Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những điều bí ẩn về võ sĩ Sumo Nhật Bản

(VTC News) -

Đấu vật Sumo là một môn thể thao truyền thống của Nhật Bản, các võ sĩ Sumo phải luyện tập chăm chỉ và tuân thủ theo truyền thống của đất nước mặt trời mọc.

Các bức ảnh của nhiếp ảnh gia David Sharabani ghi lại những khoảnh khắc sống động trong môn thể thao đấu vật Sumo. Hình ảnh hai đô vật đối đầu nhau dưới một mái nhà tựa như đền thờ Thần đạo, hay thông lệ các tuyển thủ ném muối để thanh tẩy võ đài, kèm theo tục lệ các đô vật giơ tay để chứng minh họ không mang vũ khí trong người chỉ là 3 trong nhiều giây phút đáng nhớ của môn thể thao Sumo.

Hai võ sĩ Sumo đang thi đấu dưới sự theo dõi của nhiều khán giả. (Ảnh: David Sharabani)

Đấu vật Sumo là một môn thể thao chuyên nghiệp tại Nhật Bản. Xuất hiện từ đầu thế kỷ 17, môn thể thao này mang đậm bản sắc văn hoá, nghi lễ và truyền thống của đất nước mặt trời mọc.

Khi Sharabani bắt đầu chụp ảnh bên trong một "beya" tại Tokyo - nơi các đô vật sinh sống, ăn uống và tập luyện, anh nhận thấy thế giới đấu vật Sumo cũng chứa đựng rất nhiều điều bí mật. 

Tôi nghĩ 90% thời gian của mình là cố gắng tiếp cận thế giới này và 10% là chụp ảnh”, anh Sharabani chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua video từ Tokyo, "Đây là một thử thách thực sự

"Họ tập luyện rất, rất nghiêm túc," anh nói thêm. "Vì vậy, khi tôi xuất hiện, tôi thường bị từ chối. Nhưng đôi khi họ cho phép tôi vào xem. Khi họ cho phép, tôi được phân cho một chỗ trên sàn, không di chuyển khỏi vị trí đó và giữ rất, rất yên lặng".

Sự kiên trì của Sharabani đã cho phép anh chụp được những bức ảnh hiếm hoi và độc đáo về cuộc sống hàng ngày của các võ sĩ Sumo. Hình ảnh các đô vật đang chuẩn bị cho các sanban-geiko (những trận đấu tập), chăm chỉ luyện tập và thậm chí là bị cấp trên kỷ luật trong beya đều được anh bắt trọn dưới nghệ danh Lord K2. Các bức ảnh cũng ghi lại nhiều khoảnh khắc đời thường như mái tóc được bôi dầu và tạo kiểu của võ sĩ, và hàng dài nhiều chiếc mawashi (những chiếc khố nặng trịch mà các võ sĩ thường mặc) đang được phơi khô. Những chi tiết khác như các vết bầm tím, trầy xước trên người các võ sĩ cho thấy tính chất khắc nghiệt của môn thể thao đặc biệt này.

Gần 100 bức ảnh của Sharabani được giới thiệu trong cuốn sách mới xuất bản của anh, mang tên "Sumo". Trái ngược với nhiếp ảnh thể thao truyền thống, Sharabani quan tâm nhiều hơn đến việc nắm bắt văn hóa và truyền thống xung quanh đấu vật Sumo, thay vì chỉ tập trung vào các trận đấu. Ngay cả những bức ảnh được chụp trong các giải đấu được tổ chức tại nhà thi đấu Kokugikan 11.000 chỗ ngồi ở Tokyo, anh cũng cố gắng thu hút sự chú ý của khán giả vào địa điểm và những chi tiết đằng sau cánh gà chứ không chỉ các màn đọ sức trên võ đài.

"Nhiếp ảnh thể thao chủ yếu là ghi lại hành động... nhưng đối với tôi, điều quan trọng hơn là nắm bắt được cái hồn của thể thao", Sharabani chia sẻ.

Sinh hoạt hàng ngày của nhiều võ sĩ. (Ảnh: David Sharabani)

Truyền thống giao thoa với hiện đại

Luật đấu vật Sumo rất đơn giản: Các võ sĩ giành chiến thắng bằng cách đẩy đối thủ của họ ra khỏi "dohyo" - một vòng tròn vẽ bằng cát đánh dấu khu vực hai võ sĩ thi đấu. Sharabani lần đầu tiên biết đến Sumo khi môn thể thao này được phát sóng trên một kênh truyền hình lớn của Anh vào cuối những năm 1980.

