Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người Mỹ làm nông ở Nga

(VTC News) -

Anh nông dân Justus Walker sinh ra ở Mỹ nhưng lại hoàn thành “giấc mơ Mỹ” của mình tại vùng nông nghiệp ở Altai, phía tây Siberia.

Justus Walker hay còn được hàng xóm gọi với cái tên Merry Milkman sinh ra ở Mỹ và cùng bố mẹ di cư đến Nga vào năm 1993. Bố mẹ Walker trở về Mỹ vào năm 2000 nhưng anh lại lựa chọn ở lại.

Anh nông dân Walker bắt dầu xây dựng nông trại đầu tiên của mình tại vùng Krasnoyarsk, miền đông Siberia, và lấy vợ sau đó. Năm 2016, anh cùng cả gia đình nhỏ của mình chuyển đến vùng Altai ở tây Siberia – khu vực được cho là phù hợp để trồng trọt và chăn nuôi.

Chia sẻ với Sputnik, Walker nói rằng: “Có một huyền thoại về người Mỹ đó là thích trở thành người tiên phong đi đến những vùng hoang dã và bắt đầu xây dựng mọi thứ ở mảnh đất họ chọn”.

Cũng theo Walker, ngày nay không còn nhiều người Mỹ sẵn sàng thực hiện việc đi về miền hoang dã để khởi đầu cuộc sống mới. Anh cũng chia sẻ rằng bản thân khá may mắn khi vợ anh - Rebecca, cũng là một người Mỹ ủng hộ ý định chuyển đến Altai màu mỡ hơn để định cư.

Anh Justus Walker và gia đình nhỏ của mình tại vùng Altai. 

Người Mỹ làm nông ở Nga

Khi nói về những thuận lợi của việc làm nông nghiệp ở Nga, Walker nhấn mạnh vào việc đất nông nghiệp của Nga tương đối rẻ. Nếu cùng với diện tích đất tương tự, một người nông dân ở Mỹ hoặc Canada sẽ phải bỏ ra một khoảng đầu tư rất lớn.

Walker nói thêm rằng, tùy thuộc vào quy mô của nông trại sẽ có từng mức giá khác nhau. Điển hình như nông trại cỡ trung bình như của anh vào khoảng 100 ha chi phí ban đầu không quá lớn, thậm chí tiền mua máy nông nghiệp còn cao hơn cả tiền mua đất.

Để so sánh, Walker lấy ví dụ về ba chiếc xe của gia đình gồm một xe bán tải nhỏ, một máy gặt đập liên hợp Niva và một máy kéo Largus – giá trị cả ba chiếc xe này cộng lại bằng đúng số tiền bỏ ra để mua đất.

Điều đó cũng đồng nghĩa là tỷ lệ đầu tư trên lợi nhuận làm nông ở Nga cao hơn mặc dù không dễ gì làm giàu bằng nông nghiệp. Dù vậy ở Nga nếu nông trại của bạn ở mức trung bình, chỉ mất từ 5 – 7 năm để hoàn lại vốn đầu tư ban đầu.

Còn số trên là điều không tưởng đối với nhiều nông dân ở Mỹ, Canada hoặc bất kỳ nơi nào khác trên thế giới đã tiến hành cơ giới hóa nông nghiệp, Walker nhấn mạnh.

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa mì tại một trang trại ở vùng Ust-Labinsk, Nga. (Ảnh: Andrey Rudakov/Bloomberg)

Chính sách hỗ trợ nông dân của Nga

Theo Walker, bên cạnh giá dất nông nghiệp thấp, làm nông ở Nga cũng nhận được hỗ trợ từ chính phủ.

"Chính phủ Nga có rất nhiều chương trình hỗ trợ nông dân, mỗi trường hợp sẽ có từng mức hỗ trợ bao gồm cả khởi nghiệp hoặc thành lập các hợp tác xã”, Walker nói.

Tuy nhiên Walker cũng nhắc đến việc các quan chức địa phương chưa thực hiện đúng với những gì chính phú cam kết. Thay vì chờ đợi hỗ trợ từ ngân sách, gia đình anh quyết định chăm chỉ làm việc và mua thêm đất để tăng thu nhập.

Dù vậy Walker và gia đình của anh vẫn được hưởng lại từ các chính sách khác đối với nông dân, đó là cho phép xây dựng nhà ở lâu dài trên đất nông nghiệp. Luật này mới được thông qua vào năm 2021, về cơ bản cho phép nông dân xây dựng một ngôi nhà trên đất nông nghiệp của mình, diện tích ngôi nhà hoặc nông trại không được vượt quá 0,25% diện tích đất và diện tích xây dựng không quá 500 m2.

Một chương trình hỗ trợ khác, được Walker đề cập là điện khí hóa nông thôn: "Bạn có thể được giảm hóa đơn sử dụng năng lượng thậm chí gần như miễn phí. Ngoài ra đất nông nghiệp của bạn còn được hỗ trợ kéo đường dây điện đến tận nơi nếu chứng minh nó đang hoạt động".

Khi được hỏi về lời khuyên cho những nông dân Mỹ đang cân nhắc khả năng chuyển đến Nga, Walker nói rằng, bạn nên thực hiện một chuyến đi dài ngày đến Nga trước khi đưa ra quyết định, đến nhiều vùng nông nghiệp khác nhau hoặc có thể xin làm việc tại một nông trại hoặc hợp tác xã nào đó để có nhận định tốt nhất.

Đất nông nghiệp thấp và có nhiều hỗ trợ từ chính phủ giúp nông dân Nga dễ khởi nghiệp hơn. (Ảnh: Sputnik)

Tại sao ngành nông nghiệp Nga lại mạnh?

Theo Walker, Nga có tiềm năng trở thành cường quốc nông nghiệp của thế giới và khó có quốc gia nào có thể sánh được, dù không phải cái gì cũng thuận lợi.

Anh Walker cũng nói rằng người Nga khá tự ti về giới hạn địa lý khu vực họ sinh sống, kiểu như các vùng phía bắc gần như không quan tâm đến nông nghiệp dù họ có thể phát triển chúng. Ví dụ như miền nam Canada hoặc Bắc Dakota nơi có khí hậu khắc nghiệp hơn phía tây Siberia nhưng nông dân vẫn có thể trồng trọt.

Ở Nga bạn không chỉ có diện tích đất nông nghiệp lớn mà có cả trữ lượng nước ngọt khổng lồ đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Nhiều vùng ở Nga có thể phát triển nông nghiệp ngay lập tức mà không cần cải tạo đất nhưng họ vẫn không làm hoặc sử dụng không đúng cách.

Walker cho rằng Nga không phải là quốc gia có khí hậu như vùng Địa Trung Hải nhưng tiềm năng phát triển nông nghiệp của nước này vẫn tốt hơn nhiều quốc gia khác.

“Nga dủ tiềm lực trở thành cường quốc nông nghiệp số một thế giới và điều này không hề viễn vong", Walker nhấn mạnh.

"Nếu tính đến sự hợp tác thương mại của Nga với hàng tỷ người ở châu Á ở các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc thì cũng đã đủ tạo thị trường ổn định cho nông sản Nga. Định mệnh của nước Nga là trở thành cường quốc nông nghiệp nhưng để làm được điều này lại phụ thuộc vào mỗi người dân”, ông Walker nói thêm.

Trà Khánh

Tin mới