý do an ninh, việc bỏ phiếu trực tiếp sẽ diễn ra vào duy nhất ngày 27/9. Từ hôm nay tới thời điểm đó, người dân 4 tỉnh sẽ bỏ phiếu theo từng nhóm, hoặc gửi các lá phiếu theo đường bưu điện, hoặc giới chức trách đến nhà thu phiếu.
Sẽ có gần 2000 điểm bỏ phiếu tại khắp 4 tỉnh miền Đông Ukraine và một số tại Nga – nơi những người Ukraine tại miền Đông đang sơ tán. Tiếng Nga ngôn ngữ duy nhất được viết trên phiếu bầu do chính quyền ly khai ở Donetsk và Luhansk phát hành. Trong khi đó, các lá phiếu của người dân Kherson và Zaporizhia được in bằng tiếng Nga và tiếng Ukraine.
Chính quyền ly khai ở bốn tỉnh của Ukraine đều cam kết sẽ tối đa hóa tính minh bạch và hợp pháp của các cuộc trưng cầu ý dân và quá trình bỏ phiếu sẽ “được các quan sát viên quốc tế giám sát”.
Một nhân viên hành chính tại tỉnh Donetsk treo banner về cuộc trưng cầu ý dân (Ảnh: Reuters)
Kịch liệt phản đối các cuộc trưng cầu ý dân của các chính quyền ly khai địa phương, chính phủ Ukraine cho rằng, triển vọng ngoại giao cho cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ kết thúc nếu trưng cầu ý dân để sáp nhập vào Nga diễn ra. Lãnh đạo các nước phương Tây gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cũng như các cơ quan quốc tế như NATO, Liên minh châu Âu nhiều ngày nay đã lên tiếng phản đối các vùng của Ukraine trưng cầu ý dân; tuyên bố sẽ không công nhận kết quả hay bất kỳ động thái sáp nhập lãnh thổ nào. Hôm qua, trong cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng thư ký Antonio Guterres cũng đã lên tiếng quan ngại:
“Tôi cũng vô cùng lo ngại trước các báo cáo về kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân tại các khu vực của Ukraine – vốn chưa được sự kiểm soát của chính phủ. Việc sáp nhập lãnh thổ một quốc gia của một nước bằng đe dọa vũ lực là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên tiếng phản bác, cho rằng các quyền của người dân “ôn hòa”, “nói tiếng Nga” tại miền Đông Ukraine đã không được quốc tế bảo vệ. Họ bị chính phủ Ukraine “chà đạp” và tấn công mỗi ngày. Ngoại trưởng Nga cũng cáo buộc các nước phương Tây đang thúc đẩy leo thang cuộc xung đột mà không bị lên án:
“Các chính sách của phương Tây là sự can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, khiến họ trở thành một bên trong cuộc xung đột. Ý định leo thang cuộc xung đột này của phương Tây không bị trừng phạt. Tất nhiên, họ sẽ không trừng phạt chính mình. Chúng tôi không ảo tưởng rằng ngày nay các lực lượng vũ trang của Nga và dân quân ở Luhansk và Donetsk đang bị chống lại với chính quyền Kiev mà còn là cả bộ máy quân sự của các nước phương Tây”.
Ngoại trưởng Nga đã rời cuộc họp ngay sau khi phát biểu xong tại phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.