Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người quyết tâm xuất khẩu văn học Việt ra thế giới

(VTC News) -

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai cho rằng việc người người Việt dành lại quyền kể chuyện trong dòng văn học Việt được xuất bản bằng tiếng Anh là điều rất quan trọng.

Trong quá trình tham dự Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng" tại Paris (Pháp), phóng viên Báo điện tử VTC News đã có cơ hội trò chuyện với Nguyễn Phan Quế Mai - người vừa giành được Giải thưởng "Tiểu thuyết lịch sử hay nhất năm 2023" của tạp chí She Reads (Mỹ), do bạn đọc bình chọn.

Cuộc trò chuyện dù ngắn ngủi nhưng cũng đủ để chúng tôi thấy được hết đam mê của nhà văn Quế Mai dành cho văn chương và tình yêu của chị dành cho Tổ quốc. Dù đã xuất bản 8 quyển sách bằng tiếng Việt, trong những năm gần đây, chị đã quyết định sáng tác bằng tiếng Anh, để mời gọi bạn đọc quốc tế đến với văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam.

Hiện tại, nhà văn Quế Mai đang sở hữu hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng trong làng văn chương thế giới là "The Mountains Sing" và "Dust Child".

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ tại diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng" tại Paris.

Từ nhà thơ đi đến nhà văn

Nguyễn Phan Quế Mai từng được biết đến như là tác giả của bốn tập thơ Trái Cấm, Cởi Gió, Những ngôi sao hình quang gánh và Tổ quốc gọi tên mình. Thơ của chị đã nhận về nhiều giải thưởng như Giải thưởng Thơ năm 2010 của Hội Nhà văn Hà Nội, giải nhất cuộc thi thơ về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Giải thưởng Hội văn học Nghệ thuật Hà Nội.

Trong đó, có nhiều bài thơ đã được phổ nhạc thành bài hát với sự đón nhận rộng rãi từ công chúng như bài “Tổ quốc gọi tên mình”. Đồng thời, nhà văn Quế Mai đã có nhiều năm dịch thơ Việt với mong muốn mời độc giả quốc tế đến Việt Nam thông qua văn học. Đây cũng chính là lí do thôi thúc nữ nhà văn thử sức với việc sáng tác văn xuôi trực tiếp bằng tiếng Anh.

"Văn xuôi cho tôi không gian rộng hơn để kể chuyện, nhưng thơ vẫn là hồn cốt trong các tác phẩm của tôi. Tôi luôn ao ước lồng thơ vào những trang văn. Dù văn hay thơ, tôi muốn tác phẩm của mình bám rễ vào cuộc sống, nói lên ước nguyện của những phận người đã chịu nhiều đau đớn, thiệt thòi.

Tôi nghĩ mình sẽ không thể viết được các tác phẩm gần đây nếu không đi nhiều, nói chuyện với nhiều người để hiểu thêm về tình cảm và tâm tư của họ. Trước khi bắt đầu với văn chương, tôi đã nhiều năm tham gia công việc xã hội, làm việc với các trẻ em ung thư, nạn nhân chất độc da cam, với các cựu binh... Những trải nghiệm thực tế đó đã giúp ích rất nhiều cho tôi khi viết tiểu thuyết", nhà văn Quế Mai chia sẻ.

Việc chuyển đổi từ việc làm thơ sang viết văn, từ sáng tác bằng tiếng Việt sang tiếng Anh khiến tác giả cuốn tiểu thuyết "The Mountains Sing" gặp không ít khó khăn. Nhà văn Quế Mai tâm niệm bản thân cần phải học. Học ở đây không chỉ có học kỹ năng sáng tác mà còn phải học cả phương pháp nghiên cứu, thu thập thông tin.

Nhà văn Quế Mai mất đến 7 năm để hoàn thành cuốn tiểu thuyết.

Nữ nhà văn đã quyết định nghỉ công việc "làm công ăn lương" để ghi danh vào chương trình thạc sĩ, rồi tiến sĩ viết văn từ xa tại Đại học Lancaster. Các chương trình học đã giúp chị trang bị thêm nhiều kiến thức và giúp nhà văn Quế Mai xác định niềm đam mê viết tiểu thuyết lịch sử, xã hội. "The Mountains Sing" rồi "Dust Child" lần lượt ra đời, mỗi tiểu thuyết đã tiêu tốn của tác giả 7 năm nghiên cứu và sáng tác.

"Văn học thế giới hiện phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh khốc liệt. Ví dụ như ở Mỹ, mỗi năm có 500.000 đến 1 triệu tác phẩm được xuất bản. Để cuốn sách của mình được xuất hiện trên truyền thông và có mặt ở hiệu sách là một thử thách lớn. Vì thế, tôi đã đầu tư cho việc học, bằng cách đọc rất nhiều tác phẩm tiếng Anh.

