Trong cuộc họp của WHO diễn ra ngày 23/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do tốc độ lây truyền nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa tới các quốc gia khác. Hiện ghi nhận hơn 16.000 ca bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới và 5 trường hợp tử vong.
Đậu mùa khỉ là bệnh đậu mùa do virus (truyền sang người từ động vật). Virus đậu mùa khỉ là loại virus DNA sợi đôi có vỏ bọc thuộc giống Orthopoxvirus của họ Poxviridae. Bệnh đậu mùa ở khỉ chủ yếu xảy ra ở trung và tây Phi, thường gần các khu rừng mưa nhiệt đới, và ngày càng xuất hiện nhiều ở các khu vực đô thị. Vật chủ động vật bao gồm một loạt các loài gặm nhấm và động vật linh trưởng không phải con người.
Các ban đỏ nổi trên tay một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. (Ảnh: Shutterstock/TTXVN)
Sự lây truyền của đậu mùa khỉ chủ yếu qua đường tiếp xúc. Cụ thể, có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với người có triệu chứng. Các nốt ban, dịch cơ thể (như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy ở người bệnh có nguy cơ làm lây nhiễm.
Do đó, yếu tố nguy cơ của bệnh là khách du lịch đi hoặc đến những khu vực có nguy cơ cao như châu Phi gồm các nước Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone và Nam Sudan. Ngoài ra, một số quốc gia châu Á cũng được ghi nhận có ca bệnh như Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, Australia, Đài Loan (Trung Quốc).
Ngoài ra, những người có xu hướng quan hệ tình dục phức tạp (nhiều bạn tình, đồng tính...) cũng có nguy cơ cao nhiễm bệnh. Đậu mùa ở khỉ không lây truyền qua đường tình dục nhưng lại lây truyền qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bị bệnh.
Trên thế giới cho đến nay ghi nhận nhiều trường hợp là nam giới bị bệnh có quan hệ tình dục đồng tính. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh là nguy cơ tiếp xúc với virus đậu mùa khỉ không dành riêng cho bất kỳ nhóm hoặc môi trường nào.