Hoàng Hoa Trung chia sẻ về chương trình thiện nguyện khi ở thủ đô Paris, Pháp dự sự kiện Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024".
Hoàng Hoa Trung - Chàng trai Hà Nội sinh năm 1990, trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin - được nhiều người biết đến với biệt danh Trung "Nuôi em”, Trung "đồng nát” đã dành cả tuổi trẻ để cùng cộng sự viết nên “trang sách mới” cho trẻ em vùng cao thông qua dự án "Nuôi em".
Chúng tôi có cơ hội gặp gỡ Trung tại Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024" diễn ra ở Paris, Pháp vào cuối tháng 3. Giữa hàng trăm người tham dự, chàng trai Hà Nội khá nổi bật với nụ cười luôn nở trên môi cùng mái tóc dài ngang vai.
Đối với Trung, được trở thành khách mời tham gia Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024" là giấc mơ với anh. Tại đây, chàng trai trẻ có cơ hội giao lưu, trao đổi cùng nhiều người nổi tiếng khác về cách làm dự án thiện nguyện, giúp chúng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Nhiều máy tính đã đến với các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa nhờ vào chương trình “Phòng tin học cho em”.
“Bữa cơm trưa” khơi nguồn ý tưởng
Trước khi đi lên bản làng vùng cao, Hoàng Hoa Trung từng có thời gian xây dựng các dự án thiện nguyện tại Hà Nội. Nhưng đến năm 2009, nhận thấy Hà Nội có rất nhiều hoạt động tương tự, chàng trai trẻ quyết định dịch chuyển đối tượng hỗ trợ từ Hà Nội lên vùng cao.
“Có thời điểm, số lượng người muốn đóng góp lên đến hàng trăm, hàng nghìn nhưng số lượng người cần giúp đỡ thì có hạn. Thậm chí, có những ngày các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật đón 10 - 15 đoàn thiện nguyện, khiến các em cảm thấy mệt mỏi khi cùng lúc phải đón nhiều đoàn như vậy. Trong khi đó, con số này lại không xảy ra đối với trẻ em vùng cao - nơi có điều kiện sinh sống, học tập rất khó khăn”, anh Trung nói.
Từ đó, anh Trung cùng những người đồng hành bắt đầu hành trình rong ruổi lên vùng cao. Các dự án gây quỹ xây trường học, tặng nhu yếu phẩm cần thiết cho học sinh dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới được thực hiện.
Tuy nhiên, trong một lần quay trở lại điểm trường thuộc một bản nhỏ của xã Nậm Vì (Điện Biên) do mình và cộng sự thực hiện, anh Trung phát hiện buổi sáng số lượng học sinh đi học có 20 em thì chiều chỉ còn 4 em. Qua thực tế nhiều ngày sống cùng bà con, chàng trai trẻ mới lý giải được, tại sao trẻ em vùng cao hay bỏ học.
“Do gia cảnh nghèo tới mức không có cơm mang theo, bố mẹ lại lên nương nên cứ đến buổi trưa, các em lại khoác lên lưng chiếc gùi và đi vào rừng đào măng về luộc ăn lót dạ. Khi đã no bụng thì trời cũng chuyển tối, nhà lại cách xa trường, nên không em nào có thể quay lại trường để học tiếp buổi chiều. Cũng chính từ bữa cơm trưa đó, tôi cùng cộng sự bắt đầu lên kế hoạch và thực hiện ý tưởng về chương trình thiện nguyện nuôi cơm trưa cho học sinh miền núi mang tên Nuôi em”, chàng trai trẻ chia sẻ.
Ngay từ những ngày đầu thực hiện, Nuôi em đã không hứa hẹn thực hiện những kế hoạch vĩ mô, chỉ có mong muốn đơn giản là mang đến những điều ý nghĩa và thiết thực: Chỉ một bữa cơm trưa để các em nhỏ có thể hào hứng đến trường. Và Hoàng Hoa Trung cùng cộng sự trong dự án của mình đã làm được điều đó.
Các em nhỏ ở vùng cao giờ đã có áo ấm để mặc nhờ vào sự quyên góp, ủng hộ từ các nhà hảo tâm.
Những con số biết nói
Đến thời điểm hiện tại, dự án Nuôi em đã có mặt tại ba quốc gia. Hỗ trợ cho 650 học sinh tại Campuchia, 350 học sinh tại Kenya (châu Phi) và Dự án đang đồng hành, hỗ trợ ở 23 tỉnh, thành tại Việt Nam với số lượng 95.000 học sinh.
Dự án Nuôi em đưa ra cách làm rất cụ thể, mỗi cá nhân sẽ nhận nuôi một bé với số tiền đóng góp hàng tháng là 150.000 đồng. Với số tiền đó, các bé sẽ được ăn bán trú tại trường. Ngoài ra, thầy cô giáo cắm bản được kết nối cùng người nhận nuôi, mỗi tháng một lần họ cập nhật thông tin với nhau và một năm sẽ đi thăm các em một lần.