Khi đọc, mình bổ sung từ vựng, học hỏi được phương pháp sáng tác, đồng thời nắm bắt được trào lưu của văn học thế giới. Đã có không ít người muốn viết tiểu thuyết nhưng đều bỏ cuộc, vì viết tiểu thuyết rất khó và tôi cũng từng muốn bỏ cuộc nhiều lần. Cũng may các chương trình viết văn mà tôi tham gia đã giúp ích rất nhiều", tác giả cuốn sách "Dust Child" cho hay.

Sau khi có tác phẩm, nhà văn Quế Mai đã mất nhiều năm để tìm người đại diện văn học và nhà xuất bản ở Mỹ. Việc tìm được một nhà xuất bản uy tín, có ngân sách quảng bá và mạng lưới phân phối là nhân tố vô cùng quan trọng đối với một cuốn sách.

z5316609162829_dd967d374f4069b405392d2f3d430b21.jpg

Diễm phúc lớn nhất của tôi không phải là bán được bao nhiêu sách, đạt được bao nhiêu giải thưởng mà là tình cảm của độc giả. Tôi cảm thấy mình có một gia đình lớn sau khi viết hai quyển sách này.

Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai

Giành lại quyền kể chuyện về Việt Nam ở quốc tế

Theo nhà văn Quế Mai, hiện có rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Anh đã và đang xuất bản về Việt Nam, nhưng ít tác phẩm trong số đó được viết bởi những người đã sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Trong đó, nhiều tác phẩm viết bởi nhà văn nước ngoài vẫn miêu tả Việt Nam như một cuộc chiến tranh hoặc ở đó người Việt xuất hiện mờ nhạt, làm nền cho câu chuyện của người phương Tây.

Cho nên, việc người người Việt dành lại quyền kể chuyện trong dòng văn học được xuất bản bằng tiếng Anh về Việt Nam là điều rất quan trọng.

"Việc đọc lý thuyết phê bình văn học đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Trong nhiều năm nay, nhiều nhà văn châu Á và châu Phi đã viết để phản kháng lại sự đô hộ của phương Tây trong văn học. Tôi đã học được nhiều từ họ, để từ đó đưa ra quyết định bảo tồn dấu tiếng Việt trong hai tiểu thuyết gần đây.

Theo thông lệ xuất bản quốc tế, thường khi tác giả Việt Nam, văn học Việt Nam xuất bản ở nước ngoài, tên chúng ta, tiếng Việt đều in không dấu. Tôi đã thuyết phục các nhà xuất bản và báo chí quốc tế rằng họ cần phải tôn trọng ngôn ngữ, văn hóa của Việt Nam bằng cách bảo tồn dấu của tiếng Việt", nhà văn Quế Mai nhấn mạnh.

Trong cuốn tiểu thuyết "The Mountains Sing", các nhà xuất bản đã giữ nguyên dấu tên của hơn 20 nhân vật trong sách, dấu tên tác giả và tất cả những từ tiếng Việt dùng trong tác phẩm. Họ hiểu được rằng việc bỏ dấu tiếng Việt là làm sai ngôn ngữ của chúng ta.

Cả hai cuốn tiểu thuyết "The Mountains Sing" và "Dust Child" dù đặt bối cảnh ở chiến tranh nhưng là những câu chuyện về văn hóa Việt Nam, mối quan hệ xã hội, tình yêu gia đình của người Việt. Tác giả muốn bạn đọc quốc tế nhớ đến Việt Nam như một nền văn hóa thay vì chỉ đơn thuần là một cuộc chiến tranh.

Đối với cuốn tiểu thuyết "The Mountains Sing", nhà văn Quế Mai đã viết về sự thăng trầm của lịch sử Việt Nam qua cuộc đời của bốn thế hệ trong một gia đình người Việt. Tiểu thuyết được kể bởi một người bà và một người cháu. Cô cháu gái tên là Hương và năm 12 tuổi, Hương phải cùng bà ngoại của mình cố gắng sống sót qua những trận bom Mỹ dội xuống Hà Nội vào năm 1972. 

Trong khi đó, cuốn tiểu thuyết "Dust Child" được lấy cảm hứng từ hành trình giúp đỡ cựu binh Mỹ về Việt Nam tìm lại người con lai mà họ đã từng ruồng bỏ trong quá khứ. "Khi phỏng vấn các cựu binh và người thân của họ ở Việt Nam, tôi thấy rất xúc động trước nỗi đau mà họ từng phải gánh chịu. Họ đã trải qua rất nhiều biến cố, nhiều anh chị em lai bị kì thị và không có cơ hội được đến trường, nhưng họ vẫn có nghị lực rất lớn", nhà văn Quế Mai tâm sự.

Với cuốn tiểu thuyết này, tác giả cuốn tiểu thuyết "Dust Child" mong muốn cộng đồng cảm thông hơn với anh chị em lai và chung tay giúp họ tìm lại người thân. Bởi hiện nay, có hàng chục ngàn anh chị em lai đang ngày đêm mong muốn được đoàn tụ với gia đình.

