Năm 2011, khi Giulia Manca lần đầu đặt chân đến Pianosa - từng được mệnh danh "Đảo Quỷ", nơi giam giữ tù nhân của Italy - cô chỉ mong chờ một kỳ nghỉ đầy thư giãn.
Nhưng cuộc đời cô có bước ngoặt khi lưu trú tại khách sạn Milena bên bờ biển, nơi có cai ngục, cùng các tù nhân nam làm đầu bếp, làm vườn, bồi bàn, dọn dẹp bãi biển và rửa bát đĩa. Họ phục vụ đồ uống buổi tối cho khách, nhà hàng và quán bar.
"Tôi đã ở khách sạn một tuần và không muốn rời đi. Đó là một kỳ nghỉ độc đáo, và dự án nhân đạo trao cơ hội thứ hai cho các tù nhân khiến tôi bị thu hút", Manca kể với CNN.
Hoạt động của khách sạn nằm trong chương trình phục hồi chức năng của hòn đảo, điều hành bởi Arnera, một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh xã hội là giúp đỡ những người dễ bị tổn thương.
Nằm gần Gorgona, một hòn đảo nhà tù khác của Italy, Pianosa được thành lập vào những năm 1700 để giam giữ những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, kẻ cướp và những người cách mạng.
Hòn đảo là căn cứ cho một nhà tù an ninh đặc biệt cho đến năm 1998, khi trại giam đóng cửa. Một số cư dân cuối cùng trên đảo đã rời đi và Pianosa bị bỏ hoang trong nhiều năm.
Tới gần đây, du khách mới được phép lên đảo, và những người đến thăm phải thông qua các công ty lữ hành cụ thể.
Được bao quanh bởi những cây thông, khách sạn Milena có trần nhà được vẽ bích họa và có 11 phòng gym với đồ nội thất bằng gỗ và view tuyệt đẹp ra biển. Đây cũng là điểm lưu trú duy nhất cho khách du lịch trên đảo.
Manca đã ở lại đảo để quản lý khách sạn, giúp đỡ những tù nhân làm việc tại đây.
Khi nghe quản lý lúc đó nói rằng khách sạn đang gặp khó khăn về tài chính và có nguy cơ đóng cửa, Manca thấy lo lắng. Nếu điều đó xảy ra, các phạm nhân sẽ phải quay về nơi giam giữ.
"Tôi cảm thấy mình phải làm gì đó để giúp, nếu không họ sẽ quay trở lại phía sau song sắt, không có cơ hội học một công việc có thể giúp ích khi được trả tự do", Manca, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, bày tỏ.
Cô quyết định ở lại, đảm nhận vị trí quản lý khách sạn, ban đầu làm miễn phí.
Chỉ trong vài năm, Manca đã xoay chuyển tình thế một cách đáng kể: khách sạn Milena trở thành một địa điểm tổ chức tiệc sinh nhật và đám cưới nổi tiếng, nhiều người đổ xô tới đây vì tò mò về đội ngũ nhân viên đặc biệt.
Từng có biệt danh là Đảo Quỷ, Pianosa giờ đây là nơi nghỉ dưỡng hạnh phúc được yêu thích nhờ những bãi biển tuyệt đẹp và thảm thực vật xanh tốt.
Để được nhận vào chương trình cải tạo tại Hotel Milena, các tù nhân phải chấp hành ít nhất 1/3 thời hạn trong tù, đồng thời trải qua một loạt bài kiểm tra đánh giá tâm lý và xã hội nghiêm ngặt.
Trong 12 năm qua, Manca đã làm việc với khoảng 100 tội phạm đang bị quản chế vì nhiều tội danh, bao gồm cả tội giết người.
Khách du lịch chụp ảnh với các tội phạm đang cải tạo trên đảo.
Dù làm việc cùng nhiều tù nhân, Manca luôn cảm thấy thoải mái khi ở trên đảo, coi nó như nơi trú ẩn an toàn. Cô cũng có cảm giác mạnh mẽ rằng những tù nhân đó sẽ đóng góp được nhiều cho xã hội khi ở trên đảo so với sau những song sắt.
