Thông tin ban đầu, ngày mùng 2 Tết, T.M.T (15 tuổi, ở Nghệ An) đi chơi, nhặt được quả pháo tự chế ngoài đường mang về đốt. Vừa châm lửa quả pháo đã bất ngờ phát nổ ngay khiến thiếu niên ngất xỉu tại chỗ, được người nhà đưa đi cấp cứu.
BS Nguyễn Mạnh Tiến, khoa Phẫu thuật chi dưới, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng dập nát toàn bộ tay phải, lộ xương.
“Dù đã cố gắng hết sức nhưng chúng tôi vẫn không thể cứu được bàn tay cho cháu. Bệnh nhân bị cắt cụt 1/3 tay dưới, không còn chức năng cầm nắm, chỉ còn khuỷu vận động”, bác sĩ Tiến nói.
Bệnh nhân bị cắt cụt bàn tay phải do pháo nổ.
Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, từ 30 Tết đến sáng mùng 4 Tết Giáp Thìn, bệnh viện tiếp nhận 22 trường hợp bị tai nạn thương tích liên quan đến pháo nổ.
Chỉ riêng từ đêm 30 đến rạng sáng mùng 1 Tết có đến 13 trường hợp cấp cứu do pháo nổ. Chủ yếu các bệnh nhân bị thương ở tay, có trường hợp phải cắt cụt ngón, cá biệt có trường hợp nặng phải cắt cụt tay.
Theo các bác sĩ, tai nạn do pháo nổ gây ra những chấn thương nặng và rất nặng. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ nhỏ, tổn thương ở bàn tay thuận. Rất nhiều em không thể điều trị bảo tồn do tổn thương quá nặng, phải cắt cụt ngón, thậm chí phải phẫu thuật bỏ hoàn toàn bàn tay phải, gây ảnh hưởng tâm lý, thể chất và đời sống sinh hoạt sau này.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ, tính từ ngày 8/2 - 12/2 (29 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày mùng 3 Tết Giáp Thìn) có 507 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 134 ca so với cùng kỳ Tết Quỹ Mão.