Hiện tại, nhà văn Quế Mai đang viết cuốn tiểu thuyết thứ ba đặt bối cảnh sau chiến tranh, về Việt Nam trong thời kỳ hiện đại, bắt đầu từ những năm 80. Tiểu thuyết khắc họa sự thăng trầm của đời sống và bản lĩnh của các nhân vật khi họ vượt qua  biến cố để vươn tới hoài bão và ước mơ của mình.

Nhà văn Quế Mai ký sách tại trụ sở nhà xuất bản Algonquin Books (NewYork, Mỹ).

Xuất khẩu văn học Việt

Dù đã tạo nên nhiều tiếng vang trong nước cũng như quốc tế, nhưng nhà văn Quế Mai vẫn luôn trăn trở về vấn đề xuất khẩu văn học Việt. Theo chị, cơ hội để văn học Việt Nam có thể đến với thế giới rất là nhiều.

Trong Diễn đàn “Người Việt có tầm ảnh hưởng”, tác giả của cuốn tiểu thuyết "Dust Child" đã nói rất nhiều về vấn đề xuất khẩu văn học và chính sách hỗ trợ cần thiết của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề này.

"Khi đi ra thế giới, tôi thấy sự quan tâm của bạn đọc đối với văn học Việt Nam rất lớn, nhưng chúng ta chưa nắm bắt tốt được cơ hội. Chúng ta thiếu vắng một thế hệ dịch giả có thể sống được bằng nghề dịch văn học từ tiếng Việt qua các ngôn ngữ khác, một quỹ hỗ trợ văn học để các dịch giả, các nhà xuất bản quốc tế có thể nộp đơn, đề xuất các dự án cần hỗ trợ. Chúng ta thiếu vắng các khóa đào tạo dịch văn học để dịch giả lành nghề có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm với thế hệ tiếp nối.

Dịch văn học đòi hỏi chuyên môn rất cao, khả năng dùng ngôn ngữ điêu luyện. Dịch ngược văn học từ tiếng Việt ra một ngôn ngữ nước ngoài càng khó hơn", Quế Mai nhắc về khó khăn văn học Việt Nam đang gặp phải.

Đứng trên góc nhìn cá nhân, nhà văn Quế Mai nhìn nhận Việt Nam hiện có nhiều tác phẩm văn học hay, nếu có đội ngũ dịch giả tốt, có thêm quỹ hỗ trợ văn học dịch thì các tác phẩm đó sẽ có cơ hội ra với thế giới. Ngoài ra, cũng có một số tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch và giới thiệu ở nước ngoài, nhưng hầu hết chưa được phát hành và quảng bá rộng rãi.

"Để làm nên sự thành công của một tác phẩm trên diễn đàn văn học thế giới, điều tiên quyết là phải chọn được nhà xuất bản lớn, uy tín và có mạng lưới phát hành rộng để đem tác phẩm đến với nhiều độc giả.

Ví dụ như việc tác phẩm của tôi được dịch ra nhiều ngôn ngữ là do tôi may mắn có được một công ty đại diện văn học tại New York (Mỹ), họ đã bán bản quyền thành công cho nhà xuất bản Algonquin Books (thuộc tập đoàn Hachette) và làm người đại diện đi bán bản quyền cho nhà xuất bản ở các nước", nhà văn Quế Mai chia sẻ. 

Cuốn tiểu thuyết "Dust Child" được đặt bối cảnh ở miền Nam Việt Nam cả trong chiến tranh và thời điểm hiện nay.

Hiện tại, cả hai cuốn tiểu thuyết của nhà văn Quế Mai đang được nhiều nhà xuất bản trên thế giới mua bản quyền. Riêng cuốn tiểu thuyết "The Mountains Sing" đã và đang được dịch ra 25 ngôn ngữ khác nhau. Tại Việt Nam, công ty sách Nhã Nam đang trong quá trình dịch cuốn sách này.

Nhà văn Quế Mai hiện đang kết nối, giới thiệu một số tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới. Khi chúng tôi hỏi rằng chị có thông điệp nào cho thế hệ trẻ Việt Nam không, chị đã bày tỏ niềm tin vào khả năng của họ.

Chị mong muốn các bạn trẻ hãy nỗ lực trau dồi khả năng ngoại ngữ để tự tin bước ra thế giới. Các bạn có thể viết tác phẩm của mình bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, nhưng quan trọng là hãy mang tác phẩm đi giao lưu với nhiều nơi trên thế giới. 

"Tôi mong các bạn trẻ hãy học mỗi ngày. Càng ra biển lớn, tôi thấy mình chỉ là một hạt muối bé nhỏ. Tôi luôn tìm kiếm các tác phẩm có chiều sâu về nội dung và cảm xúc từ các nhà văn Việt Nam và các nhà văn quốc tế để đọc, học hỏi từ họ. Tôi cũng đang cần học hỏi từ những người trẻ, nhất là về việc áp dụng công nghệ trong nghiên cứu và trong quảng bá tác phẩm", nhà văn Quế Mai chia sẻ.

Kông Anh

Tin mới