"Tôi tin vào sức mạnh của sự chuộc tội, và ngay cả những kẻ phạm tội cũng nên có cơ hội thứ hai, họ không nên 'thối rữa' sau song sắt mà nên tích cực tham gia vào các nhiệm vụ cải tạo. Tôi thích nhìn thấy họ trở lại với cuộc sống thông qua công việc", Manca chia sẻ.
Manca được đặt biệt danh “Nữ hoàng Pianosa”. Cô thừa nhận rằng công việc này khiến bạn bè và những người thân phải nhướng mày bởi nhận thức được những rủi ro khi trở thành người phụ nữ duy nhất bên cạnh một nhóm tù nhân.
Manca, người cũng là thành viên của Arnera, nói: "Mọi người luôn nói rằng tôi thật điên rồ khi đảm nhận một công việc như vậy: là người phụ nữ duy nhất làm việc và sống bên cạnh những nam phạm nhân chưa bị buộc tội nhẹ".
Nhưng cô chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi hay lo lắng. Phụ trách một nhóm phạm nhân có nhiều thách thức, nhưng Manca cố gắng để tạo ra ranh giới rõ ràng nhằm đảm bảo rằng chương trình phục hồi có hiệu quả.
Pianosa từng là hòn đảo giam giữ nhiều tù nhân nguy hiểm của Italy.
Cô giải thích mối quan hệ giữa mình với nhân viên dựa trên tôn trọng lẫn nhau, cô có thể đạt được sự cân bằng việc giữ khoảng cách và tỏ ra có thẩm quyền nhưng cởi mở, để hỗ trợ họ.
Mỗi tuần, Manca lên phà trong chuyến hành trình kéo dài 3 giờ đến đất liền Tuscany để giải quyết các công việc lặt vặt và hành chính. Cô rời đi lúc bình minh và trở về Pianosa vào ban đêm.
Manca nhận xét không giống như Gorgona gần đó, nơi những người bị kết án phải trở lại phòng giam của họ sau khi hết giờ, những người tù ở Pianosa được phép tự do đi lang thang. Buổi tối, họ được tự do xuống biển ngâm mình.
Các tù nhân ở Pianosa được trả lương hàng tháng cho công việc tại khách sạn và ở trong khu nhà tù cũ trước đây, nơi đã được cải tạo thành các studio ấm cúng, có phòng tập thể dục, nhà bếp và các phòng riêng.
Họ cũng được cấp điện thoại để giữ liên lạc với gia đình.
Tuy nhiên, họ phải rời chỗ ở lúc sáng sớm và trở về vào một thời điểm cụ thể vào buổi tối, bị giám sát và có bảo vệ để mắt đến họ.
Theo một báo cáo năm 2020 của Hội đồng Châu Âu, các nhà tù ở Italy được coi là một trong những nơi vô nhân đạo và đông đúc nhất ở châu Âu, với 120 tù nhân trên 100 giường, trong khi tỷ lệ tự tử trong tù tăng 300% kể từ năm 1960, tỷ lệ tái phạm là 75%.
Do đó, Pianosa chắc chắn là một lựa chọn thay thế hấp dẫn hơn nhiều đối với những người sắp mãn hạn tù.
Manca tự hào về sự thành công của “mô hình Pianosa”, giải thích rằng tỷ lệ những người có thời gian cải tạo trên đảo tái phạm tội chỉ 0,01%.
Những người phạm tội có thể chấp hành phần còn lại của bản án khi làm việc tại khách sạn nếu biết cư xử tốt, và một số người đã ở đây 5-10 năm. Tuy nhiên, bất cứ ai không biểu hiện tốt có thể bị đưa ngược lại nhà tù.
Manca cũng giữ liên lạc với những người đã rời Pianosa để bắt đầu một cuộc sống mới, sử dụng các kỹ năng họ đã học được trên đảo. Thông qua mạng xã hội, cô biết được một số người đã trở thành ủy viên hội đồng cho các tù nhân ở các nhà tù khác sau khi làm việc tại khách sạn.
"Ngay cả con gái Yolanda của tôi, khi còn nhỏ có chút hoài nghi về công việc của mẹ, giờ đây cũng đánh giá cao hòn đảo này và hiểu tầm quan trọng của những gì tôi làm, nói rằng tôi là một người may mắn", Manca bày tỏ.