Château d'If được xây dựng năm 1529 trên một hòn đảo có diện tích khoảng 30.000 m2 nằm ngoài khơi vịnh Marseille, Pháp.
Château d'If có 3 tầng, được xây theo cấu trúc hình vuông (dài 28 mét) và rất kiên cố khi được bao bọc bởi những viên gạch, đá lớn. Hai bên là 3 tòa tháp với các lỗ châu mai có đại bác lớn. Phần còn lại được trang bị vũ khí dày đặc, thành lũy cao.
Nơi đây còn được xem là “cửa sổ đẹp nhất của nước Pháp ở phía bắc Địa Trung Hải”. Ngoài ra, Château d'If được xây dựng theo cảm hứng thời trung cổ gồm một bốt gác, 3 tòa tháp, tường cao. Những đặc điểm đó nhằm tiếp viện quân sự và pháo hạng nặng khi xảy ra chiến tranh.
Nhà tù Château d'If nằm ngoài khơi thành phố Marseille. (Ảnh: Prisonhistory)
Ban đầu, Château d'If không phải nhà tù mà là pháo đài hoàng gia đầu tiên của thành phố Marseille. Pháo đài được dựng lên để bảo vệ thành phố Marseille khỏi quân Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây cũng là khu vực quan trọng để tàu thuyền hoàng gia neo đậu hoặc thoát hiểm. Tháng 7/1531, Hoàng đế La Mã Charles V tổ chức đợt tấn công vào Marseille nhưng sau đó, ông từ bỏ kế hoạch xâm lược bởi sự hiện diện của pháo đài Château d'If.
Việc xây dựng pháo đài cũng gây ra nhiều tranh cãi. Khi Marseille bị Pháp thôn tính năm 1481, thành phố này vẫn duy trì quyền tự trị quốc phòng. Do đó, khi xây pháo đài, nhiều người dân địa phương coi đây là một sự áp đặt và kiểm soát của chính quyền đối với họ.
Trải qua thời gian, pháo đài dần rời xa mục đích xây dựng ban đầu trước khi trở thành một nhà tù. Theo các nhà chiến lược quân sự, Château d'If là một nơi lý tưởng để lập nhà tù, bởi vị trí địa lý đặc biệt với những dòng chảy nhanh, chảy xiết bao quanh khiến tù nhân khó lòng trốn thoát. Ngay cả vận động viên bơi lội khỏe nhất cũng không thể vượt quãng đường 1.500 m để thoát ra ngoài.
Gần 400 năm qua kể từ năm 1540, nhà tù giam giữ tất cả tù nhân bị kết án về các tội: Trộm cắp tài sản, cướp bóc, hiếm dâm, giết người và cả những tù nhân chính trị, tôn giáo.
Cảnh quay trong phòng giam của Edmond Dantès trong phim Bá tước Monte Cristo. (Ảnh: Flickr)
Nhà tù từng là nơi áp dụng nhiều hình phạt tra tấn như bỏ đói tù nhân đến chết, nhiều người còn trở nên điên dại hoặc bị mất trí nhớ. Mỗi tuần một lần, các tù nhân được đến thăm nhà thờ nguyện Notre Dame de Passion. Ở đó, họ tạ ơn Chúa và cầu xin sự tha thứ.
Việc phân bổ tù nhân tại Château d'If dựa trên tình trạng xuất thân của mỗi cá nhân. Những người nghèo bị xếp vào các phòng giam ở tầng trệt, nơi không có ánh sáng kèm điều kiện thiếu thốn. Điều này khiến các tù nhân chỉ sống được nhiều nhất là 9 tháng.
Còn những tù nhân giàu có được ở trong các phòng giam rộng rãi hơn. Họ có cửa sổ, ống khói nhưng đổi lại, họ phải trả tiền để được vào những nơi giam giữ này.
Nhà tù cũng từng giam cầm nhiều tù nhân nổi tiếng, trong đó có Jean-Baptiste Chataud (kẻ gây ra đại dịch hạch cho Marseille năm 1720), bá tước Mirabeau, hầu tước De Sade, bá tước Monte Cristo, công tước xứ Orléans Philippe II, Comte de Mirabeau hay lãnh đạo Công xã Paris Gaston Crémieux (bị xử bắn tại nhà tù này năm 1871).
Chateau d'If là nhà tù khét tiếng theo đúng nghĩa đen nhưng nơi đây lại trở nên nổi tiếng thế giới nhờ cuốn tiểu thuyết kinh điển Bá tước Monte Cristo của nhà văn Alexandre Dumas. Cuốn sách kể câu chuyện về thủy thủ Edmond Dantès, người bị buộc tội phản quốc và phải sống 14 năm tại Château d'If trước khi ông ta quyết định vượt ngục.
Thật may mắn, Edmond Dantès đã vượt ngục thành công và phát hiện kho báu được cất giấu trên hòn đảo Monte Cristo. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có vụ vượt ngục thành công nào được ghi nhận ở Chateau d'If.
Du khách đến thăm qua nhà tù Château d'If. (Ảnh: Marseilletourisme)
Những tù nhân cuối cùng rời khỏi Château d'If vào năm 1914. Sau đó, chiến tranh thế giới thứ 2 diễn ra và quân đội Đức đã xâm chiếm nhà tù.
Château d'If được phi quân sự hóa và đóng cửa vào ngày 23/9/1890. Hiện nay, Château d'If vẫn còn hoạt động nhưng chỉ là một điểm thu hút khách du lịch.
Du khách từ khắp nơi trên thế giới đến thăm và khám phá nhà tù nổi tiếng này. Đặc biệt là phòng giam của thủy thủ Dantès. Nhà tù cũng được Bộ Văn hóa Pháp công nhận là di tích lịch sử vào năm 1962.