Ngày 15/2, Đại tá Nguyễn Việt Nam, Chủ nhiệm khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều ca tai nạn do pháo nổ. Riêng ngày mùng 1 Tết đơn vị tiếp nhận 15 ca bị chấn thương do pháo nổ, 8 ca phải phẫu thuật.
Bệnh nhân chủ yếu ở độ tuổi từ 18 đến 50. Các trường hợp tai nạn trên đều bị tổn thương ở tay, chân, mắt, trong đó chủ yếu là dập nát ở bàn tay, nguy cơ phải cắt cụt do hoại tử thứ phát.
Điển hình như trường hợp nam thanh niên 18 tuổi nhập viện trong tình trạng tổn thương nặng, mất nửa ngoài bàn tay trái, rách giác mạc mắt trái. Hay trường hợp người đàn ông được đưa vào cấp cứu trong tình trạng bàn tay bị chẻ làm đôi.
“Họ bị tai nạn chủ yếu do pháo nổ tự chế. Các bác sĩ phẫu thuật, xử trí tổn thương cho các bệnh nhân”, Đại tá Nguyễn Việt Nam nói.
Bác sĩ hỏi thăm tình hình người bệnh sau phẫu thuật. (Ảnh: BSCC)
Tổn thương do pháo nổ để lại di chứng nặng nề, điều trị tốn kém. Do đó, bác sĩ khuyên không nên sử dụng pháo tự chế hoặc tự chế pháo theo hướng dẫn trên mạng, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng thông tin, từ 30 Tết đến sáng mùng 4 Tết Giáp Thìn, đơn vị tiếp nhận 22 trường hợp bị tai nạn thương tích liên quan đến pháo nổ.
Ngày mùng 2 Tết, một thiếu niên ở Nghệ An đi chơi, nhặt được quả pháo tự chế ngoài đường mang về đốt. Vừa châm lửa quả pháo bất ngờ phát nổ ngay khiến trẻ ngất xỉu tại chỗ, được người nhà đưa đi cấp cứu. Trẻ vào viện trong tình trạng dập nát toàn bộ tay phải, lộ xương, bị cắt cụt 1/3 tay dưới, không còn chức năng cầm nắm, chỉ còn khuỷu vận động.
Theo Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 8 đến 14/2), cả nước ghi nhận tổng số 604 người khám, cấp cứu do pháo nổ, chất nổ (tăng 51,4% so với cùng kỳ Tết Quý Mão), trong đó 315 trường hợp phải nhập viện điều trị (tăng 15% so với cùng kỳ).
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 7 ngày nghỉ Tết, các bệnh viện tiếp nhận 87 ca khám cấp cứu, tai nạn do pháo nổ, pháo hoa, tăng 81 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.