Lợi dụng thời điểm nắng nóng, hàng loạt trang mạng xã hội gần đây quảng cáo chỉ cần bỏ ra số tiền từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng mua thiết bị tiết kiệm điện, số tiền điện sẽ giảm từ 30 - 40% mỗi tháng.
Bộ Công Thương, EVN khẳng định sản phẩm "siêu tiết kiệm điện" quảng cáo trên mạng là lừa đảo. (Ảnh: EVN)
Tuy nhiên, trả lời VTC News chiều 5/7, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đây chỉ là chiêu trò lừa gạt nhằm thu lợi bất chính của các đối tượng lừa đảo.
“Chúng tôi khẳng định về kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Nhưng không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo”, đại diện EVN nói.
Vẫn theo lãnh đạo EVN, trường hợp có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện. Điều này là vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết thời gian gần đây đã ghi nhận một số đối tượng lợi dụng thời điểm nắng nóng kéo dài và tâm lý muốn “tiết kiệm điện” để lừa đảo người tiêu dùng.
Theo đó qua thu thập thông tin, hiện nay có rất nhiều bài đăng quảng cáo về những loại “thiết bị siêu tiết kiệm điện” có khả năng giảm 30 - 40% lượng điện tiêu thụ.
“Tuy vậy các thiết bị đó chưa được cơ quan có chức năng chuyên môn chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện. Đồng thời, qua quá trình sử dụng thực tế, nhiều người tiêu dùng cho biết những thiết bị này hoàn toàn không thể giảm điện năng tiêu thụ như quảng cáo”, thông cáo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dung cho biết.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu xuất hiện tình trạng lừa đảo bán thiết bị tiết kiệm điện. Nhiều năm trước, các cửa hàng thiết bị điện gia dụng đã bán một số thiết bị được quảng cáo có khả năng “siêu” tiết kiệm tới 40% lượng điện tiêu thụ trong gia đình mang thương hiệu J.S.D, MJK, KOK... dùng cho các dòng điện 220V - 2.000W, 4.000W... Cách sử dụng rất đơn giản, chỉ cần cắm thiết bị vào một ổ cắm điện trong gia đình hoặc nối vào dây dẫn trên đường dây từ công tơ vào, thiết bị sẽ bắt đầu hoạt động. Thực chất đây là việc can thiệp vào công tơ để trộm điện.
Vì vậy, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua bán, sử dụng các thiết bị được quảng cáo có chức năng tiết kiệm điện. Đối với các loại thiết bị có khả năng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm công tơ điện chạy chậm lại đồng nghĩa với việc đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, vi phạm quy định sử dụng điện, có thể bị truy thu tiền điện, đồng thời bị xử phạt theo quy định.
Việc sử dụng tiết kiệm điện nên áp dụng những giải pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện đã khuyến cáo như: tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng…), khi bật điều hòa làm mát chỉ đặt ở mức 26 - 27 độ C trở lên và sử dụng quạt kết hợp, sử dụng các thiết bị tiêu thụ ít điện năng được gắn nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công Thương kiểm định, không sử dụng các thiết bị sản phẩm tiết kiệm điện nhập khẩu trôi nổi ngoài thị trường.
Trường hợp có sự gia tăng đột biến về mức tiêu thụ điện, cần phản ánh tới đơn vị cung cấp điện lực trên địa bàn hoặc khiếu nại tới các cơ quan nhà nước để kịp thời làm rõ nguyên nhân.