Mới đây, mạng xã hội xuất hiện video “Gia đình mình có thật sự tình”phần nào thể hiện nỗi lo khoảng cách thế hệ và những suy ngẫm về hệ quả mất kết nối giữa các thành viên trong gia đình.
Bước vào tuổi trưởng thành cùng với nhịp sống hiện đại, tất bật cùng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cũng như sự mất cân bằng trong quan hệ gia đình dẫn đến khoảng cách giữa bố mẹ và con cái ngày càng rõ.
Áp đặt và kiểm soát con cái quá mức
Trong video, Thư (19 tuổi) chia sẻ: “Hai mẹ con mà mình thấy như tù nhân và cai ngục”; “Mình thèm cảm giác được tự do như bạn bè lắm”... Những từ bộc lộ nỗi cô đơn và tuyệt vọng khi một người trẻ không cảm nhận được tự do và chấp nhận từ cha mẹ.
Thực tế chứng minh, khi bước vào giai đoạn dậy thì, con hình thành cái tôi và mong muốn được bố mẹ công nhận. Vì vậy, con thường có phản ứng gay gắt khi gia đình kiểm soát quá mức. Nếu bố mẹ không dành thời gian lắng nghe và quên rằng con cần có không gian để tự do phát triển, khám phá và thể hiện bản thân, thì rất dễ dẫn đến hệ lụy con sẽ tự tạo khoảng cách với bố mẹ và ít chia sẻ về cuộc sống riêng của mình.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khoảng cách vô hình giữa bố mẹ và con chính là áp lực, sự kiểm soát quá mức mà những bậc làm cha mẹ đang đặt lên vai của con trẻ. Thực tế có nhiều cha mẹ Việt đang giáo dục con quá áp đặt.
Chính điều này đôi khi khiến con trẻ cảm thấy bị giam cầm, không được tự do và không có không gian riêng cho bản thân. Những kỳ vọng quá lớn cùng với sự thiếu thấu hiểu và chia sẻ cũng làm cho con cảm thấy xa lạ với gia đình, tạo ra khoảng cách ngày càng lớn.
Kỳ vọng quá nhiều vào con
“Có những người dùng cả tuổi thơ để chữa lành cuộc đời, cũng có những người dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ”, Nam (18 tuổi), chia sẻ về chuyện gia đình.
Nam cho biết: “Mình và bố mình không hợp nhau, cả hai chưa bao giờ tâm sự với nhau như hai người đàn ông cả. Bố thì có quá nhiều những kỳ vọng riêng, còn mình thì chưa bao giờ là niềm tự hào của bố”.
Mất kết nối giữa cha mẹ và con là những bức tường vô hình ngăn cách và khiến cả đôi bên mất đi sự thấu hiểu và sẻ chia. Bố mẹ luôn có uy quyền đối với con cái. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh chỉ nên thể hiện uy quyền khi cần răn đe và nghiêm khắc với con. Hạn chế sử dụng quyền lực trong mọi hoàn cảnh khiến con cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi và sợ hãi bố mẹ.
Đôi khi, đặt quá nhiều kỳ vọng lên vai con trẻ lại vô tình tạo ra khoảng cách giữa bố mẹ và con. Xuất phát của những kỳ vọng là mong muốn con có cuộc sống tốt đẹp và tương lai xán lạn. Thế nhưng, kỳ vọng quá mức có thể khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, nặng nề và cố ý “né tránh” bố mẹ.
Không biết cách bày tỏ yêu thương
Khi nghe câu: "Gọi điện cho bố cũng chẳng để làm gì cả" từ con gái của mình, anh Quang cảm thấy xót xa.
Anh kể, khi con còn nhỏ, anh thể hiện tình cảm và có mối quan hệ thân thiết với con. Tuy nhiên, từ khi con lớn và xa nhà đi học, khoảng cách giữa cha và con ngày càng lớn. Hai bên ít trò chuyện hơn, và mỗi khi anh gọi điện thoại, anh cảm thấy con chỉ muốn kết thúc cuộc trò chuyện nhanh chóng. Điều đáng tiếc là nếu anh không gọi, con cũng sẽ không chủ động liên lạc.
Cũng xuất hiện trong video, Minh (24 tuổi, một bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBT) chia sẻ, mặc dù có một mối quan hệ thân thiết với mẹ, nhưng bạn không cảm thấy đủ tin tưởng để chia sẻ với mẹ về những khó khăn trong cuộc sống của mình. Minh sợ rằng mối quan hệ của hai mẹ con sẽ không còn như trước nếu như mình "come out" với mẹ.
Điều này cho thấy sự mất kết nối giữa mẹ và con cái không chỉ xuất hiện trong việc thiếu giao tiếp mà còn bao gồm cả việc thiếu thấu hiểu và chấp nhận. Ngoài ra, mất kết nối cũng có thể phát sinh từ thiếu lòng tin và sợ hãi của con. Chính vì những lo lắng về phản ứng của mẹ, phê phán hay không chấp nhận khi chia sẻ về những khía cạnh đặc biệt trong cuộc sống của mình đã tạo thành rào cản trong giao tiếp giữa hai mẹ con.
Sau khi chùm video kể trên được đưa lên mạng xã hội nhận được khá nhiều ý kiến đồng cảm của cộng đồng mạng. Nhiều người nhìn thấy bản thân mình trong đó và đưa ra các bình luận về sự kết nối giữa các gia đình thời nay.
Có rất nhiều nguyên nhân phía sau câu chuyện mất kết nối giữa các thế hệ. Chỉ khi ta biết lắng nghe, cảm thông và chia sẻ, chúng ta mới có thể xóa bỏ khoảng cách và xây dựng một mối quan hệ gia đình bền chặt hơn.