Sau hơn 10 năm làm thiện nguyện, Hoàng Hoa Trung cùng nhóm tình nguyện đã thực hiện hàng loạt chương trình, dự án khác ngoài “Dự án Nuôi em” như: “Thiệp nhân ái”, “Dự án Ánh sáng núi rừng”, “Dự án Dũng sỹ bạt”, “Dự án Sức mạnh 2000”, “Dự án Tủ sách nuôi em”... giúp đỡ hàng trăm nghìn trẻ em nghèo vùng cao.
Đặc biệt, Hoàng Hoa Trung rất tự hào khi nhắc đến dự án Tủ sách nuôi em. Chỉ trong 10 tháng, bằng tất cả sự nỗ lực, Dự án đã chuyển thành công 709 tủ sách đến gần 1.000 điểm trường tại 11 tỉnh, thành.
Chia sẻ về những thay đổi so với cách đây hơn 10 năm, anh Trung cho biết, trước đây đi gây quỹ ở từng điểm trường, kiếm từng nghìn đồng để tích lại thành vài trăm triệu, nhưng bây giờ khác là nhóm không đi từng nơi vận động nữa mà chỉ cần ngồi một nơi để lo vận hành dòng tiền.
“Trước đây cả năm chỉ gây quỹ được vài trăm triệu nhưng hiện nay con số có lúc lên đến hàng chục tỷ đồng, vì vậy phải vận hành dự án, vận hành dòng tiền một cách chuẩn nhất.
Ngoài ra có khó khăn liên quan đến công việc nhiều hơn, số lượng người theo dự án nhiều hơn và chúng tôi cũng phải tìm nguồn để chi trả cho các bạn tham gia chương trình hàng tháng vì các bạn ấy đã đến tuổi đi làm và cần có tiền để trụ lại”, Trung chia sẻ.
Nhiều điểm trường mới được xây dựng khang trang, thay thế trường tạm nhờ các dự án thiện nguyện của Trung và nhóm của mình.
Muốn làm thiện nguyện cả đời
Sau những năm tháng rong ruổi lên vùng cao làm thiện nguyện, anh Trung xem đây mới là cuộc sống thực sự của mình: ''Đối với tôi, thiện nguyện chính là một phần của cuộc sống. Khi được giúp đỡ trẻ em nghèo nơi vùng cao biên giới có quần áo ấm mặc, có sách vở, trường đẹp, bữa ăn no đủ,… để học tập là điều hạnh phúc nhất. Dù không thể tránh khỏi những khó khăn, vất vả khi thực hiện công tác thiện nguyện, nhưng với tôi khi mình làm điều ý nghĩa sẽ nhận lại được điều tương tự''.
Ngoài dấu mốc năm 17 tuổi đưa trưởng Dự án Nuôi em đến với các dự án thiện nguyện, còn có một gặp gỡ định mệnh khác cũng giống như kim chỉ nam cho hướng đi của cuộc đời Hoàng Hoa Trung.
Trong một lần tham gia chương trình thiện nguyện Quốc gia của Trung ương Đoàn, ông chủ dự án Nuôi em khi ấy đã nói: "Nếu em biến được Nuôi em thành mô hình, ngay cả khi em chết đi, mô hình ấy vẫn chạy và tiếp tục được nhân rộng". Câu nói này chính là bước ngoặt, giúp Trung cùng cộng sự có thêm động lực đưa các dự án phát triển lớn mạnh.
Thời gian tới, Hoàng Hoa Trung dự định tập trung vào những dự án giúp đỡ cho từng cá nhân, nhóm đối tượng cụ thể và hỗ trợ các đơn vị muốn làm thiện nguyện sẽ được làm thiện nguyện. Bên cạnh đó, chàng trai trẻ cũng mong muốn xây dựng mô hình hỗ trợ thầy cô giáo vùng cao có cuộc sống ổn định hơn.
“Thiện nguyện vừa giúp tôi vừa có thể giúp đỡ được người khác lại có thể được đi nhiều nơi, học hỏi nhiều thứ. Đó là những điều giúp tôi theo đuổi thiện nguyện lâu dài và cảm giác chúng luôn tươi mới, chứ không cũ.
Khi gặp những em nhỏ vùng cao, những người khó khăn và cảm thấy có quá nhiều thứ để có thể cải thiện thì mình cứ theo đuổi thôi. Tôi xác định từ lâu là tôi làm thiện nguyện cả đời vì đây là niềm vui, niềm đam mê không có lý do để bỏ. Bản thân tôi không quá quan trọng sự nghiệp, không quan trọng chuyện kiếm tiền nhiều”, anh Trung bày tỏ.
nuoi-em-2.jpeg
Đối với tôi, thiện nguyện chính là một phần của cuộc sống, và được giúp đỡ trẻ em nghèo vùng cao điều hạnh phúc nhất.
