Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người dân Nhật Bản 'sốc, khó hiểu' sau vụ ông Abe Shinzo bị ám sát

(VTC News) -

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo không chỉ gây sốc vì ông là chính trị gia được yêu mến, mà còn bởi nó xảy ra ở một đất nước như Nhật Bản.

Lần gần nhất một thủ tướng đương nhiệm hoặc cựu thủ tướng Nhật bị bắn và sát hại là 90 năm trước. Điều đó cho thấy bạo lực súng đạn hiếm và gây sốc đến thế nào ở quốc gia này, nơi quyền sở hữu vũ khí được kiểm soát chặt chẽ.

Trong vụ nổ súng khiến cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngã gục hôm 8/7, nghi phạm sử dụng một khẩu súng tự chế. Cựu thủ tướng khi đó đang phát biểu cho chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ Tự do trước một ga tàu tại Nara, thành phố phía Đông Osaka. Sau khi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, các bác sĩ thông báo ông không qua khỏi, hưởng thọ 67 tuổi.

Cảnh sát tại hiện trường vụ tấn công ông Abe Shinzo. (Ảnh: Bloomberg)

“Thật sự sốc. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng thảm kịch như vậy lại xảy ra ở một thành phố vùng nông thôn”, bà Yuki Ito – 42 tuổi, đang mua hàng tại một hiệu thuốc gần nơi ông Abe bị bắn, nói. “Nó xảy ra gần các văn phòng, ngân hàng và trung tâm mua sắm. Khi biết được đó là một vụ nổ súng, tôi rất sợ”.

“Bạn không bao giờ nghe nói về bạo lực súng đạn ở đây. Trên TV, bạn nghe về điều đó mọi lúc ở Mỹ chứ không phải ở đây”, Ayane Kubota, 37 tuổi, nói với New York Times. Anh đang đi làm về thì xem được tin tức về cái chết của ông Abe trên điện thoại. "Thật không giống Nhật Bản chút nào".

Erika Inoue, nhà thiết kế 25 tuổi, cho biết sự kiện này giống một kịch bản Hollywood hơn là cuộc sống thực ở Nhật Bản. “Tôi bị sốc vì điều này", cô nói. “Vụ nổ súng thật khó hiểu. Có súng sao? Ở Nhật Bản sao?"

Lỗ hổng an ninh?

William Cleary, giáo sư luật hình sự tại Đại học Hiroshima Shudo, cho biết: “Ở Nhật Bản, các vụ nổ súng này cực kỳ hiếm, và nghịch lý thay, điều đó lại khiến nó dễ dàng thực hiện”. Ông Clearly nói, ông đã phải hủy một lớp học của mình trong ngày do nhìn thấy những khuôn mặt "hoàn toàn ủ rũ" của sinh viên. "An ninh rõ ràng đã quá lỏng lẻo. Vụ việc này có thể khiến an ninh được thắt chặt, đặc biệt tại những nơi phát biểu công khai, do chúng ta đang ở trong giai đoạn bầu cử”.

Cảnh sát tại hiện trường vụ tấn công ông Abe Shinzo. (Ảnh: Bloomberg)

Các vụ nổ súng không phổ biến ở xứ mặt trời mọc, nhưng không phải là chưa bao giờ được nhắc đến. Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật, năm 2021 có 10 sự cố liên quan đến súng đạn ở nước này, khiến 1 người chết và 4 người bị thương.

Để sở hữu vũ khí – chủ yếu là súng trường và súng săn cho mục đích thể thao hoặc săn bắn, người Nhật phải trải qua quy trình cấp giấy phép và kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt. Cảnh sát Nhật bình thường được trang bị súng ngắn.

Truyền thông Nhật Bản xác định nghi phạm đã bắn ông Abe là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi. Sau khi tấn công, người này lập tức bị lực lượng an ninh tại hiện trường bắt giữ. Các bản tin truyền hình cho thấy một thứ giống như hai chiếc ống được cuốn với nhau bằng băng đen rơi trên mặt đất, có thể là loại vũ khí lắp ráp thô sơ.

Daniel Foote, giáo sư tại Đại học Tokyo, chuyên về luật và xã hội, cho biết: “Điều này thực sự cho thấy mức độ của luật về súng ở Nhật Bản. Rất ít người có khả năng tạo ra một loại vũ khí như vậy”.

Là cựu thủ tướng, ông Abe cũng có đội an ninh tháp tùng, và ít nhất một trong số họ có lá chắn chống đạn.

Vụ việc xảy ra chưa đầy một tuần sau vụ nổ súng chết người tại cuộc diễu hành ngày 4/7 bên ngoài Chicago, Mỹ. Robert “Bobby” Crimo III, 21 tuổi, đã bị buộc 7 tội danh giết người cấp độ một. Ngoài ra, đã có hơn 300 vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ vào năm 2022, theo Cơ quan Lưu trữ về bạo lực súng.

Trong khi đó, tại Tokyo không có vụ việc nào liên quan đến súng trong năm ngoái.

Theo GunPolicy.org, năm 2019, tổng số súng mà dân thường nắm giữ ở Nhật Bản ước tính là 310.400 khẩu, tương đương 0,25 khẩu trên 100 người, mức thấp nhất trong số các nước G7. Ở Mỹ có 393 triệu khẩu súng, tương đương 120 khẩu trên 100 người và ở Anh có 3,2 triệu khẩu, tương đương 5 khẩu trên 100 người.

Nghi phạm vụ ám sát ông Abe Shinzo. (Ảnh: Bloomberg)

Các vụ tấn công chính trị gia

Năm 1932, Thủ tướng Nhật khi đó là Tsuyoshi Inukai bị một nhóm lính hải quân âm mưu gây chiến với Mỹ sát hại (những người này ban đầu cũng tìm cách giết Charlie Chaplin, người đang thăm Nhật Bản vào thời điểm đó). Ngoài ra, lần gần nhất một chính trị gia Nhật Bản bị bắn chết là năm 2007: Thị trưởng thành phố phía Nam Nagasaki bị các thành viên băng đảng yakuza, hay mafia Nhật Bản, nhắm đến.

Ông ngoại của ông Abe, cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi cũng từng là mục tiêu của một vụ ám sát. Năm 1960, ông Kishi bị đâm trong những ngày cuối cùng tại nhiệm. Kẻ tấn công là một người có liên kết với các nhóm cánh hữu. Ông đã sống sót sau đó.

Có một điểm tương đồng khác giữa hai cuộc tấn công vào các thủ tướng cách nhau gần một thế kỷ, đó là các nghi phạm có liên quan đến quân đội. Yamagami, kẻ đã bắn chết ông Abe, là cựu thành viên Lực lượng Phòng vệ biển, theo truyền thông địa phương.

“Đây là một cú sốc nghiêm trọng”, ông Hiromichi Watanabe, thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ Tự do Nhật (LDP) phát biểu tại trụ sở của đảng. "Tôi không thể tin rằng điều này có thể xảy ra ở Nhật Bản”.

Mặc dù được biết đến nhiều nhất với “Abenomics” - một kế hoạch chưa từng có để phục hồi nền kinh tế Nhật Bản thông qua cải cách quy định và nới lỏng tiền tệ, ông Abe, thủ tướng tại vị lâu nhất của nước này, cũng gây tranh cãi khi tìm cách tăng cường chi tiêu quốc phòng và sửa đổi hiến pháp vốn đang theo chủ nghĩa hòa bình.

Phương Anh

Tin mới