Trước khi công nghệ nhiếp ảnh hiện đại xuất hiện, cuộc sống sinh hoạt thường ngày của con người chỉ được ghi lại qua các tranh vẽ, bài thơ, thư từ, ca nhạc... Tuy nhiên, vào những năm 1850, một loạt các nhiếp ảnh gia đã tới Trung Quốc và lưu giữ lại phong cảnh, thành phố và con người nơi đây.
Bộ sưu tập của Stephan Loewentheil vẽ nên một bức tranh đầy đủ miêu tả cuộc sống ở Trung Quốc thế kỷ 19. (Ảnh: Bộ sưu tập Loewentheil)
Nổi bật trong số họ có Felice Beato người Ý, ông đến đại lục vào thời điểm diễn ra Chiến tranh nha phiến lần thứ hai và ghi lại những diễn biến lịch sử trong giai đoạn này. Một cái tên đáng chú ý khác là John Thompson, một nhiếp ảnh gia người Scotland đi ngược lên thượng nguồn sông Mân và chụp lại những kiến trúc nội thất hút mắt người xem.
Đây chỉ là một số nhân vật có tác phẩm nổi bật trong bộ sưu tập 15.000 ảnh tại New York của nhà sưu tập Stephan Loewentheil. Những hình ảnh thế kỷ 19 của ông đem lại cho người xem một cơ hội nhìn vào cuộc sống tại Trung Quốc lúc bấy giờ, từ người ăn xin bên vệ đường tới cảnh đường phố, cuộc sống dân dã, thương nhân, cảnh buôn bán tấp nập,...
Một bức ảnh của John Thompson trong chuyến đi ngược dòng sông Mân. (Ảnh: Bộ sưu tập Loewentheil)
Vào năm 2018, Loewentheil trưng bày 120 bức ảnh tại Bắc Kinh. Triển lãm này gồm những bức ảnh được tạo ra bởi những công nghệ nhiếp ảnh thời kỳ đầu, đặc biệt là ảnh giấy và in albumen.
Những công nghệ này đã tiếp đà cho sự phát triển của nhiếp ảnh tại Trung Quốc. Những ảnh chụp có thể dễ dàng được in thành nhiều bản và truyền đi rộng rãi. Dân du lịch, các nhà ngoại giao, doanh nhân, người truyền đạo,... đều có thể mang những tấm hình họ chụp được về quê nhà để sưu tầm hoặc bán lại. Tất cả mọi người đều trân trọng văn hoá đẹp đẽ và độc đáo của Trung Quốc. Nhanh chóng, nhiếp ảnh lan truyền ra người dân bản địa và phát triển thành một thị trường lớn tại nơi đây.
Ảnh chụp lại cuộc sống buôn bán tấp nập thời bấy giờ, sau đó được tô màu bởi hoạ sĩ chuyên nghiệp. (Ảnh: Bộ sưu tập Loewentheil)
Nhiếp ảnh tại Trung Quốc
Bộ sưu tập của Loewentheil chỉ ra cho người xem những đóng góp không nhỏ của người Trung Quốc vào sự phát triển của máy ảnh. Đáng chú ý có nhà toán học Zou Boqi - người tái sử dụng các linh kiện nước ngoài để chế tạo máy ảnh thấu kính của riêng mình.
Ảnh chụp hai diễn viên bởi nhiếp ảnh gia Trung Quốc. (Ảnh: Bộ sưu tập Loewentheil)
Xuất hiện đầu tiên tại các thành phố cảng, nhiếp ảnh nhanh chóng lan truyền ra toàn bộ Trung Quốc trong nửa cuối thế kỷ 19. Nhiều studio chụp ảnh được mở ra, chủ yếu nhằm phục vụ chụp chân dung của cá nhân hoặc gia đình. Những bức ảnh này sau đó được tô màu lại bằng các họa sĩ chuyên nghiệp.
Thay vì sao chép các nhiếp ảnh gia ở nước ngoài, tại Trung Quốc họ thường lấy cảm hứng từ truyền thống nghệ thuật và văn hóa ở chính nước sở tại. Loewentheil nhận xét rằng các bức chân dung được xử lý giống như tranh vẽ trong bố cục và ánh sáng. Trong những bức ảnh, người chụp thường ngồi và nhìn chính diện vào camera, gương mặt ít biểu cảm. Các bức ảnh chụp kiến trúc thường chú ý vào tổng thể thiên nhiên bao quanh hơn là các tòa nhà biệt lập, một điểm khác biệt nữa so với nhiếp ảnh phương Tây.
Ảnh chụp chân dung một người phụ nữ vào khoảng năm 1860. (Ảnh: Bộ sưu tập Loewentheil)
Lưu giữ lịch sử
Ngoài giá trị nghệ thuật, bộ sưu tập của Loewentheil còn mang giá trị về mặt học thuật. Triển lãm vào năm 2018 được đặt tại Đại học Thanh Hoa - trường đại học hàng đầu của Trung Quốc.
Nhiều ý kiến cho rằng sự xuất hiện của công nghệ nước ngoài vào thế kỷ 19, trong đó bao gồm máy ảnh, báo hiệu sự kết thúc của thời kỳ phong kiến. Những bức ảnh này ghi lại một xã hội đang dần lụi tàn và sắp biến mất. Ví dụ như tác phẩm của Thomas Child, một kỹ sư người Anh, ghi lại nhiều chi tiết trong kiến trúc truyền thống của Trung Quốc tại Di Hòa Viên. Sau đó cung điện này đã bị Anh và Pháp thiêu rụi, và những bức ảnh trở nên vô giá đối với nhiều học giả và nhà nghiên cứu lịch sử.
Ảnh chụp Di Hoà Viên của Thomas Child. (Ảnh: Bộ sưu tập Loewentheil)
Ông chủ bộ sưu tập nhận định, nhiếp ảnh là công cụ bảo tồn lịch sử “vĩ đại nhất". Ông bày tỏ mong muốn rằng bộ sưu tập sẽ được sử dụng cho lợi ích của hậu thế sau này. Hiện nay ông đang số hoá bộ sưu tập này nhằm tạo ra một kho lưu trữ trực tuyến cho các nhà sử học và các nhà nghiên cứu.
“Tôi rất mong muốn để lại bộ sưu tập cho người dân Trung Quốc và chúng tôi sẵn sàng mở cửa cho các học giả hoặc các tri thức để nghiên cứu các bức ảnh này” - tác giả bộ sưu tập cho hay.