Hoàng Hoa Trung
Luôn đảm bảo minh bạch
Để có thể thực hiện thiện nguyện cả đời và được mọi người đồng hành trên chặng đường sắp tới, anh Trung luôn quan tâm đến tính minh bạch của các dòng tiền khi đưa vào dự án. Trong suốt nhiều năm qua, trưởng Dự án Nuôi em đã có cách hoạt động riêng, đạt được niềm tin tuyệt đối từ cộng đồng.
Nhóm thiện nguyện của anh Trung sẽ không trực tiếp chi tiền, mà chuyển toàn bộ số tiền nhận được đến cơ quan chức năng của Nhà nước như Trung ương Đoàn, Phòng Giáo dục huyện hay Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã hoặc lãnh đạo các điểm trường vùng cao để giúp việc giải ngân số tiền rõ ràng hơn và phù hợp với một số quy định liên quan đến chứng từ tài chính.
“Các dự án của Nuôi em đều hướng đến tư duy không thu tiền và giúp người khác được làm thiện nguyện. Từ đó, tạo ra một môi trường việc tốt, người tốt được cộng đồng hưởng ứng.
Ví dụ như mình giúp người ta làm từ thiện bằng cách lấy chính những cái mà họ có. Đối với những công ty xây dựng, mình lấy xi măng của họ để đi làm tình nguyện chứ không lấy tiền của họ để mua xi măng hay công ty sản xuất, sữa chửa máy tính thì mình xin máy tính, xin những sản phẩm họ sản xuất về cho các em”, anh Trung nhấn mạnh.
Cho nên, đối với anh Trung khi nhắc đến chuyện minh bạch là nhắc đến chuyện tiền nong. Nếu chúng ta không nhận tiền thì đã có thể chứng minh được tính minh bạch trong tất cả mọi dự án. Đây cũng chính là cách Dự án Nuôi em áp dụng từ năm 2023 trở đi.
Nhân rộng mô hình "Nuôi em" ra toàn thế giới
Sau những thành công trong nước, anh Trung còn phối hợp cùng mọi người nhân rộng Dự án Nuôi em tại Kenya (châu Phi). Trường Tiểu Học Kagaa - một ngôi trường nhỏ rất thiếu thốn về cơ sở vật chất và có 480 em nhỏ đang theo học là nơi Sức mạnh 2000 chọn làm điểm đến đầu tiên.
"Việc xây trường và cung cấp bữa ăn cho trẻ em tại Kenya nhằm mục tiêu đưa Nuôi em ra thế giới và kết nối cộng đồng người Việt với nhau, giúp đẩy mạnh nguồn tài trợ về cho dự án tại Việt Nam. Đồng thời, giúp thêm nhiều những trẻ em Kenya tiếp tục được đến trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn đem Dự án Nuôi em nhân rộng toàn thế giới để xóa bỏ tình trạng vì đói ăn mà không thể tới trường", anh Trung cho hay.
Các em nhỏ tại Trường Tiểu Học Kagaa.
Không chỉ có ở Kenya, Dự án Nuôi em tại Campuchia cũng đã bắt đầu những bước đi đầu tiên. Những điểm trường nhận được sự hỗ trợ của Nuôi em đều là điểm trường tự phát, không phải trường thuộc hệ thống giáo dục của Campuchia.
Có một điều đặc biệt là học sinh tại 6 ngôi trường này đều là người Việt Nam, các em được học cả tiếng Việt và tiếng Campuchia, theo giáo trình cấp Tiểu học của nước ta.
Các em học sinh thuộc Dự án Nuôi em tại Campuchia.
Ngoài ra, xây dựng trường học ngoài biên giới Việt Nam cũng là một trong những mục tiêu được Hoàng Hoa Trung cùng cộng sự hướng tới trong thời gian gần đây. Điều này không chỉ giúp trẻ em ở các vùng xa xôi đến gần hơn với tri thức, mà còn giúp đội ngũ Sức mạnh 2000 tiếp cận tới cộng đồng người Việt tại nước ngoài.
Anh Trung cùng đội ngũ cộng sự tiếp tục xây trường lại Trường Tiểu Học Kagaa sau khi thực hiện Dự án Nuôi em tại đây. Với mong muốn mang đến cho các em học sinh nơi đây một môi trường học tập tốt hơn, khi toàn bộ cơ sở vật chất đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Cùng với sự hỗ trợ của ông Vivek Kumar Kalyan, Chủ tịch và người sáng lập tổ chức Siddhartha Compassion Trust hay Quỹ Từ Bi Siddhartha, Dự án Xây trường tại một ngôi làng nhỏ tên là Arjun Bigha (Ấn Độ) tiếp tục được triển khai.
"Một ngôi trường mới tại đây sẽ đem đến tương lai cho 200 hộ gia đình, mỗi gia đình 10 người là thay đổi cuộc sống của ít nhất 2000 người trong vòng 30 năm sau", trưởng nhóm Sức mạnh 2000 nhấn mạnh.