Theo RT, người Mỹ đang cảm thấy "chua chát" về việc viện trợ cho Ukraine, bằng chứng là sự ủng hộ với việc này đã giảm đáng kể ở cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ kể từ khi Kiev bắt đầu chiến dịch phản công vào tháng 6.
Kết quả một cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos công bố ngày 5/10 (giờ địa phương) cho thấy, chỉ 41% số người được hỏi đồng ý rằng chính phủ Mỹ “nên cung cấp vũ khí cho Ukraine”, trong khi 35% cho biết "không đồng ý" và phần còn lại "không chắc chắn".
Các số liệu này đánh dấu sự sụt giảm mạnh so với cuộc thăm dò trước đó của Reuters được thực hiện hồi tháng 6, thời điểm cho thấy 65% người tham gia khảo sát ủng hộ việc tiếp tục vũ trang cho Ukraine.
Theo Sputnik, trái với bề ngoài đảng Dân chủ lên tiếng nhiều hơn trong việc ủng hộ viện trợ vũ khí tới Ukraine, thì sự ủng hộ dường như đang suy yếu dần trong nội bộ đảng này. Dù vẫn có tới 52% số được hỏi cho biết họ vẫn ủng hộ viện trợ quân sự trong cuộc thăm dò mới nhất, nhưng con số này đã giảm mạnh so với mức 81% được ghi nhận vào tháng 6, khoảng thời gian lực lượng Ukraine bắt đầu một cuộc phản công lớn.
Trong khi đó tại đảng Cộng hòa, chỉ khoảng 35% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ việc viện trợ cho Ukraine trong cuộc khảo sát mới, giảm từ mức 56% vào tháng 6.
Một lô đạn pháo viện trợ cho Ukraine được chuẩn bị tại Căn cứ Không quân Dover, Delaware, Mỹ. (Ảnh: AP)
Việc tiếp tục viện trợ cho Kiev trở thành điểm nóng chính trị tại Quốc hội Mỹ, khi các nhà lập pháp đấu tranh về gói chi tiêu dài hạn nhằm ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa trước ngày 17/11. Biện pháp tạm thời ban đầu dự kiến sẽ bao gồm hàng tỷ USD viện trợ cho Ukraine, nhưng đảng Cộng hòa đã thúc đẩy thành công việc loại bỏ khoản tài trợ đó khỏi luật.
Bất chấp sự đảm bảo từ Lầu Năm Góc rằng cuộc khủng hoảng ngân sách liên bang sẽ không ảnh hưởng đến viện trợ của Mỹ cho Ukraine, các quan chức chính quyền cấp cao lại chỉ ra điều ngược lại, gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng "mất hỗ trợ" cho Kiev trong trường hợp chính phủ đóng cửa.
Hôm 4/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Khi Quốc hội làm việc thông qua các cơ chế và thủ tục khác nhau, trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi không thể cho phép sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine bị gián đoạn. Ngay cả một sự chậm trễ ngắn cũng có thể tạo nên sự khác biệt trên chiến trường".
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ rằng các quan chức đang tìm kiếm “phương pháp giải quyết” để duy trì dòng viện trợ cho Ukraine nếu các nhà lập pháp không đạt được thỏa thuận trước thời hạn tháng 11.
Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết ông sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội để giải thích lý do tại sao cần phải tiếp tục giúp Kiev, nhấn mạnh rằng việc Ukraine thành công hoàn toàn có lợi cho lợi ích của Mỹ.
Mỹ đã cung cấp hơn 45 tỷ USD viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga leo thang vào tháng 2/2022, bao gồm xe tăng, pháo binh, hệ thống phòng không, máy bay không người lái và đạn dược.
Moskva đã nhiều lần lên án việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Ukraine, cho rằng việc này sẽ không có tác dụng gì mà chỉ kéo dài cuộc chiến.
Bình luận về sự "bế tắc" ngân sách ở Mỹ, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết bất đồng chỉ là “hiện tượng tạm thời”, ẩn ý rằng Washington sẽ tiếp tục can dự sâu vào cuộc xung đột trong tương lai.