Tôi thực sự bị cuốn hút bởi toàn bộ sự huyền bí xung quanh trang phục và phong tục”. Sharabani cũng tìm thấy nguồn cảm hứng tương tự trong bộ môn muay Thái. Khi bắt đầu dự án của mình vào năm 2017, Sharabani thường dành thời gian quanh quẩn ở quận Ryogoku tại thủ đô Tokyo - trung tâm lịch sử của bộ môn Sumo và nơi tập trung nhiều beya của đất nước.

Sharabani chia sẻ rằng trong khoảng thời gian tại Tokyo anh thường xuyên nhìn thấy các võ sĩ đi lại trên phố trong khố vải mawashi, sau những giờ tập luyện vất vả. 

Các Sumo bị cấm thể hiện cảm xúc trong các trận đấu và phải giữ thái độ khiêm tốn trước công chúng. Họ cũng không được phép mặc quần áo hiện đại mà phải mặc trang phục truyền thống như kimono hoặc khố và để kiểu tóc búi cao. Một số bức ảnh của Sharabani cho thấy một vài khoảnh khắc sinh hoạt hàng ngày của các Sumo, chẳng hạn như cùng nhau ghé thăm các cửa hàng tiện lợi hoặc gọi đồ ăn tại McDonald's, trong khi vẫn mặc trang phục truyền thống.

Các võ sĩ mặc khố vải sau khi luyện tập. (Ảnh: David Sharabani)

Những bức ảnh của David Sharabani thể hiện sự tương phản giữa truyền thống và hiện đại trong đấu vật Sumo, phản ánh vai trò của môn thể thao này ở Nhật Bản đương đại. Việc Sumo chú trọng lễ nghi đã cản trở tiềm năng phát triển của chính nó, dẫn đến các thông lệ như cấm phụ nữ tham gia các giải đấu lớn hoặc gia nhập beya.

Mặc dù vậy, Sharabani tin rằng đây là điểm mạnh của Sumo - những thông lệ mang đậm chất dân gian khiến cho một trận đấu được nâng tầm hơn. Đấu vật Sumo khác rất nhiều so với các môn thể thao phương Tây. Thể thao phương Tây thường tập trung vào tấn công và giảm thiểu thời gian chết. Thay vào đó, thời gian chờ đợi lâu giữa các trận đấu trong môn đấu vật Sumo càng làm tăng thêm sự phấn khích và mong đợi của từng trận so tài.

Sumo hồi sinh trở lại

Mức độ phổ biến của đấu vật Sumo đã giảm trong thời gian gần đây do mọi người quan tâm hơn tới nhiều môn thể thao hiện đại như bóng chày và bóng đá. Tuy nhiên, theo Sharabani, môn thể thao này đã trở nên phổ biến trở lại trong những năm gần đây.

Các võ sĩ tương lai, có em chỉ mới 5 tuổi. (Ảnh: David Sharabani)

Theo một cuộc khảo sát hàng năm do công ty dữ liệu Central Research Services (CRS) của Nhật Bản thực hiện, hiện tại cứ 5 người Nhật thì có khoảng 1 người coi đấu vật Sumo là môn thể thao yêu thích của họ (tương đương với 20%), tăng đáng kể so với con số 15% vào năm 2011. Sharabani tin rằng tín hiện này là nhờ các chiến dịch PR thành công và xu hướng bài xích lối sống hậu hiện đại trong thời gian gần đây.

Thông qua các bức ảnh của mình, Sharabani cho thấy đấu vật Sumo đã ăn sâu vào văn hóa Nhật Bản, từ nghệ thuật đường phố đến văn hoá đại chúng, trên TV và nhiều nhà hàng, quán ăn. Anh nhấn mạnh tương lai của Sumo bằng cách ghi lại hình ảnh của những đô vật trẻ đầy nhiệt huyết được huấn luyện trong các beya, một số chỉ mới 5 tuổi. Những đứa trẻ này đã đặt ra quyết tâm, thường là dưới sự định hướng của cha mẹ, để theo đuổi sự nghiệp đấu vật Sumo chuyên nghiệp. Quá trình đào tạo các võ sĩ rất nghiêm ngặt và chỉ một tỷ lệ rất nhỏ các võ sĩ nhí sẽ trở thành một Sumo thành công, cho dù kỹ thuật của các em tốt tới đâu.

Hoàng Linh

Tin mới