Cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời lúc 17h03 (15h03 giờ Hà Nội) ở tuổi 67 tại bệnh viện ở thành phố Kashihara, tỉnh Nara, nơi ông được điều trị y tế sau khi bị ám sát tại một sự kiện ở tỉnh này vào sáng nay.
Đây là vụ ám sát đầu tiên nhằm vào một cựu thủ tướng hoặc thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản kể từ thời quân phiệt hồi thập niên 1930.
Các lãnh đạo toàn cầu chia buồn, bày tỏ thương tiếc cố Thủ tướng Nhật Bản sau khi ông qua đời vì bị ám sát hôm nay.
Cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.
Nhắc đến Abe Shinzo là nhắc đến vị Thủ tướng nỗ lực "hồi sinh" nền kinh tế Nhật Bản với chính sách Abenomics nổi tiếng. Tuy nhiên, phía sau Abenomics là hình ảnh một chính khách với nhiều cống hiến lớn lao, nhiều dấu ấn đặc biệt.
Thủ tướng tại vị lâu nhất
Ngày 24/8/2020, ông Abe Shinzo trở thành Thủ tướng Nhật Bản có thời gian tại vị lâu nhất tại nước này với 2.799 ngày liên tục, trong khoảng thời gian từ 2012-2020.
Nếu tính cả khoảng thời gian ngắn ông làm thủ tướng năm 2006-2007, ông Abe đã giữ vị trí này 2.887 ngày. Kỷ lục này trước đó do người chú của ông, Eisaku Sato nắm giữ (2.798 ngày).
Ông Abe từng nói: "Chính trị không nằm ở chỗ một người giữ chức bao nhiêu ngày, mà ở những gì người đó đạt được. Tôi đã cống hiến hết mình mối ngày để thực hiện những lời tôi đã hứa với người dân”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sinh năm 1954 tại Tokyo, là con trai thứ hai trong một gia đình chính trị nổi tiếng. Mẹ ông - Yoko Kishi, là con gái của cựu Thủ tướng Nhật Bản Nobusuke Kishi, còn cha ông - Shintaro Abe, là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản.
Năm 2006, ông Abe trở thành chủ tịch của Đảng Dân chủ Tự do sau cuộc bầu cử. Ngày 26/9/2006, ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng thứ 90 của Nhật Bản. Ông Abe là người nhậm chức trẻ tuổi nhất trong số các Thủ tướng Nhật Bản từ sau Thế chiến II và là Thủ tướng đầu tiên sinh ra sau Thế chiến II.
Hai lần từ chức vì lý do sức khỏe
Ngày 28/8/2020, ông Shinzo Abe tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe. Trước đó, nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông từ năm 2006 - 2007 cũng đột ngột kết thúc với lý do tương tự. Ông mắc căn bệnh viêm loét đại tràng. Ông Abe sau đó dường như khỏe mạnh trở lại và tiếp tục nắm quyền vào năm 2012, với sự trợ giúp của một loại thuốc mới.
Thăm Việt Nam 4 lần
Ông Abe Shinzo là Thủ tướng Nhật Bản có nhiều chuyến thăm tới Việt Nam nhất. Ông đã thăm Việt Nam 4 lần trong thời gian giữ chức, vào tháng 11/2006, tháng 1/2013, tháng 1/2017, tháng 11/2017.
Trong gần 8 năm lãnh đạo nước Nhật, ông Abe có tình cảm rất đặc biệt. Ông coi trọng tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên làm thủ tướng vào năm 2006. Điều này thể hiện qua việc hai bên nhất trí đưa ra tuyên bố chung "Hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược" trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại thời điểm đó.
Ông Abe Shinzo là Thủ tướng Nhật Bản sang thăm Việt Nam nhiều nhất.
Năm 2014 - một năm sau khi ông Abe tái đắc cử thủ tướng, hai nước đã thiết lập khuôn khổ "Đối tác chiến lược sâu rộng" khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật.
Dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Trên trường quốc tế, Việt Nam và Nhật Bản cũng phối hợp chặt chẽ trong chương trình nghị sự ở Liên hợp quốc, ASEAN, hợp tác sông Mekong…
Nhật Bản và cá nhân ông Abe Shinzo đã đóng vai trò quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 2012 - 2020.
Người vợ đặc biệt
Phu nhân ông Abe, bà Akie Abe gây chú ý khi vướng vào một bê bối năm 2018, nghi vấn bà có liên quan đến vụ mua bán một mảnh đất công với ưu đãi lớn cho một trường học. Thủ tướng Nhật đối mặt với khủng hoảng chính trị khi mức ủng hộ của ông giảm xuống 31%, với phần lớn các ý kiến trong môt cuộc bình chọn công khai cho rằng ông cần chịu trách nhiệm.
Bà Akie Abe cũng là một nhân vật thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Bà từng tự mô tả mình là “đối lập” với chồng, đôi khi không đồng ý với ông trong các vấn đề xã hội. Khi ông Abe nhậm chức vào năm 2006, vợ ông, một người hâm mộ văn hóa Hàn Quốc, được cho là có thể “làm mềm” hình ảnh bảo thủ của Thủ tướng Nhật, nhưng sau đó phong cách của bà được nhận xét là "quá tự do".
Thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, bà Akie Abe cũng gây tranh cãi khi có chuyến thăm đến một ngôi đền với khoảng 50 người, hay xuất hiện hình ảnh bà ngắm hoa anh đào khi người dân Nhật được kêu gọi ở nhà. Giải thích cho vợ, ông Abe nói sự kiện ngắm hoa anh đào là sự kiện mang tính chất riêng tư.